Giọt nước tràn ly

03/05/2007 00:00

Quyết định di dời tượng đài tưởng niệm Hồng quân Liên Xô ra khỏi trung tâm thủ đô Tallinn, Estonia đã làm dấy lên một làn sóng phản đối dữ dội trong cộng đồng người Nga sinh sống tại đất nước Baltic nhỏ bé này. Sự kiện trên chỉ là điểm thêm một dấu đen vào quan hệ giữa hai nước láng giềng, vốn đã nhiều khúc mắc.

      Từ một thành phố nhỏ bé và thanh bình, Tallinn bỗng chốc trở nên sục sôi và đáng sợ với những cuộc bạo động nổ ra trong 3 ngày liên tiếp kể từ khi Chính quyền Estonia cho di chuyển công trình tưởng niệm những chiến sỹ Hồng quân Liên Xô đã hy sinh trong cuộc chiến tranh thế giới thứ II ra khỏi trung tâm thủ đô thành phố. Gần một nghìn người nói tiếng Nga sinh sống tại Tallinn đã xuống đường biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ. Căng thẳng nổ ra giữa lực lượng cảnh sát Estonia và những người biểu tình khiến hàng chục người bị thương và một người thiệt mạng. Cửa kính bị đập vỡ. Ôtô bị phá hủy. Những đám cháy bùng lên ở nhiều nơi trong thành phố. Không khí nhuốm màu bạo lực lan tỏa khắp nơi. 
      Quyết định này của Tallinn ngay lập tức đã làm nổ ra cơn “sấm sét” tại Kremlin. Chủ tịch Thượng viện Nga Serguei Minorov đã đề nghị chấm dứt quan hệ ngoại giao với Estonia. Moscow coi quyết định di dời tượng đài Hồng quân Liên Xô của Tallinn là một quyết định “đáng ghê sợ”  vì đó là một sự xúc phạm đối với những người đã ngã xuống để giải phóng Estonia, cứu Châu Âu khỏi mối đe dọa từ phát xít. Phó thủ tướng Nga Serguei Ivanov gọi đây là hành động “phá hoại nền văn vật quốc gia”. Thậm chí ông Ivanov còn kêu gọi công dân Nga tẩy chay sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ tại Estonia. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov cho biết Moscow sẽ có những “biện pháp nghiêm túc” đối với hành động này của chính quyền Estonia. Các nghị sỹ thuộc Duma quốc gia Nga chủ trương áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Estonia vì nước này hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào dầu lửa và khí đốt của Nga. 
      Về phần mình, lý giải quyết định này, Bộ trưởng Nội vụ Estonia Kalle Laanet cho biết bức tượng đồng này là một công trình tưởng niệm gây nhiều tranh cãi tại Estonia. Với người Nga, đó là biểu tượng của chiến thắng và tự do. Nhưng với nhiều người Estonia khác, công trình này nhắc lại một thời kỳ phụ thuộc ngoài mong muốn của Estonia vào Liên bang Xô viết. Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc đã khiến Estonia trở thành một phần của Liên bang Xô Viết nhưng mọi chuyện đã chấm dứt kể từ năm 1991 khi Liên bang tan rã. Thế nên, giờ đã đến lúc chấm dứt những tranh cãi này, chấm dứt việc công trình này gây ra những phản ứng khác nhau trong dân chúng và có thể bị những kẻ cực đoan sử dụng như một chiêu bài phân biệt chủng tộc. 
      Nói thì nói vậy nhưng có thể thấy quan hệ Nga - Estonia không phải bây giờ mới căng thẳng. Mọi chuyện đã chẳng mấy xuôi chèo mát mái kể từ năm 1991 khi Chính quyền Estonia chỉ trích Moscow không tôn trọng đường biên giới cũ. Về phần mình, Moscow thực sự phẫn nộ và đã nhiều lần phản đối quyết liệt việc Estonia gia nhập Liên minh Châu Âu và NATO năm 2004. Căng thẳng lần này leo thang có thể gây ra những hậu quả khá nghiêm trọng vì chỉ vừa mới đây thôi, Moscow vẫn còn chưa nguôi giận trước việc Nghị viện Estonia thông qua một đạo luật bị Moscow cáo buộc là nhằm đồng hóa bộ phận người Nga chiếm 20% dân số đang sinh sống tại nước này. Luật mới của Estonia quy định sa thải những nhân công có trình độ tiếng Estonia không đạt yêu cầu. Với những người nói tiếng Nga sinh sống tại Estonia, luật ngôn ngữ mới này được coi như một công cụ cản trở họ kiếm được những việc làm tốt. 
      Xung đột này còn chưa được hóa giải thì xung đột khác đã tới làm bất đồng ngày càng thêm chồng chất. Đưa ra tuyên bố di dời biểu tượng Hồng quân Liên Xô ngay trước thời gian kỷ niệm 3 năm ngày gia nhập EU của Estonia phải chăng là một quyết định mang tính biểu tượng? Muốn dứt bỏ quá khứ xa xưa và xây dựng mối quan hệ nồng ấm với Phương Tây dường như mới thực sự là những gì ẩn giấu đằng sau động thái này của Tallinn. Về phần mình, đương nhiên Moscow cảm thấy không hài lòng bởi việc dỡ bỏ tượng đài lịch sử, niềm tự hào một thời của sức mạnh nước Nga Xô Viết, làm cho lo ngại cảm thấy bị đe dọa của Moscow càng thêm hiện hữu. Nhất là khi quyết định này lại được đưa ra đúng thời điểm NATO đang mở rộng cánh cửa của mình đến vùng ảnh hưởng cũ của Nga và Mỹ quyết tâm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ngay tại các nước Đông Âu láng giềng. Chính vì thế, dù EU đã phải can thiệp, dù Tổng thư ký LHQ Ban ki-moon đã lên tiếng kêu gọi hai bên hóa giải bất đồng và dù Estonia đã nhún nhường chấp nhận sẽ dựng lại tượng đài Hồng quân Liên Xô ở một nơi bên ngoài thành phố trước ngày kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới lần II, 9.5, nhiều người vẫn chưa cảm thấy thực sự yên tâm và hiểu rằng còn lâu quan hệ Nga-Estonia mới bước sang thời kỳ mới an hòa.

Phong Á

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giọt nước tràn ly
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO