Kế hoạch môi trường của EU

Giữ cho hành tinh khỏe mạnh hơn

- Thứ Tư, 21/07/2021, 06:54 - Chia sẻ
Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố kế hoạch chi tiết về cách thức giảm phát thải khí nhà kính. Đây là kế hoạch chống biến đổi khí hậu tham vọng nhất từ trước tới nay của EU vì nó có khả năng cách mạng hóa nhiều lĩnh vực từ du lịch, hàng không đến vận tải biển, song cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất những kế hoạch để giúp các nước thành viên trong khối có thể đạt được mục tiêu chung là giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, và đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch đã đạt đến giới hạn của nó, và EU muốn thay đổi tình hình hiện tại để cho thế hệ tiếp theo một hành tinh khỏe mạnh hơn. Theo đó, EC sẽ đưa ra những đề xuất mạnh bạo nhằm đạt được mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 càng sớm càng tốt.

	Nguồn: CNBC
Nguồn: CNBC

Những đề xuất và quy định mới 

EC đề xuất mở rộng Chương trình Thương mại khí thải của EU (ETS). ETS là chương trình quốc tế đầu tiên và lớn nhất được thiết lập, để cắt giảm lượng khí nhà kính thải ra trong tất cả ngành công nghiệp. Chương trình này được xây dựng dưạ trên cơ sở chính sách EU trong việc chống lại biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu, bằng cách cho phép các nước thành viên EU mua và giao dịch lượng khí thải thương mại trong phạm vi cho phép.

Theo đề xuất mới, các doanh nghiệp có thể đổi các khoản phụ cấp để tổng lượng phát thải khí nhà kính cho các cơ sở lắp đặt và khai thác máy bay vẫn nằm trong một giới hạn nhất định. EC cũng muốn loại bỏ dần được các khoản phụ cấp phát thải miễn phí cho ngành hàng không và vận chuyển. Ngoài ra, cơ quan này cũng mong muốn có một hệ thống kinh doanh khí thải mới để phân phối nhiên liệu cho giao thông đường bộ và các tòa nhà.

EC đã đưa ra quy định mới đối với lĩnh vực ô tô có động cơ khí đốt, các loại xe ô tô chạy bằng xăng, dầu sẽ không được tiếp tục bán trên thị trường và bị cấm vào năm 2035, nhằm cắt giảm 100% lượng khí thải CO2. Mặc dù quy định mới này sẽ ảnh hưởng không nhỏ. Đây là quyết định nhằm thúc đẩy EU nhanh chóng tiến tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, cũng như đòi hỏi các quốc gia thuộc khối phải có kế hoạch điều chỉnh phù hợp. EU muốn các quốc gia thành viên hướng đến việc sử dụng phương tiện giao thông chạy điện, và để đạt được điều đó, trong tương lai các điểm sạc sẽ phải thường xuyên có sẵn trên các đường cao tốc chính.

Nhằm thúc đẩy doanh số xe điện, tại Brussels (Bỉ) đã đề xuất một điều luật yêu cầu các nước từ nay đến năm 2025, phải lắp đặt các điểm sạc điện dọc các con đường lớn với khoảng cách giữa các điểm tối đa 60km và 150km để tiếp nhiên liệu hydro. Sự ra mắt của các loại xe điện được dự đoán sẽ tạo ra 3,5 triệu trạm sạc công cộng cho ô tô và xe tải đến năm 2030, đến năm 2050 con số này sẽ tăng lên hơn 16 triệu trạm. Ngoài ra, các kế hoạch mới nhất của EU hướng tới mục tiêu các quốc gia thuộc khối sẽ sản xuất 40% nhu cầu năng lượng của họ thông qua các nguồn tái tạo đến năm 2030.

Cập nhật các loại thuế môi trường và chính sách hỗ trợ

EC đề xuất một loại thuế đầu tiên trên thế giới là “thuế carbon biên giới”. Loại thuế này được đưa ra nhằm kiểm soát nghiêm ngặt đối với những loại hàng hoá thải nhiều khí carbon được nhập khẩu vào EU, và dần dần sẽ áp dụng vào các ngành như phân bón, thép, nhôm... Điều này sẽ buộc các doanh nghiệp EU phải điều chỉnh giá khi nhập hàng hoá từ bên ngoài khối, đồng thời bảo vệ các ngành của EU trước những đối thủ cạnh tranh ở bên ngoài khi họ không phải chịu cùng mức thuế carbon.

Theo đề xuất trên, trong giai đoạn từ năm 2023 - 2025, các công ty nhập khẩu sẽ phải theo dõi và báo cáo lượng khí thải của họ, đồng thời sẽ phải mua các chứng chỉ số thể hiện lượng khí thải CO2 gắn với các mặt hàng mà họ nhập khẩu. Song, các công ty nhập khẩu vẫn có thể yêu cầu giảm phí carbon nói trên nếu như các mặt hàng nhập khẩu của họ đã chịu thuế carbon tại nước sản xuất. EC cho biết, thuế này dự kiến sẽ  được bắt đầu áp dụng từ năm 2026.

Các quy định về thuế điện, động cơ, nhiên liệu hàng không và hệ thống sưởi trong Chỉ thị thuế năng lượng EU, cũng sẽ được cập nhật thêm. Việc đánh thuế năng lượng đã được EU thực hiện từ năm 2003, tuy nhiên cho tới nay, Uỷ ban cho rằng những quy định cũ cần được được thay đổi vì nó hiện không đồng nhất với chương trình nghị sự xanh của EU. Hơn nữa, mức giá tối thiểu hiện tại đã không còn phù hợp, cũng như không có mối liên hệ giữa mức độ đánh giá thuế và tác động của môi trường.

EC đề xuất từ nay đến năm 2026 sẽ loại bỏ dần giấy phép CO2 miễn phí cho các hãng hàng không có chuyến bay nội khối đang được hưởng giấy phép này. Điều này đồng nghĩa với việc các hãng phải trả chi phí cao hơn cho lượng khí thải của mình, và chi phí này có thể bị chuyển sang cho người tiêu dùng thông qua giá vé cao hơn. Áp dụng tương tự đối với các hộ gia đình khi sử dụng hệ thống sưởi.

Bên cạnh đó, EC cũng đưa ra những chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo và dễ bị tổn thương bằng việc miễn thuế đối với nhiên liệu sưởi ấm, đồng thời các quốc gia thành viên sẽ nhận được tài trợ để đầu tư vào hiệu quả năng lượng. Một trong những đề xuất về việc tài trợ là sử dụng nguồn thu từ Chương trình Mua bán Khí thải để các nước thuộc khối, có thể bù đắp chi phí chuyển đổi cho các hộ gia đình trên.

Không dễ thực hiện

Tất cả những đề xuất trong kế hoạch mà EC đưa ra sẽ cần phải được đàm phán, cũng như sự phê chuẩn của các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu (EP). Quá trình này dự kiến sẽ tốn nhiều thời gian và tranh cãi vì những đề xuất trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các nền kinh tế khác nhau, theo nhiều cách khác nhau.

Những biện pháp của EC dự báo sẽ phải đối mặt với ảnh hưởng từ các quốc gia thành viên nghèo muốn bảo vệ công dân của họ chống lại sự tăng giá, hay từ các quốc gia gây ô nhiễm nhất vì họ phải đối mặt với một quá trình chuyển đổi tốn kém hơn.

Mặc dù kế hoạch đạt mục tiêu cắt giảm phát thải khí ít nhất 55% mà EU đưa ra sẽ gặp nhiều khó khăn và tranh cãi từ các nước thành viên, tuy nhiên, mục tiêu này sẽ giúp EU đi đúng hướng, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như kịp thời ngăn chặn những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.

Như Ý