Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp vào ngày 31.7. Sau đó một ngày là cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Nhà đầu tư toàn cầu đang hồi hộp theo dõi các động thái chính sách sau những cuộc họp này. Câu hỏi lớn đối với họ là liệu BoJ có tăng lãi suất hay không, khi nào Fed và BoE bắt đầu giảm lãi suất và giảm ở mức độ nào.
Thị trường không chắc chắn về quyết định của BoJ
Thị trường đang không chắc chắn về quyết định của BoJ trong cuộc họp vào ngày mai. Thống đốc BoJ Kazuo Ueda vốn rất ít khi đưa ra các bình luận công khai trước cuộc họp chính sách. Dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy, lạm phát của Nhật Bản đang tăng nhanh nhưng chi tiêu tiêu dùng trong nước lại gây thất vọng.
Tuần trước, đồng Yen tăng giá mạnh vì nhà đầu tư tăng kỳ vọng BoJ thắt chặt tiền tệ hơn nữa sau khi lần đầu tiên tăng lãi suất trong 17 năm hồi tháng 3, từ mức âm 0,1% lên biên độ 0 – 0,1%. Đồng Yen đã tăng giá khoảng 5% so với đồng đô la Mỹ kể từ ngày 11.7.
Theo đó, các nhà giao dịch trên thị trường phái sinh đang đặt cược xác suất BoJ tăng lãi suất là 50%, cho thấy thị trường có phần lưỡng lự. Theo khảo sát mới nhất của Bloomberg, các nhà kinh tế cũng không chắc chắn khi chỉ có 30% dự báo BoJ sẽ tăng lãi suất.
Một số ý kiến khác cho rằng, nếu BoJ không tăng lãi suất, đồng Yen có thể bị bán tháo. Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối tại Saxo Capital Markets Charu Chanana nhận định: “Kỳ vọng BoJ sẽ tăng lãi suất và điều chỉnh việc mua trái phiếu trong cùng một cuộc họp có vẻ quá tham vọng đối với một ngân hàng vốn theo xu hướng nới lỏng”.
Kỳ vọng Fed nới lỏng tiền tệ vào tháng 9 tới
Tại Mỹ, mọi ánh mắt đổ dồn vào Fed. Thị trường đang đặt cược vào ít nhất 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, với kỳ vọng đợt đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 9. Fed đang duy trì biên độ lãi suất 5,25 - 5,5%, cao nhất trong hơn 20 năm. Các quan chức Fed ghi nhận thị trường lao động Mỹ đã cân hơn và tốc độ lạm phát đang giảm. Đây đều là dấu hiệu cho thấy, họ có thể ủng hộ khả năng hạ lãi suất.
Nhà kinh tế quốc tế của ngân hàng ING James Knightley nhận định, cuộc họp sắp tới của Fed sẽ đặt nền móng cho việc giảm lãi suất vào tháng 9. Một số nhà quan sát thị trường, từ cựu Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực New York William Dudley cho đến Mohamed El-Erian - trưởng cố vấn kinh tế của tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới Allianz, đều ủng hộ Fed nới lỏng mạnh mẽ hơn dự kiến. Ông Dudley cho rằng, Fed nên xem xét giảm lãi suất ngay trong tuần này. Trong khi đó, ông El-Erian cảnh báo, sẽ là “sai lầm chính sách” nếu Fed duy trì lãi suất quá cao trong thời gian dài.
Trái phiếu Chính phủ Mỹ đang hướng tới chuỗi ba tháng tăng giá liên tiếp lần đầu tiên từ giữa năm 2021. Niềm tin ngày càng tăng về triển vọng giảm lãi suất của Fed giúp chỉ số theo dõi giá trái phiếu chính phủ Mỹ của Bloomberg chạm mức cao nhất hai năm trong tháng này.
Ngoài ra, chứng khoán Mỹ cũng sẽ đối mặt biến động mạnh trong tuần này. Bên cạnh quyết định lãi suất của Fed, The Wall Street còn phải theo dõi dữ liệu việc làm của Mỹ và báo cáo kết quả kinh doanh quí II của các tập đoàn công nghệ như Meta Platforms, Microsoft và Apple .
Mong đợi đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau đại dịch
Tại Anh, các thị trường đang tăng kỳ vọng BoE thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ đại dịch Covid-19 trong cuộc họp vào ngày 1.8 tới. BoE hiện duy trì lãi suất ở mức 5,25%, cao nhất kể từ tháng 2.2008.
Trong khi lạm phát của Anh giảm từ mức hai con số từ năm trước, xuống mục tiêu 2% của BoE và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, tốc độ tăng giá trong lĩnh vực dịch vụ vẫn ở mức cao. Mức lương tối thiểu ở Anh tăng 10% kể từ tháng 4. Thêm vào đó, kế hoạch tăng lương tối thiểu của Chính phủ Anh cùng với kế hoạch tăng lương cao hơn mức lạm phát cho khoảng 5 triệu lao động trong khu vực công đang gây ra rủi ro tăng giá cả. Các chuyên gia nhận định, bất kỳ quyết định mới nào về lãi suất của BoE đều có thể sẽ tác động đến trái phiếu chính phủ Anh và đồng bảng Anh.
Hôm 26.7, thị trường định giá BoE sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tuần này với xác suất 50%, cao hơn mức 40% vào tuần trước đó. Các nhà kinh tế ở các ngân hàng Bank of America, Deutsche Bank AG, Nomura Holdings, ING đều dự báo BoE có nhiều khả năng nới lỏng tiền tệ.
Theo Bloomberg, một quyết định hạ lãi suất của BoE sẽ thúc đẩy giá trái phiếu Chính phủ Anh nhưng gây áp lực giảm giá lên đồng bảng Anh. Trong số 10 đồng tiền được giao dịch phổ biến và có thanh khoản lớn nhất, đồng bảng Anh tăng giá mạnh nhất trong năm nay. Trong khi đó, ngân hàng JPMorgan Chase dự báo, đồng bảng Anh sẽ tăng lên mức 1 bảng đổi 1,35 đô la Mỹ, cao hơn gần 5% so với mức hiện tại.
Với những diễn biến quan trọng của các nước, các nhà đầu tư và giao dịch đang phải đối mặt với một tuần đầy thách thức và cơ hội. Họ không chỉ phải theo dõi sát sao các quyết định chính sách, mà còn phải điều chỉnh chiến lược để phản ứng nhanh với bất kỳ bất ngờ nào có thể xảy ra.