Giới trẻ Trung Quốc khát đồ hiệu

24/04/2007 00:00

Nhãn hiệu sang trọng giúp người Trung Quốc xác định vị trí của họ trong xã hội.

      Tự cho rằng mình có một mức thu nhập khiêm tốn, nhưng Jennifer Qiu vẫn không ngăn được bản thân tận hưởng niềm ưa thích: mua sắm quần áo hàng hiệu. Trong lần vào trung tâm China World mới đây, một trong những khu mua sắm dành cho tầng lớp giàu có tại thủ đô Bắc Kinh, Qiu, năm nay 29 tuổi, trợ lý xuất bản của một tạp chí về thiết kế nội thất, không thể cưỡng lại nổi sự cám dỗ của nhãn hiệu Chloé (Pháp), đã bỏ ra 7.000 nhân dân tệ tức gần 15 triệu đồng Việt Nam cho hai chiếc quần.
      “Khi tôi mới lớn, cha mẹ tôi thậm chí chẳng có đến một chiếc tủ lạnh hay tivi,” cô gái sinh ra tại thủ đô này nói. “Hơi quá sức khi mua những chiếc quần này nhưng tôi phải có bằng được bởi trước đây tôi chưa từng sở hữu bất cứ thứ gì như thế.” Qiu cho biết công việc của cô đem lại khoản thu nhập 5.000 nhân dân tệ mỗi tháng, một mức lương tương đối trong tầng lớp lao động trung lưu cổ cồn của thành phố.
      Đến nay, cơn khát các sản phẩm hàng hiệu của Trung Quốc không còn là bí mật khi người tiêu dùng nước này chiếm tới 10% doanh số các mặt hàng xa xỉ toàn cầu. Nhưng tại đất nước mà nền kinh tế đang bùng nổ này, nơi chỉ mới vừa cởi bỏ tấm áo đại cán kiểu Mao, điều gì đã khơi lên sự cuồng nhiệt đối với đồ hiệu? Trong một cuốn sách mới xuất bản, Sự sùng bái nhãn hiệu xa xỉ - Bên trong cuộc tình của châu Á với hàng xa xỉ, tác giả Radha Chadha và Paul Husband đã khảo sát nỗi ám ảnh của Trung Quốc với các nhãn hiệu, những cái tên sẽ quyết định tại sao đây lại là thị trường lý tưởng cho các mặt hàng xa xỉ.
      “Ngày nay, tại châu Á, bạn chính là thứ mà bạn đang mặc,” Chadha, một chuyên gia nghiên cứu thị trường, làm việc tại Hồng Kông nói. “Làm thế nào để biến tài khoản của bạn thành sự nể trọng của xã hội? Hãy lao vào các nhãn hiệu xa xỉ với những lôgô nổi bật và các dòng chữ dễ nhận biết. Họ sẽ cung cấp cho bạn một công cụ hữu ích khiến thế giới này phải nhận thức được quyền lực tài chính của bạn.”
      Và cô thêm, “Trung Quốc là một phòng thí nghiệm xã hội hấp dẫn, nơi mà đời sống cào bằng trước kia đang sắp xếp lại theo các tầng lớp khác nhau. Và họ sử dụng các nhãn hiệu xa xỉ một cách mãnh liệt để thực hiện điều này.”
      Cuốn sách này minh họa các giai đoạn tiêu thụ hàng xa xỉ theo một biểu đồ năm bậc. Trung Quốc, nơi đã hoàn tất giai đoạn 1 (nghèo đói) và giai đoạn 2 (phát triển kinh tế), hiện đang tìm kiếm bản thân trong giai đoạn 3 – phô trương. 
      “Ở đây sự giàu sang được tuyên bố bởi thời trang,” Chadha nói. “Vị trí xã hội của bạn trong xã hội hôm nay được đánh dấu bởi trang phục Chanel và đồng hồ Rolex.” Cô dự đoán Trung Quốc sẽ lên đến giai đoạn 4 (tiêu thụ được thúc đẩy bởi nhu cầu tiện nghi) trong 5 đến 10 năm nữa và giai đoạn 5 (sự xa xỉ là một lối sống) vào 5 năm tiếp theo.
      Đối với Nicole Chen, một nhà tạo mẫu tại Bắc Kinh, những người tiêu thụ các mặt hàng xa xỉ hiện nay có hai loại. “Một số người đơn giản chỉ là yêu thích những gì đẹp đẽ,” cô nói. “Họ hiểu rõ giá trị của chất lượng và lịch sử từng nhãn hiệu. Nhưng tôi cho rằng có tới 90% những người tiêu thụ các mặt hàng này chẳng có suy nghĩ ấy. Họ chỉ muốn khoe khoang.”
      “Phụ nữ ở đây pha trộn và kết hợp các món đồ sang trọng lại với nhau mà chẳng cần quan tâm tới phong cách,” Audrey Ma, tổng biên tập tờ Madame Figaro, một trong những tạp chí thời trang hàng đầu Trung Quốc nói. “Người Trung Quốc thích các biểu tượng. Lôgô và tên nhãn hiệu là các biểu tượng mà mọi người có thể hiểu được.”
      Trên thực tế, điều này cũng là một phần trong cung cách tặng quà của Trung Quốc. Uy tín của đồ hiệu đã giúp chúng trở thành quà tặng phổ biến: theo cuốn sách trên, 50% doanh số hàng xa xỉ ở đây bắt nguồn từ quà tặng. “Yếu tố lớn nhất thúc đẩy sự phát triển tiêu thụ các mặt hàng xa xỉ tại Trung Quốc là thói quen tặng quà,” Chadha nói, ám chỉ đến tập tục truyền thống trong việc tặng quà nhằm xây dựng các mối quan hệ cá nhân.
Các chiến dịch chống tham nhũng mới đây của chính phủ đã khiến các phong bì “tiền mặt quá rủi ro. Các món đồ có nhãn hiệu sang trọng được xem là an toàn hơn rất nhiều,” cô nói. “Đó là ví dụ khác của việc viết lại cuốn sách về phép tắc.”
      Tặng hoặc mặc đồ đắt tiền cũng đem lại thể diện cho bản thân người đó, thứ định kiến xã hội đã ăn sâu vào văn hóa Trung Quốc. “Thể diện là đang thành công và bộc lộ sự thành công ấy thông qua trưng diện,” Chadha nói. “Trung Quốc vẫn còn phải tiết kiệm rất nhiều so với các quốc gia phương Tây, nhưng các nhãn hiệu sang trọng là sự đầu tư xã hội. Chúng giúp người Trung Quốc xác định vị trí của họ trong xã hội.”
      Trong quá khứ, người tiêu dùng mặt hàng xa xỉ phổ biến nhất là các doanh nhân có tuổi và vợ hoặc bồ của họ, nhưng niềm khát khao sản phẩm đồ hiệu đã thấm vào tầng lớp trẻ hơn.
      “Đối với thế hệ 8x, kiếm được bao nhiêu, điều đó chẳng quan trọng. Họ dành hết cho quần áo,” Chen, một nhà thiết kế thời trang nói, “Họ không quan tâm đến tiền bạc bởi luôn biết mình có thể yêu cầu cha mẹ trợ giúp.” Nền kinh tế phát triển và chính sách một con đồng nghĩa với việc rất nhiều bậc phụ huynh có thể dành hết thu nhập của mình cho con cái, cô nhận xét.
      “Giới trẻ đang thạo đời hơn trước. Cho đến năm 30 tuổi, hầu hết bọn họ sẽ thường xuyên mua đồ xa xỉ.”


Đăng Ngọc
Theo IHT

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giới trẻ Trung Quốc khát đồ hiệu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO