Gieo hạt mầm cho tương lai di sản

Bài 1: Kết nối truyền thống - hiện đại

- Thứ Ba, 23/02/2021, 08:44 - Chia sẻ

Di sản văn hóa trở thành “chất liệu” kết nối nghệ nhân với cộng đồng bản địa, đặc biệt là giới trẻ, kết nối với nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý, nghệ sĩ và công chúng… Vòng tròn ấy dần được mở rộng, tạo cơ hội để mọi người nhìn nhận rõ hơn về giá trị đang có, đóng góp vào quá trình bảo tồn, phát triển di sản, cũng như hưởng lợi từ truyền thống.

Sau 2 năm thực hiện tại 4 địa phương, với khoảng 800 người tham gia trực tiếp và hưởng lợi, 30.000 khán giả dự các sự kiện được tổ chức, dự án Di sản kết nối nỗ lực gieo tình yêu và hiểu biết về các giá trị truyền thống tới cộng đồng, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản, từ đó mang lại lợi ích cho xã hội.

Hồi sinh âm nhạc truyền thống

Âm nhạc cồng chiêng từng là một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân làng Mơ H'ra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Hiện tại, dù biết rằng mình nắm giữ báu vật bao đời truyền lại, nhưng cộng đồng ở đây cũng đối mặt với nhiều thử thách trong việc duy trì di sản này.

Trong khuôn khổ dự án Di sản kết nối, một dự án di sản văn hóa hướng đến sự phát triển đồng đều của Hội đồng Anh (nhằm tìm hiểu việc sử dụng di sản văn hóa để phát triển và mang lại lợi ích cho toàn xã hội), tháng 12.2018, các chuyên gia về di sản văn hóa từ Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia (VICAS) và các tổ chức khác triển khai chuỗi tập huấn về nhận diện giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trong bối cảnh ngày nay, với sự tham gia của 20 thành viên cộng đồng làng Mơ H’ra và đại diện cơ quan quản lý văn hóa cấp xã và huyện. Bên cạnh đó, một phiên đối thoại chính sách giữa cộng đồng Mơ H’ra và các cơ quan văn hóa (cấp tỉnh, huyện và xã) diễn ra vào tháng 1.2019, nhằm giúp tăng cường các hỗ trợ cho các hoạt động và thực hành về di sản và truyền thống tại địa phương. Từ đó cộng đồng Mơ H’ra hiểu thêm về giá trị di sản của mình và cách bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tạo ra sức hấp dẫn du lịch.

Đồng bào nơi đây cùng nhau xây dựng một trưng bày tại nhà rông truyền thống của làng, với các hiện vật do chính họ đóng góp, liên quan đến âm nhạc cồng chiêng Bahnar, các truyền thống văn hóa, cũng như sinh hoạt cộng đồng... Không chỉ vậy, các đội đánh cồng chiêng và múa xoang được tập hợp và rèn luyện thường xuyên dưới sự truyền dạy và giám sát của già làng Đinh H'mưnh.

Với sự vào cuộc của già làng đến những người trẻ - thế hệ tiếp nối của di sản, tiếng cồng chiêng đã vang lên khắp bản làng, vươn xa qua những nương mía, bãi ngô, con suối, mở ra hy vọng về hồi sinh âm nhạc truyền thống của người Bahnar…

Không chỉ tại Gia Lai, dự án Di sản kết nối còn được triển khai tại Kon Tum (âm nhạc cồng chiêng của người Bahnar), Ninh Thuận (âm nhạc nghi lễ Chăm) và TP Hồ Chí Minh (cải lương).

Âm nhạc Chăm được truyền cho các thế hệ tiếp nối - Ảnh: Hoàng Văn Chung      

Cộng đồng hưởng lợi từ di sản

Theo bà Phạm Minh Hồng, Quản lý dự án Di sản kết nối, "sau 2 năm triển khai, dù mới là bước khởi đầu, thành tựu lớn nhất của dự án là kết nối được nhiều bên, từ nghệ nhân lão luyện trong cộng đồng nắm giữ di sản đến những em nhỏ, cũng như kết nối cộng đồng đó với nghệ sĩ đương đại - những người sáng tạo tương tác với di sản tạo nên những tác phẩm thu hút công chúng, và quan trọng là kết nối họ với các cơ quan quản lý văn hóa".

Di sản kết nối làm việc trực tiếp với di sản nhạc và phim, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một, gồm hai hợp phần có liên kết chặt chẽ: Di sản văn hóa cộng đồng; và Phim, Nhạc và Lưu trữ (FAMLAB - Film, Archive and Music Lab). Dự án hướng tới kiến tạo cơ hội mới để cộng đồng trên khắp cả nước có thể đóng góp vào quá trình bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa của họ, cũng như hưởng lợi từ chính quá trình này. Trong đó, hợp phần Di sản văn hóa cộng đồng đã đồng hành với những người sở hữu di sản trong việc bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống. Hợp phần FAMLAB lại hướng đến cộng đồng sáng tạo nói chung - đặc biệt là nghệ sĩ và khán giả - nhằm giúp khởi phát các dự án đương đại tương tác với di sản.

Các hoạt động của dự án gồm nghiên cứu, thu thập tài liệu, bảo tồn, tập huấn và nâng cao năng lực (bao gồm truyền nghề bằng hình thức truyền miệng), thử nghiệm và sáng tạo, vận động chính sách (bao gồm đối thoại chính sách và cộng đồng), và hỗ trợ phát huy các di sản văn hóa này trong thực tiễn đương đại... Đó là chặng đường với những nỗ lực hướng tới bảo đảm cộng đồng những người sở hữu di sản được hưởng lợi một cách có chiều sâu và dựa vào cộng đồng.

Bà Phạm Minh Hồng cho biết: “Lúc đầu, chuyên gia đề xuất các địa điểm và di sản, sau đó khảo sát trực tiếp. Chúng tôi thấy rằng, các di sản ấy đều cấp thiết trong việc bảo vệ và việc truyền dạy, nhưng có nơi dự án thấy hỗ trợ không khả thi vì còn quá ít người thực hành, nghệ nhân không còn tập trung để biểu diễn, chính quyền địa phương cũng không quan tâm và dành nguồn lực thực hiện. Ngược lại, một số địa phương đã có các điều kiện hoạt động, tự duy trì truyền dạy, biểu diễn di sản. Ở những nơi được chọn triển khai, khi tiếp xúc với người thực hành di sản và cộng đồng, chuyên gia của dự án thấy họ có mong muốn và ý tưởng để giữ di sản, nhưng chưa có điều kiện thực hiện...”.

Khi bắt đầu tại địa phương nào, hoạt động đầu tiên của dự án cũng là đối thoại giữa cộng đồng, nghệ nhân, chính quyền địa phương, nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu, để xác định di sản nào cần được bảo tồn, phát huy, thách thức với di sản hiện nay... Dự án không thực hiện theo mô hình có sẵn, mà xuất phát từ mong muốn của cộng đồng. Dựa trên sự tôn trọng tín ngưỡng của họ, các chuyên gia, cán bộ dự án xem xét tính khả thi, hỗ trợ tập huấn, tư vấn và hướng dẫn cộng đồng hiện thực hóa các ý tưởng. Ở đó, vai trò chính là cộng đồng - người hiểu di sản, ra quyết định và trực tiếp thực hiện.

Thảo Nguyên