Hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch văn hóa tâm linh
Theo báo cáo của TP. Uông Bí, trên địa bàn hiện có 31 di tích trong danh mục xếp hạng của tỉnh. Trong đó, có 2 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, Quốc gia đặc biệt, 7 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 22 di tích có trong danh mục được kiểm kê phân loại. Xác định tầm quan trọng của hệ thống các di tích trên địa bàn, thời gian qua thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị các di tích trên địa bàn. Đặc biệt là đối với Khu di tích và danh thắng Yên Tử, bằng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và các nguồn xã hội hóa, TP. Uông Bí đã tiến hành tôn tạo, chống xuống cấp phần lớn các di tích.
Thành phố cũng sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị các bảo vật, cổ vật, di vật cổ. Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu di tích. Qua đó, góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa vô giá của Phật giáo Trúc Lâm. Hiện, Uông Bí cũng đang chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện quy hoạch quản lý Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử ngay sau khi Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Lãnh đạo thành phố cho biết, đây là những cơ sở quan trọng để Uông Bí hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch văn hóa tâm linh, gắn với phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu các di sản văn hóa trên địa bàn. Từ đó, góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy tương xứng giá trị của các di sản.
Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn giá trị lịch sử của từng di tích
Khảo sát thực tế tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Xuân Phương và các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của TP. Uông Bí trong công tác công tác bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích quốc gia đặc biệt này. Đồng thời, đề nghị thành phố tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp mang tính tổng thể nhằm phát huy hơn nữa giá trị của di sản.
Trong đó, cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu khoa học để làm rõ hơn giá trị lịch sử của từng di tích. Chú trọng nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, kiến thức về lịch sử, văn hóa của Yên Tử đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên của Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử. Từ đó, góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị đặc biệt của Yên Tử đến người dân, du khách. Đồng thời, tiếp tục rà soát, triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn các di tích, hiện vật có nguy cơ xuống cấp.
Giám sát thực tế tại Nhà trưng bày không gian văn hóa người Dao Thanh Y và một số di tích trên địa bàn xã Thượng Yên Công, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Xuân Phương nhấn mạnh, đây là các di tích, thiết chế văn hóa nếu được bảo tồn, phát huy sẽ làm gia tăng sức hút cho du lịch TP. Uông Bí trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới. Vì vậy, thành phố cần tiếp tục có giải pháp nhằm khai thác tốt hơn nữa giá trị các di tích này.
Đối với Di chỉ khảo cổ chùa Bảo Đài (phường Vàng Danh), theo kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ do Viện khảo cổ Việt Nam tiến hành, bước đầu xác định đây là di tích lịch sử phật giáo. Căn cứ vào kết quả khảo cổ, UBND thành phố đã trình UBND tỉnh và đang được xem xét để đưa vào danh mục kiểm kê cấp tỉnh theo nguyện vọng của Nhân dân. Khảo sát thực tế tại di chỉ khảo cổ này, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị, TP. Uông Bí phối hợp với các sở, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu khoa học về di tích này. Trên cơ sở đó đề xuất phương án bảo tồn, trùng tu phù hợp.