Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (Hansiba) vừa phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo đào tạo và Chứng nhận “Hệ thống Quản lý chất lượng ngành hàng không vũ trụ” - AS9100.
Theo dự báo mới nhất của Airbus về dịch vụ hàng không toàn cầu (GSF), thị trường dịch vụ hàng không thương mại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng gấp đôi giá trị từ 52 tỷ USD lên 129 tỷ USD vào năm 2043.
Đặc biệt, phân khúc bảo dưỡng máy bay sẽ đạt giá trị 109 tỷ USD, trong khi các phân khúc khác như cải tiến, nâng cấp máy bay và đào tạo, vận hành cũng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Khu vực này dự kiến sẽ cần đến 999.000 chuyên gia lành nghề mới trong vòng 20 năm tới, bao gồm 268.000 phi công, 298.000 nhân viên kỹ thuật và 433.000 tiếp viên hàng không mới.
Điều này cho thấy, nhu cầu lớn về nhân lực và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành hàng không. Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng thị trường hàng không đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á, đang có những cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng trong lĩnh vực này.
Ông Ishida Takayuki - Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn - Đầu tư - Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản (VI-JA CID) - nhấn mạnh rằng, nhu cầu về máy bay thương mại trong 20 năm tới sẽ đạt khoảng 36.000 chiếc, với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 5%.
Những con số này là dấu hiệu rõ ràng về cơ hội mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt để gia nhập vào ngành công nghiệp hỗ trợ hàng không, vũ trụ. Tuy nhiên, ông Ishida cũng chỉ ra rằng, Việt Nam hiện chưa có nhà sản xuất nội địa nào đủ tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện máy bay.
Chủ tịch Hansiba Nguyễn Hoàng - cũng nhận định rằng, dù ngành công nghiệp chế tạo trong lĩnh vực hàng không và vũ trụ tại Việt Nam còn mới, nhưng đang phát triển nhanh chóng và có tác động tích cực đến sự phát triển của các ngành công nghiệp khác.
Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt, đặc biệt là hệ thống quản lý chất lượng ngành hàng không vũ trụ theo chứng nhận AS9100.
Việc đạt được chứng nhận này là bước quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường quốc tế và hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia trong ngành.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho rằng việc hợp tác sản xuất và chia sẻ kinh nghiệm là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Thắng khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, khách hàng, thị trường và chuyển giao công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phó Giám đốc Công ty Cổ phần chính xác TCI Vũ Mạnh Giáp cho biết việc hiểu và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như AS9100 sẽ giúp các doanh nghiệp Việt có cơ hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các đối tác nước ngoài.
Ông Giáp cũng chia sẻ rằng, việc chuyển đổi sang sản xuất theo tiêu chuẩn hàng không không quá khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam đã quen với việc đáp ứng yêu cầu từ các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất nằm ở việc làm thế nào để kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị hàng không và vũ trụ toàn cầu.
Ông Nguyễn Hồng Phong – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dụng cụ An Mi (An Mi Tools) cho biết, hiện các hãng hàng không tại EU, Hoa Kỳ rất quan tâm tới việc tìm kiếm đơn vị sản xuất tại Việt Nam để chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về Việt Nam. Đây là cơ hội rất lớn với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Ngành công nghiệp hỗ trợ hàng không và vũ trụ là một lĩnh vực mới mẻ nhưng đầy tiềm năng tại Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng không trong nước và quốc tế, cùng với việc nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng mối quan hệ hợp tác, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành một trung tâm sản xuất và cung ứng linh kiện hàng không, vũ trụ quan trọng trên bản đồ thế giới trong những năm tới.