Giá trị gia đình sẽ chỉ đạo cho những mối quan hệ trong gia đình
Theo PGS.TS. Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam trước hết biểu hiện cho những mối quan hệ trong gia đình. Mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ gắn với chữ “hiếu”. Còn giá trị của cha mẹ đối với con cái là thương yêu, biểu hiện qua sự chăm sóc, nâng đỡ, nuôi dạy con cái tử tế, tạo điều kiện tốt đẹp nhất cho con.
Trong đạo lý phong kiến có ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ có chuẩn mực là sự thân (tức là nghe lời cha mẹ), thủ thân (tức là giữ gìn thân xác, sức khỏe để lao động sản xuất, báo hiếu cho cha mẹ).
Bên cạnh đó là các quan niệm khác như thiện kế, thiện nghiệp (tức là hoàn thiện nghề nghiệp của cha mẹ), dương thanh hiển thân (con cái có trách nhiệm làm cho tên tuổi của mình nổi lên, tức là học hành tấn tới, thành đạt, giàu có để mang vinh hiển cho cha mẹ).
Mối quan hệ giữa anh chị em trong gia đình lại có chữ “lễ”, “anh em như thể tay chân”, người em phải tôn trọng anh chị trong nhà.
PGS.TS. Lê Quý Đức nhấn mạnh, con người khi bước vào đời sống xã hội thì quan hệ đầu tiên là quan hệ gia đình. Đó là biểu hiện văn hóa của con người, là những quy tắc ứng xử làm cho người ta sống được trong xã hội, mang tinh thần nhân văn, nhân bản. Xã hội nào cũng bắt đầu từ gia đình. Một quốc gia có thể bị xâm lược sau đó giành lại độc lập, nhưng nếu xóa bỏ gia đình thì nhân loại không tồn tại được. Những giá trị gia đình sẽ chỉ đạo cho những mối quan hệ trong gia đình, là chuẩn mực cho quan hệ gia đình. Đây là điều rất quan trọng để con người tồn tại. Như vậy, nếu gia đình tồn tại thì giá trị gia đình vẫn phải được bảo vệ.
Trong xã hội hiện đại, giá trị gia đình vẫn được củng cố. Điều này thể hiện trong các Văn kiện của Đảng, khi nói về văn hóa, xã hội đều đề cập đến yếu tố gia đình. Đảng, Nhà nước, xã hội đều quan tâm đến vấn đề xây dựng hệ giá trị gia đình.
Cần giáo dục về giá trị gia đình
PGS.TS. Lê Quý Đức cho rằng, để gìn giữ những giá trị tốt đẹp của gia đình, trước hết cần giáo dục về giá trị gia đình. Cần làm sáng rõ, phát huy những giá trị này, giáo dục cho cả thế hệ trẻ và người trưởng thành. Nho giáo đưa ra nguyên tắc con người phải làm tốt các vai trò ở vị trí của mình: cha nên cha, con nên con, anh nên anh, em nên em, chồng nên chồng, vợ nên vợ thì đạo đức gia đình mới được bảo đảm (phụ phụ, tử tử, huynh huynh, đệ đệ, phu phu, phụ phụ, nhi gia đạo chính). Còn quan điểm của đạo Phật là giáo dục sự liên thông, tức là thế hệ trước với thế hệ sau phải thông cảm, thấu hiểu lẫn nhau.
Giải pháp quan trọng khác là đầu tư vào gia đình, để gia đình thực hiện được chức năng giáo dục của mình - chức năng mà không một tổ chức xã hội nào thay thế được. Đầu tư ở đây bao gồm đầu tư vào đời sống vật chất, đời sống tinh thần, chỗ ăn, chỗ ở, thời gian, dịch vụ...
Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức Đảng, Mặt trận, người cao tuổi, thanh niên, phụ nữ và tất cả tổ chức chính trị xã hội cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề xã hội, các hoạt động cho xã hội.
Đặc biệt, cần đem cả những giá trị mới vào trong giáo dục gia đình để phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa hiện nay; thay vì chỉ “khư khư giữ lấy” những giá trị cũ của thời kỳ phong kiến để giáo dục trong gia đình.
Cũng theo PGS.TS. Lê Quý Đức, cần có giải pháp nâng cao đời sống của xã hội nói chung và các gia đình nói riêng, kể cả đời sống vật chất, đời sống chính trị và xã hội; đồng thời nâng cao ý thức dân chủ trong gia đình.
PGS.TS. Lê Quý Đức nhìn nhận, có sự “lưỡng diện” trong các gia đình hiện nay, khi một mặt có sự phát triển tốt đẹp, bảo vệ các giá trị gia đình; nhưng một mặt lại quá thiên về gia đình với hệ quả là có những thành viên trong gia đình cùng bắt tay để tham nhũng, tham ô hay vướng vào các hành vi phạm pháp. Để hạn chế những hệ lụy này, việc tập trung đầu tư vào 5 giải pháp nói trên là vô cùng quan trọng.