Bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống

Giữ bản sắc, tạo sinh kế bền vững

- Thứ Hai, 06/12/2021, 13:54 - Chia sẻ
Dệt vải là nghề truyền thống có từ lâu đời, tuy đã dần mai một, nhưng ngày nay vẫn còn được một số đồng bào dân tộc thiểu số lưu giữ. Việc bảo tồn nghề thủ công này không những góp phần bảo tồn bản sắc mang đậm đặc tính của từng dân tộc mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho các phụ nữ vùng cao.
	Hồi sinh nghề dệt truyền thống - Ảnh: Chie - Dù pù dù pà ơi!
Hồi sinh nghề dệt truyền thống
Ảnh: Chie - Dù pù dù pà ơi!

Đưa dệt vải thủ công trở lại đời sống

Dệt vải là một trong những nghề thủ công lâu đời và gắn bó chặt chẽ với đời sống đồng bào nhiều dân tộc như: Mông, Tày, Nùng, Thái, Mường, Lào, Ê Đê, Chăm... Mỗi dân tộc lại có những cách khai thác và sử dụng nguyên liệu khác nhau, kỹ thuật dệt vải, nhuộm, phối màu, tạo đường nét hoa văn riêng, từ đó tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng.

Tuy nhiên, khoa học và công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất khiến vải dệt công nghiệp phát triển, dệt truyền thống dần vắng bóng, số người còn thực hành ngày càng ít đi. Trong khi đó, nét văn hóa này cần được lưu giữ, thể hiện nét đặc trưng cho từng dân tộc. Đã có nhiều chương trình bảo tồn nghề dệt, nhưng làm sao để nghề thủ công truyền thống này có thể tồn tại trong đời sống đương đại vẫn là điều cần quan tâm.

	Kết nối sản phẩm dệt với thị trường - Ảnh: Chie - Dù pù dù pà ơi!
Kết nối sản phẩm dệt với thị trường
Ảnh: Chie - Dù pù dù pà ơi!

Năm 2008, “Dự án phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam” được triển khai do tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ. Khi nghiên cứu để triển khai, các cán bộ dự án đã thấy được ưu thế nổi bật của các vải dệt với 100% nguồn gốc tự nhiên, được làm thủ công và mang đậm tính văn hóa của dân tộc. Ưu thế này hoàn toàn có thể trở thành thế mạnh hàng hóa và tạo thêm thu nhập cho đồng bào. Do vậy, dự án tập trung cung cấp trang thiết bị và kỹ năng giúp cho đồng bào dân tộc tự tạo sinh kế dựa trên nguồn lực sẵn có là kỹ năng và bí quyết dệt vải.

Tham gia dự án, chị Trương Thị Thu Thủy - chủ doanh nghiệp xã hội Chie - Dù pù dù pà ơi! khi đó đảm nhận công việc hướng dẫn may cho đồng bào để họ có thể hoàn thiện được những sản phẩm đơn giản. Hơn 10 năm gắn bó với đồng bào dân tộc, chị Thủy cho rằng: “Do các hoa văn, kỹ thuật dệt đơn giản và không có đủ trang bị để tạo thành sản phẩm, đồng bào dân tộc tại các vùng dự án chỉ sử dụng các tấm vải dệt để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, không thể tạo ra sản phẩm. Bởi vậy dần dần, nghề dệt mai một”. Trong quá trình làm việc, chị đã dạy các kỹ thuật cắt, may, phối màu để đồng bào có thể hoàn thiện một số sản phẩm cơ bản. Bên cạnh đó, chị cũng chủ động sáng tạo nên những thiết kế mới và hướng dẫn bà con thực hiện. Qua thời gian, hầu như bà con đều đáp ứng được các yêu cầu cho sản phẩm dệt - may thủ công của khách hàng. Khi gắn được nghề dệt với các sản phẩm phục vụ nhu cầu của đời sống hiện nay, nghề dệt truyền thống có thể hồi sinh.

Kết nối sản phẩm với thị trường

Với khát khao tiếp nối con đường bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống, sau 3 năm tham gia dự án Xúc tiến ngành nghề nông thôn dành cho bà con dân tộc thiểu số ở 4 tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, chị Trương Thị Thu Thủy mở cửa hàng tại trung tâm Hà Nội, kết nối thị trường với sản phẩm dệt thủ công của đồng bào.

Chị cũng hợp tác với một số nhóm bà con dân tộc thiểu số ở Tây Bắc và Tây Nguyên Việt Nam thông qua các lớp tập huấn miễn phí: thêu, dệt, may, quản lý sản xuất… và đã phát triển đa dạng các sản phẩm mang tính ứng dụng cao từ vải dệt tay: phụ kiện thời trang, đồ dùng và trang trí trong gia đình bằng vải, quà lưu niệm...

“Trong những năm đầu thành lập, tôi thường có những chuyến đi ngắn ngày lên lại các vùng dự án, để hướng dẫn đồng bào may mẫu sản phẩm mới. Sau 1 năm cửa hàng ổn định, tôi quyết định lựa chọn và đào tạo 1 – 2 thợ chính trong mỗi nhóm đồng bào hợp tác cùng, đào tạo nhóm nòng cốt này đã giúp sự ổn định hơn về chất lượng hàng hóa, nâng cao tay nghề và tạo tính tự chủ trong sản xuất cho chính đồng bào đang hợp tác cùng Chie. Đây cũng là cơ hội tiếp cận đa dạng thị trường đầu ra cho sản phẩm đối với đồng bào dân tộc” - chị Thủy nói.

Xác định đồng bào là đối tác trong suốt hoạt động của mình, Chie mua các vải dệt và sản phẩm của đồng bào với giá tương xứng với chất lượng sản phẩm, đồng bào dần có trách nhiệm với sản phẩm của mình, phát triển về kỹ thuật cũng như sự kỹ lưỡng trong khâu hoàn thiện. Chị Thủy chia sẻ: Những năm gần đây, đồng bào tại các vùng dự án trước đây đã hoàn toàn tự chủ về đầu ra và sản phẩm. Chie cũng đã tự mở xưởng nhưng vẫn mua trực tiếp 100% nguồn vải thổ cẩm từ đồng bào dân tộc, với tâm niệm duy trì nét đẹp truyền thống, tinh hoa dân tộc trong mỗi sản phẩm của mình.

Khôi phục và bảo tồn nghề dệt truyền thống - Ảnh: Chie - Dù pù dù pà ơi!
Khôi phục và bảo tồn nghề dệt truyền thống
Ảnh: Chie - Dù pù dù pà ơi!

Hiện nay, với đồng bào người Mông, Dao bảo vệ truyền thống tốt nên nghề dệt vẫn được duy trì, một số dân tộc khác, nghề dệt đã mai một khá nhanh. Ngoài các vùng của dự án trước kia: Na Sang 2 (Điện Biên), Than Uyên (Lai Châu), Mộc Châu (Sơn La) và Chiềng Châu (Hòa Bình), chị Thủy cho biết đang kết nối với các nhóm ở địa phương, như ở Sapa, Lào Cai để có thể đào tạo các khóa dạy may, hoặc phối hợp để phát triển du lịch “chậm” ở Na Sang gắn với trải nghiệm đời sống, tham gia các workshop dệt nhuộm, mặc thử đồ truyền thống, kể chuyện hoa văn trên vải... để lưu truyền nghề cho thế hệ trẻ, ngăn tình trạng bỏ dệt nhanh ở đây.

Giữ gìn nghề dệt thủ công, ngoài giúp bảo tồn truyền thống, theo chị Thủy, còn tạo được sinh kế cho chị em phụ nữ vùng cao. “Khi du lịch phát triển, bình thường bà con làm không kịp bán, đồng thời vẫn đi làm nương được. Tôi mong muốn bảo tồn phát triển nghề dệt, tăng sinh kế cho phụ nữ vùng cao. Bởi chị em có thể dệt vào thời gian rảnh rỗi, làm sao có thiết kế tốt để ứng dụng vào đời sống, có thể bán được. Nếu có thêm thu nhập từ nghề dệt, phụ nữ vùng cao sẽ có tiếng nói hơn, không phải bỏ nhà đi làm bên kia biên giới, được chăm sóc y tế, giáo dục cho họ và con cái họ tốt hơn...”

Ngọc Phương