Giọt nước mắt bất lực
Trong buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP Hồ Chí Minh chiều 23.8 về quy định dạy thêm - học thêm của thành phố, Hiệu trưởng Trường Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng, thầy Nguyễn Văn Lợi đã nghẹn ngào bật khóc ngay giữa phòng họp.
Thầy Lợi cho rằng, ở tiểu học “dạy thêm” thật ra là hình thức giữ trẻ. Rất nhiều phụ huynh không đón được con vào giờ tan trường nên có nguyện vọng để giáo viên giữ trẻ sau giờ học. Trường học tổ chức các sinh hoạt hội nhóm, thể dục thể thao, năng khiếu... cho các em. Em nào không thích vận động, chạy nhảy giáo viên sẽ tổ chức cho ôn bài. Thầy giáo này cũng cho rằng, bác sĩ được phép mở phòng khám ngoài giờ, ca sĩ được chạy sô hát để kiếm tiền - những công việc kiếm sống chính đáng bằng chính chuyên môn của họ - Vậy tại sao giáo viên lại không được phép làm thêm bằng chính chuyên môn của mình?
Câu chuyện học thêm - dạy thêm và cả vấn đề làm thế nào để giáo viên có thể tăng thu nhập một cách chính đáng đã được bàn luận nhiều năm nay. Tuy nhiên, câu trả lời cho việc này còn nhiều giằng díu và dường như vẫn chưa thực sự có giải pháp khả quan. Ngành giáo dục đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn dạy thêm, học thêm nhưng cứ mỗi lần có giải pháp mới thì các hình thức dạy thêm, học thêm lại “nảy nở” theo những cách khác nhau. Và trong nhiều năm qua, việc dạy thêm - học thêm dường như chưa bao giờ dừng lại. Cấm ở trường thì giáo viên - học sinh tìm cách ra trung tâm, cấm ở trung tâm thì họ lại tìm cách thuê nhà riêng, dạy theo hình thức gia sư…
Thực tế đó cho thấy, dù ngành giáo dục có đưa ra biện pháp nào thì học thêm - dạy thêm vẫn cứ tồn tại. Điều này cho thấy, việc quản lý và phương hướng của ngành giáo dục đang có những sai lầm căn cốt.
Những câu hỏi thầy giáo Lợi đặt ra rõ ràng là có lý và nó khiến cho chúng ta phải nhìn nhận lại. Tại sao những ngành nghề khác được phép làm thêm bằng chính chuyên môn của họ còn nghề giáo thì lại không? Không thể trả lời rằng nghề giáo là nghề cao quý bởi, nghề nào cũng có sự cao quý riêng và nghề nào cũng cần phải sống. Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương thì rõ ràng nghề giáo chật vật hơn nhiều nghề khác.
Việc “dạy thêm - học thêm” có lẽ cần phải hiểu bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực. Sẽ vẫn có những kiểu “học thêm” như thầy Lợi đã nêu và sẽ có cả những người lợi dụng việc dạy - học thêm biến thành những tiêu cực. Không thể vì không phân biệt được mà cấm triệt để rồi sau đó lại tạo ra những tình cảnh trớ trêu cho cả học sinh và giáo viên.
Việc cấm dạy thêm - học thêm đang cho thấy sự bất lực của ngành giáo dục trong công tác hoạch định tương lai. Nếu ngành có một giải pháp thực sự khoa học và tiên tiến thì chắc chắn dạy thêm - học thêm biến tướng sẽ không tồn tại, các hoạt động dạy thêm - học thêm tích cực sẽ vẫn được duy trì. Đây là những vấn đề đòi hỏi cần tìm ra câu trả lời trong tương lai gần. Không thể để tình trạng học sinh oằn mình lo học thêm nhưng cũng không thể để những giọt nước mắt của các thầy cô giáo tiếp tục rơi khi nghĩ về cuộc sống mưu sinh, về đồng lương và cả về tương lai của ngành giáo dục!