Gìn giữ "chất" văn hóa cao nguyên đại ngàn

- Thứ Hai, 11/01/2021, 06:31 - Chia sẻ
Như còn đó thanh âm của các nhạc cụ dân tộc truyền thống, những câu chuyện kể dài có vần có điệu dưới mái nhà rông. Bên ánh lửa bập bùng, "chất" văn hóa của đồng bào Tây Nguyên nhờ thế được nâng niu, gìn giữ, để xua tan tất cả mệt nhọc, gian khó nơi cao nguyên xa xôi, và rồi lan tỏa nó đến mọi người.

Đàn hát và trò chuyện

Giữa tiết trời buốt giá của Hà Nội, hai nghệ nhân người Jrai Ksor Sep và R'Cham Tih xuất hiện trong trang phục truyền thống dân tộc, chiếc khố và áo cộc tay. Bởi “đã kể chuyện Tây Nguyên thì trang phục không mặc cái khác được đâu”. Đêm trình diễn nhạc và trò chuyện ở Manzi Art Space (8.1) bắt đầu như thế, như một cơ hội hiếm hoi để khán giả Hà Nội được lắng nghe và hiểu thêm về văn hóa cao nguyên, thông qua câu chuyện cuộc đời tràn ngập đam mê của hai nghệ nhân.

	Hai nghệ nhân R'Cham Tih (trái) và Ksor Sep đàn hát âm nhạc của đồng bào Jrai
Hai nghệ nhân R'Cham Tih (trái) và Ksor Sep đàn hát âm nhạc của đồng bào Jrai
Ảnh: Thái Minh

Hiện nay ở Gia Lai, R'Cham Tih (sinh năm 1973) được ví là người giữ hồn và thổi hồn vào các loại nhạc cụ truyền thống của cộng đồng dân tộc Jrai, bởi tình yêu và sự tài hoa trong cả trình diễn lẫn chế tác. Sinh ra và lớn lên ở làng Jut, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, R’Cham Tih có thể chơi thuần thục và chế tác được rất nhiều nhạc cụ của Tây Nguyên như Ting ning, K’ni, T’rung, K’loong put... Tih tự nhận mình là “nghệ nhân chân đất”. Tuổi thơ của anh gắn liền với những thanh âm phát ra từ ống tre, ống nứa mộc mạc của buôn làng. Thuở đó, cứ ở đâu có tiếng nhạc, tiếng cồng chiêng vang lên là cậu quên hết công việc, quên ăn, quên ngủ để đuổi theo. “Mẹ kể lại, hồi bé tí mình chưa biết gì, hễ thấy cồng chiêng là ùa tới, ôm ôm gõ gõ, ai giằng mất là khóc thét lên đòi lại bằng được mới thôi. Lớn lên một chút, thấy các cụ già trong làng vót tre, nứa làm đàn, mình cũng vót theo, thấy họ thổi mình cũng thổi. Ngày hội buôn làng đánh cồng chiêng, mình xin đánh thử, một hồi quen nhịp các anh các chú mới khen, cho đi theo đánh. Mình cứ đi từ từ, từ tò mò rồi ngấm vào người”.

Ksor Sep (sinh năm 1957) là nghệ nhân kể khan hiếm hoi còn lại của buôn làng Brel, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống kể khan, ông được nghe cha mình kể khan từ khi còn rất nhỏ, cho nên loại hình này đã trở thành một phần không thể thiếu trong con người ông. Ksor Sep biết kể khan và hát hri từ năm 15 tuổi, nắm giữ được nhiều trang sử thi của người Jrai về người anh hùng, về phong tục tập quán và tình yêu đôi lứa. Ngày xưa, Sep kể khan hay nổi tiếng, vì giọng mềm, ngân nga vần điệu. Ông bảo, trước lúc kể khan ông có thói quen vít một ít rượu cần cho ngọt cái giọng, tim sẽ không sợ mà đập nhanh, lời khan mới tuôn ra lôi cuốn, đôi tai nghe khan mới thích, mới mê, thích mê đến nỗi quên ngày quên tháng, chỉ đắm chìm vào thế giới của những trang sử nơi đại ngàn.

Ấy thế, xen lẫn đàn hát và kể chuyện, đôi lúc, cả R'Cham Tih và Ksor Sep như thất thần, chỉ yên lặng nhìn mọi người xung quanh đang chăm chú như bị hấp dẫn từng lời của mình. Câu chuyện cuộc đời, niềm vui và tự hào được mang nét văn hóa cao nguyên ra giới thiệu trước khán giả Thủ đô bất chợt khiến hai nghệ nhân buồn lòng. Buồn vì nhẽ “Tây Nguyên bây giờ hiếm quá. Đi tìm mà bế tắc, có người già rồi, có người mất rồi!”...

Đau đáu nỗi niềm

	Nghệ nhân R'Cham Tih đàn theo lời hát của nghệ nhân Ksor Sep
Nghệ nhân R'Cham Tih đàn theo lời hát của nghệ nhân Ksor Sep
Ảnh: Thái Minh

Kết thúc lời hát của Ksor Sep bằng tiếng Jrai kể chuyện ngợi khen một cô gái khéo léo, chăm chỉ chuẩn bị lễ lạc, đồ dùng cho lễ Pơ Thi, R'Cham Tih cũng dứt tiếng đàn, từ tốn dịch lại lời tóm tắt, giải thích sang tiếng Kinh. R'Cham Tih bảo, ngày trước hát hri vốn không có nhạc điệu, rồi dần dần, nghe âm thanh hay quá, người làm đàn mới chế tác những nhạc cụ đuổi theo tiếng hát. Lời hát của Ksor Sep vốn rất quen thuộc khi mở đầu lễ Pơ Thi - lễ tiễn đưa hồn người chết về với thế giới của Yàng (trời). Lời hát vừa là ngợi khen người con gái nết na nhưng cũng chính là gián tiếp răn dạy con cháu, người còn sống biết được lễ nghĩa, những công việc chuẩn bị từ việc tìm cây làm bình rượu, hái lá đãi gạo, làm cơm lam... sao cho đúng với phong tục đời sống tâm linh của người Jrai.

“Lâu rồi không ai nghe mình hát cả” - Ksor Sep ngẫm ngợi, nhớ về những buổi tối dân làng cùng ngồi bên bếp lửa bập bùng nghe khan, nghe hát hri, kể cả những lúc đi chăn bò, vào rừng đặt bẫy, bắt cá, tiếng hát cũng vang lên. “Ai cũng thích nghe tôi kể. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, tôi ít có cơ hội kể cho bà con nghe vì dân làng không thích nghe nữa, nhất là lớp trẻ của làng. Cũng vì ít kể nên bây giờ tôi không còn nhớ nhiều bài khan như trước đây nữa”.

Đêm trình diễn âm nhạc và trò chuyện nằm trong khuôn khổ triển lãm của nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi mang tên “Phong cảnh #4: Cải tiến thế giới”, đang diễn ra tại Manzi Art Space, số 2 ngõ Hàng Bún, Hà Nội. Hai nghệ nhân R'Cham Tih và Ksor Sep đóng vai trò dẫn dắt trong sắp đặt video và âm thanh của nghệ sĩ.

R'Chan Tih cũng chung nỗi muộn phiền như vậy. Vào cái ngày Tih học thành thạo các loại nhạc cụ, biết cách nghe tiếng đàn để chỉnh dây, chỉnh nốt cho đúng, cho hay, thì những hoạt động văn hóa, văn nghệ trong thôn bản đã không còn sôi nổi. Người ta dần dần bị lôi cuốn vào những âm thanh xa lạ, thứ âm thanh đến từ loa đài hiện đại, mà xa rời những thứ nhạc cụ tre nứa, cồng chiêng. “Đàn k'ni có sợi dây thơm nối với chiếc lá, đưa lá vào miệng rồi kéo mà thành tiếng. Tiếng này thường vang lên mỗi buổi chiều tối con nhỏ hay khóc, để đàn kêu dỗ chúng nín. Rồi tiếng đàn này cũng thay lời nói: Tôi muốn yêu em. Con trai Jrai muốn tỏ tình với cô gái mình yêu mà ngại nói thẳng ra nên dùng lời của đàn... Mà những cái ấy, Tây Nguyên bây giờ hiếm quá”.

Đó cũng là điều mà nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi thấy được sau rất nhiều lần trò chuyện với nghệ nhân khi cô đi thực địa để triển khai dự án nghệ thuật của mình. Đấy cũng là lý do cô mời hai nghệ nhân - hai con người say mê gìn giữ kho tàng quý giá của văn hóa Jrai ra Hà Nội, để đàn hát và kể chuyện, để mọi người cùng thưởng thức và nhận ra “có điều gì đó đẹp đẽ đang mất dần, dù vậy, vẫn có những con người trong khó khăn vẫn quyết tâm bảo tồn, gìn giữ nó”. Nói như nghệ nhân R'Cham Tih, dù nhạc cụ truyền thống của người Jrai không còn mấy người chơi, cũng chẳng ai muốn theo học chế tác, hay tâm sự của nghệ nhân Ksor Sep, dù kể khan, hát hri còn rất ít người muốn nghe, thì họ vẫn cứ đàn hát và kể chuyện. “Cứ còn đam mê, tự hào ngày nào thì còn cố gắng giữ gìn hết sức”, R'Cham Tih nói.

Hải Đường