Giữ chân người lao động

- Thứ Hai, 28/06/2021, 05:47 - Chia sẻ
Trong bối cảnh người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mất việc làm, khoản tiền bảo hiểm xã hội 1 lần được nhiều lao động xem như là vật cứu tinh trong hoàn cảnh khó khăn, cùng đường. Ai cũng muốn chờ đủ điều kiện để sau này có lương hưu, cực chẳng đã, họ mới phải rút bảo hiểm xã hội, hưởng 1 lần. Nếu đề xuất giảm 50% tiền hưởng bảo hiểm xã hội nếu rút một lần của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được thông qua thì đây sẽ là đòn giáng mạnh vào tâm lý của lao động.

Đó là ý kiến của rất nhiều người lao động trước đề xuất liên quan đến việc xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Thay vì được hưởng từ 1,5 - 2 tháng lương theo số năm tham gia như hiện nay, người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu có thể sẽ chỉ được hưởng 1 tháng lương nếu rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo cơ quan soạn thảo, điều này nhằm giữ chân người lao động ở lại hệ thống, bảo đảm chế độ an sinh xã hội khi về già.

Thực tế, từ sau khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực, tình trạng nhận trợ cấp một lần tăng nhanh. Từ thời điểm đó đến nay, đã có 3,7 triệu người rút bảo hiểm xã hội một lần. Nguyên nhân được cho là nhiều quy định của luật chưa hấp dẫn một bộ phận lao động tham gia. Được tuổi đời thì thời gian làm việc không đủ hoặc đủ điều kiện thời gian thì điều kiện tuổi đời chưa đủ… khiến nhiều trường hợp không chờ được đến tuổi nghỉ hưu để nhận đầy đủ chế độ. 

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, tình trạng này càng tăng cao khi dịch bệnh khiến hơn 32 triệu người bị ảnh hưởng thu nhập, việc làm. Người lao động không phải không biết những mất mát khi chấp nhận “bán lúa non”: Mất lương hưu, mất bảo hiểm y tế, mất sự bảo đảm khi về già… Nhưng họ vẫn rút bởi gia sản chẳng còn gì ngoài cuốn sổ bảo hiểm xã hội. Đáng lẽ, phải có giải pháp để khuyến khích, tạo điều kiện thu hút người lao động, bảo đảm quyền lợi để người lao động ở lại hệ thống này thì lại tìm cách cắt giảm quyền lợi của họ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất này không phải là giải pháp triệt để điều chỉnh hành vi rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động, đồng thời cũng không giải quyết được tình trạng người lao động ra khỏi hệ thống. Một khi người lao động muốn rút bảo hiểm xã hội thì dù ít hay nhiều họ vẫn rút. Giải pháp căn cơ nhất vẫn là phải có chính sách thúc đẩy người lao động có tiền lương đủ sống, có tích lũy; đồng thời sửa đổi điều kiện chế độ hưởng hưu trí theo hướng người lao động dễ tiếp cận hơn.

Về bản chất, số tiền người lao động đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là tiền trích ra từ lương hằng tháng của họ. Quỹ bảo hiểm xã hội chỉ là cơ quan quản lý, giữ hộ tiền cho người lao động. Vậy, khoản tiền 50% còn lại mà người lao động không được nhận sẽ được quản lý ra sao? Hòa vào kinh phí của hệ thống bảo hiểm xã hội hay ai được hưởng? Số tiền tham gia bảo hiểm xã hội hiện nay là người lao động đóng 8%, doanh nghiệp đóng 18%. Nên chăng chỉ để người lao động rút phần mà họ đóng, còn số tiền bảo hiểm xã hội doanh nghiệp đóng cho người lao động thì giữ lại cho người lao động hưởng hưu trí, để họ vẫn nằm trong hệ thống bảo hiểm xã hội?

Bộ Tư pháp cũng đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động chính sách, nhất là về lộ trình giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần, tránh gây tâm lý hoang mang cho người lao động. Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cũng đã nhấn mạnh việc sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm.

Rõ ràng, các giải pháp hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần là rất cần thiết, giữ vững vai trò của bảo hiểm xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội về lâu dài. Tuy nhiên, từng điều chỉnh cần cân nhắc kỹ lưỡng, phải giúp người lao động thấy được, nhận được quyền lợi của mình, thay vì đẩy cái khó về phía họ.

Chi An