Kỷ niệm 75 năm Sắc lệnh đầu tiên về tổ chức chính quyền địa phương

Gìn giữ, bồi đắp các giá trị cốt lõi

- Chủ Nhật, 22/11/2020, 07:21 - Chia sẻ

ThS. Nguyễn Vân Hậu

75 năm trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành 2 Sắc lệnh về tổ chức chính quyền địa phương: Sắc lệnh số 63-SL ngày 22.11.1945 về tổ chức HĐND và Ủy ban hành chính (UBHC) ở các xã, huyện, tỉnh và kỳ; Sắc lệnh số 77-SL ngày 21.12.1945 về tổ chức HĐND và UBHC thành phố, thị xã. Kế thừa SL63-SL, SL77-SL và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, các giá trị cốt lõi của chính quyền dân chủ Nhân dân luôn được giữ gìn, bồi đắp. Bằng tư duy không ngừng đổi mới, nói đi đôi với làm, tin rằng chính quyền địa phương các cấp sẽ ngày càng được củng cố, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thiết lập cơ sở pháp lý

Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã lật đổ và xóa bỏ hoàn toàn chế độ chính trị và hệ thống chính quyền thực dân phong kiến tồn tại hàng nghìn năm, giành chính quyền về tay Nhân dân, thiết lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền và sau khi giành được chính quyền, đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải xây dựng một nhà nước theo tinh thần dân chủ, tiến bộ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, của dân, do dân và vì dân. Đó là kiểu nhà nước mà mọi quyền lực đều bắt nguồn từ Nhân dân; bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải do Nhân dân bầu ra bằng cuộc bầu cử dân chủ, thể hiện ý chí của Nhân dân.

Với quyết tâm chính trị đó, ngay trong những năm tháng đầu tiên của chính quyền nhà nước kiểu mới, dù phải đối mặt với thù trong, giặc ngoài, âm mưu lật đổ Nhà nước cách mạng Việt Nam non trẻ, nhưng với bản lĩnh của một nhà nước được Nhân dân ủng hộ và bảo vệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên định phải nhanh chóng ban hành các văn bản pháp lý để thiết lập hệ thống chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, hun đúc lòng tin của Nhân dân với chế độ mới. Song song đó, tăng cường củng cố bộ máy nhà nước ở Trung ương, chuẩn bị Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu trong cả nước, để chứng minh với thế giới biết rằng Nước Việt Nam là nước tự do, độc lập, dân chủ, cộng hòa với giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận được.

Vì những lẽ trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ban hành 2 Sắc lệnh về tổ chức chính quyền địa phương: SL63-SL ngày 22.11.1945 về tổ chức HĐND và UBHC ở các xã, huyện, tỉnh và kỳ; SL77-SL ngày 21.12.1945 về tổ chức HĐND và UBHC thành phố, thị xã. Đây là 2 văn bản pháp lý đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước ta về chính quyền địa phương. Hai sắc lệnh này quy định: “chính quyền nhân dân địa phương trong nước Việt Nam sẽ đặt hai thứ cơ quan là HĐND và UBHC”, quy định việc tổ chức HĐND cấp xã và HĐND cấp tỉnh, thành phố, thị xã; quy định UBHC cấp xã, UBHC cấp huyện, khu phố (như quận ngày nay), UBHC cấp tỉnh và UBHC cấp Kỳ; quy định quyền hạn, cách thức bầu cử đối với HĐND và UBHC các cấp; đặt nền móng cho việc xây dựng tạo ra mô hình cơ bản về chính quyền địa phương trong suốt 75 năm qua.

Chính quyền hợp lòng dân

Trước khi có SL63-SL và SL77-SL, trong bức thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.” Giá trị hạnh phúc, tự do cơ bản nhất theo cách nói của Người là “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; người dân từ chỗ ăn no, mặc ấm, được học hành đến chỗ ăn ngon, mặc đẹp, chất lượng cuộc sống ngày càng cao. Các quyền của con người về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội được coi trọng và được pháp luật bảo vệ.

SL63-SL và SL77-SL ra đời cũng chính là để hiện thực hóa các giá trị đó của nền dân chủ và khát vọng làm chủ, khát vọng tự do, hạnh phúc của Nhân dân trên toàn cõi Việt Nam. Bản chất “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy” theo tư tưởng Hồ Chí Minh được chuyển hóa vào SL63-SL, tại Điều 1 ghi rõ: “HĐND do dân bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu là cơ quan thay mặt cho dân. UBHC do các HĐND bầu ra là cơ quan hành chính vừa thay mặt cho dân vừa đại diện cho Chính phủ.”. “HĐND có quyền quyết nghị về tất cả các vấn đề thuộc phạm vi tỉnh (xã, thành phố) mình miễn là những quyết nghị ấy không trái với chỉ thị của cấp trên” (Điều 66; 80 SL63-SL và Điều 13 SL77-SL). UBHC có trách nhiệm thi hành các mệnh lệnh của cấp trên và các nghị quyết của HĐND cùng cấp, chỉ huy các công việc hành chính trong địa phương. (Điều 74; 88 SL63-SLvà Điều 39 SL77-SL).

Như vậy, tiếp theo Sắc lệnh 14-SL ngày 08-9-1945 và Sắc lệnh 51-SL ngày 17-10-1945 về Tổng tuyển cử, quy định tất cả những công dân Việt Nam 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ (trừ những người bị tước quyền công dân, mất trí) đều có quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội; SL63-SL và SL77-SL đã quy định các quyền tự do về chính trị trong bầu cử, ứng cử vào chính quyền địa phương - Cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Điều này khẳng định chính quyền địa phương là một bộ phận hợp thành của Nhà nước ta, là hình thức tổ chức hợp lòng dân, thông qua đó Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình.

Cử tri luôn kỳ vọng vào hoạt động của đại biểu, cơ quan dân cử cũng như chính quyền địa phương

Ảnh: Nguyễn Hoa 

Kế thừa các giá trị cốt lõi

SL63-SL và SL77-SL sau đó được sửa đổi, bổ sung nhiều lần cho phù hợp với điều kiện kháng chiến lúc bấy giờ, nhưng có thể khẳng định đây là 2 văn bản pháp luật đặt nền tảng pháp lý quan trọng cho quá trình xây dựng, hoàn thiện chính quyền địa phương ở nước ta.

75 năm qua, kế thừa SL63-SL, SL77-SL và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh, có 7 Luật về tổ chức chính quyền địa phương được ban hành (1958, 1962, 1983, 1989, 1994, 2003, 2015) gắn liền với mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc. Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào của đất nước, các giá trị cốt lõi của chính quyền dân chủ Nhân dân luôn được giữ gìn, bồi đắp; chính quyền địa phương các cấp đã ngày càng làm tốt hơn trách nhiệm chính trị và quyền lực do Nhân dân ủy thác, thực hiện theo lời dạy của Người: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân”

Nhân dân tin tưởng rằng, bằng tư duy không ngừng đổi mới, nói đi đôi với làm, “Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII của Đảng; chính quyền địa phương các cấp trong mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị sẽ ngày càng được củng cố, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực sự xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân.