Giới thiệu Luật Công chứng

05/01/2007 00:00

Luật Công chứng gồm 8 chương, 67 điều, có hiệu lực thi hành từ 1.7.2007

      1. Phạm vi điều chỉnh
      Công chứng và chứng thực là hai hoạt động khác nhau về tính chất, đối tượng và chủ thể thực hiện, cụ thể là: Công chứng là hoạt động mang tính chất dịch vụ công do công chứng viên thực hiện; Đối tượng của hoạt động công chứng là các hợp đồng, giao dịch về dân sự, kinh tế, thương mại... Trong khi đó, hoạt động chứng thực là hoạt động mang tính chất hành chính do cơ quan hành chính nhà nước là UBND các cấp thực hiện; Đối tượng của hoạt động chứng thực là các giấy tờ, tài liệu, chữ ký của cá nhân trên các giấy tờ...
      Thực hiện chủ trương xác định rõ phạm vi của công chứng và chứng thực, giá trị pháp lý của văn bản công chứng bao gồm các vấn đề như phạm vi công chứng, công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng. Việc chứng thực của UBND cấp huyện, cấp xã không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật và sẽ được điều chỉnh bằng một nghị quyết, nghị định này dự kiến sẽ có hiệu lực trước thời điểm Luật Công chứng có hiệu lực.
      Với việc xác định rõ phạm vi giữa công chứng và chứng thực để từ đó xác định những nguyên tắc tổ chức và hoạt động phù hợp đối với mỗi loại hoạt động này là phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và cải cách tư pháp, qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức hành nghề công chứng tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của mình, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch ngày một tăng cả về số lượng và tính phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh nước ta là thành viên chính thức của WTO, đồng thời khắc phục tình trạng “sính công chứng bản sao giấy tờ” như hiện nay.
      2. Khái niệm công chứng
      Kế thừa quy định của các loại văn bản quy phạm pháp luật trước đây về vấn đề này và căn cứ vào thực tiễn hoạt động công chứng ở nước ta, Luật đưa ra khái niệm công chứng như sau: “Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”.
      Việc quy định công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch là nhằm mục đích bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên trong hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa các tranh chấp, kiện tụng về sau giữa các bên gây lãng phí và tốn kém, đồng thời giúp Nhà nước kiểm soát được các hoạt động giao dịch này, qua đó ngăn chặn những hợp đồng, giao dịch có nội dung, mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.
      3. Giá trị pháp lý của văn bản công chứng
      Luật Công chứng quy định:
      Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
      Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; Những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị tòa án tuyên bố là vô hiệu.
      Hiệu lực thi hành và giá trị chứng cứ không phải chứng minh của những tình tiết, sự kiện được nêu trong văn bản công chứng được thể hiện ở chỗ: Các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng thì có hiệu lực thi hành đối với các bên trong hợp đồng, giao dịch đó và có hiệu lực với bên thứ ba. Trong trường hợp muốn bác bỏ hiệu lực của văn bản công chứng đó thì phải kiện ra tòa án và khi đó thì các tình tiết, sự kiện đã ghi trong hợp đồng, giao dịch đó sẽ trở thành chứng cứ không phải chứng minh trước tòa, người muốn bác bỏ nó phải xuất trình được chứng cứ ngược lại. Đặc điểm nêu trên của văn bản công chứng có ý nghĩa rất lớn thể hiện vai trò phòng ngừa, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên trong hợp đồng, giao dịch đồng thời hạn chế được rất nhiều các vụ kiện tụng ra tòa án, gây tốn kém, lãng phí.
      4. Về công chứng viên
      Luật Công chứng quy định công chứng viên là người đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm. Một điểm mới của Luật so với Nghị định số 75/2000/NĐ – CP là việc quy định công chứng viên là một chức danh tư pháp và người được bổ nhiệm giữ chức danh này thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao nhưng không nhất thiết phải là công chức. 
      Với mục tiêu phát triển một đội ngũ công chứng viên đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp và thực hiện chủ trương từng bước xã hội hóa công chứng, phát triển nghề công chứng phù hợp với thông lệ quốc tế về công chứng, Luật Công chứng trên cơ sở kế thừa Nghị định số 75/2000/NĐ – CP đã có những quy định tạo điều kiện để những người có đủ tiêu chuẩn và trình độ muốn hành nghề công chứng được chủ động hơn trong việc trở thành công chứng viên của mình. Cụ thể về tiêu chuẩn công chứng viên và quy trình trở thành công chứng viên được quy định tại các Điều 13, 14, 15, 16 và 17 của Luật.
      5. Về tổ chức hành nghề công chứng
      Theo quy định của Nghị định sôæ 75/2000/NĐ – CP, chỉ có một hình thức tổ chức công chứng là Phòng Công chứng. Phòng Công chứng là cơ quan nhà nước đặt dưới sự quản lý của Sở Tư pháp. Tuy nhiên, trước điều kiện phát triển KT – XH và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra sâu sắc và mạnh mẽ hiện nay thì việc duy trì hình thức tổ chức công chứng như hiện nay không còn phù hợp nữa. Thực tiễn cho thấy, nhu cầu công chứng ngày một tăng cao trong khi sự phát triển của các phòng công chứng không theo kịp, nên đã dẫn đến sự quá tải. Hơn nữa, xét về tính chất thì công chứng là một nghề, các công chứng viên hoạt động độc lập trên cơ sở pháp luật và tự chịu trách nhiệm về cá nhân trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Do đó, cần thiết phải có sự chuyển đổi các tổ chức công chứng từ chỗ là cơ quan hành chính thành các tổ chức dịch vụ công hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Việc chuyển đổi này không những phù hợp với thông lệ quốc tế về công chứng mà còn góp phần giảm bớt gánh nặng về biên chế và ngân sách cho Nhà nước, đồng thời hạn chế sự “độc quyền” của các Phòng Công chứng do Nhà nước thành lập, qua đó cải thiện về chất lượng dịch vụ, đáp ứng một cách tốt hơn nữa nhu cầu công chứng của nhân dân.
      Thực hiện chủ trương từng bước xã hội hóa công chứng, Luật Công chứng quy định hai hình thức tổ chức công chứng là Phòng Công chứng và Văn phòng Công chứng. Phòng Công chứng là hình thức tổ chức công chứng do Nhà nước thành lập. Việc thành lập Phòng công chứng do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ quyết định. Phòng Công chứng là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng. Văn phòng công chứng do công chứng viên thành lập. Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng Công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Văn phòng công chứng có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ kinh phí đóng góp của công chứng viên, phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.
      6. Quản lý nhà nước về công chứng
      Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về công chứng, Luật Công chứng phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý về tổ chức và hoạt động công chứng, theo hướng tăng cường vai trò của UBND cấp tỉnh đối với việc phát triển và quản lý hệ thống tổ chức hành nghề công chứng của địa phương mình, đồng thời bảo đảm tính thống nhất trong việc quản lý nhà nước về công chứng trên phạm vi toàn quốc trong đó Bộ Tư pháp là đầu mối giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này.
      Ngoài các nội dung chủ yếu nêu trên, Luật Công chứng còn quy định về một số vấn đề như thủ tục công chứng, lưu trữ hồ sơ công chứng, phí công chứng, thù lao công chứng, việc công chứng của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Theo tài liệu VP Chủ tịch Nước

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giới thiệu Luật Công chứng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO