TP Hồ Chí Minh

Gieo “hạt mầm” xanh trong trường học

- Thứ Bảy, 03/10/2020, 07:59 - Chia sẻ
Mô hình Trường học xanh ở TP Hồ Chí Minh không chỉ tạo môi trường sạch và an toàn, mà còn góp phần giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường. Thời gian tới, bên cạnh việc nhân rộng mô hình, nhiều ý kiến cho rằng, các trường học cũng cần đi đầu trong triển khai những hoạt động, sáng kiến về xây dựng, phát triển trường học xanh.

Nhiều mô hình và cách làm hay

Thực hiện Kế hoạch liên Sở về việc phối hợp triển khai các hoạt động giáo dục và truyền thông môi trường trong trường học giai đoạn 2016 - 2020, từ năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã thống nhất triển khai xây dựng mô hình Trường học xanh. Mục đích nhằm đẩy mạnh và định hướng công tác giáo dục và truyền thông về bảo vệ môi trường trong trường học phù hợp với yêu cầu chung của thành phố, đặc biệt là Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về Cuộc vận động Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước.

Học sinh Trường tiểu học Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận) đang chăm sóc cây xanh
Nguồn: ITN

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, trong năm học 2018 - 2019, với chương trình xây dựng Trường học xanh, các trường từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT đã hưởng ứng rất nhiệt tình, với nhiều mô hình và cách làm hay. Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã tổ chức đánh giá, quyết định khen thưởng 28 trường đạt kết quả xuất sắc trong xây dựng Trường học xanh năm 2018. Đồng thời, đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Môi trường TP Hồ Chí Minh cho 4 tập thể và 5 cá nhân của ngành giáo dục có thành tích xuất sắc trong năm 2018. Năm học 2019 - 2020, hai Sở tiếp tục phối hợp tổ chức Hội thi Trường học xanh cho học sinh với 46.000 thí sinh của 63 trường tham gia.

Cũng trong năm học 2019 - 2020, cùng với việc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong các môn học chính khóa, TP Hồ Chí Minh cũng khuyến khích các trường đưa ra những giải pháp, sáng kiến hay trong công tác bảo vệ môi trường như chủ động tổ chức các cuộc thi vẽ tranh về bảo vệ môi trường; thiết kế thời trang bảo vệ môi trường; tìm hiểu quy định pháp luật về môi trường… để chuyển từ nhận thức của học sinh sang những hành động cụ thể.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, chương trình nhằm đẩy mạnh và định hướng công tác bảo vệ môi trường, giáo dục và truyền thông về bảo vệ môi trường trong trường học phù hợp với các yêu cầu chung về bảo vệ môi trường của TP Hồ Chí Minh. Trong đó, nhấn mạnh các giải pháp nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về bảo vệ môi trường; tạo cho các em thay đổi thói quen, hành vi sinh hoạt của bản thân, từ đó có những hành động đúng, mang lại lợi ích cho môi trường, cộng đồng.

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, xây dựng Trường học xanh không chỉ tạo môi trường sạch và an toàn mà còn góp phần giáo dục ý thức cho học sinh về tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường, nhất là giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh. Đồng thời, thông qua mô hình, cũng giúp học sinh có điều kiện tiếp cận những thiết bị, mô hình trực quan sinh động để việc giáo dục gia tăng nhận thức dễ dàng và hiệu quả hơn. Mô hình cũng góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, từ đó làm tăng hiệu quả tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong khối trường học nói riêng và toàn thành phố nói chung.

 “Việc ươm mầm cho các em những tư tưởng, lối sống thân thiện với môi trường ngay từ khi còn nhỏ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sau này. Trong đó, tiểu học là bậc học nền tảng quan trọng đối với sự hình thành những hành vi, thái độ của con người. Khi các em được giáo dục, trang bị những kiến thức về lĩnh vực môi trường thì chính các em là lực lượng nòng cốt đi đầu trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình cũng như trường học” - bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ nhấn mạnh.

Với những kết quả đã đạt được, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, đây là một điều đáng mừng, song cũng đòi hỏi phải có sự nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt, các trường học cần đi đầu trong triển khai các hoạt động, sáng kiến về xây dựng, phát triển trường học xanh.

Ngoài ra, các trường học cũng cần đẩy mạnh công tác giáo dục và truyền thông; hình thành ý thức, thói quen bảo vệ môi trường cho học sinh thành phố. Thông qua các hoạt động này, định hướng đúng đắn để học sinh không chỉ là những hạt nhân bảo vệ môi trường mà còn đóng vai trò như những tuyên truyền viên tích cực, tác động đến các thành viên khác trong gia đình, bạn bè và cộng đồng xung quanh. Từ đó, vận động nhân dân tham gia giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường trên toàn thành phố, góp phần tạo chuyển biến tích cực về vệ sinh môi trường, giảm đáng kể các điểm ô nhiễm do rác thải.

Vân Phi