Giấy sắc phong Hà Thành và những ký ức khó phai mờ
Nhắc đến nghề làm giấy sắc, người ta thường nhắc đến dòng họ Lại ở thôn Trung Nha, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội vì đây là dòng họ duy nhất giữ bí quyết nghề làm ra loại giấy đặc biệt, dành cho các triều đình phong kiến Việt Nam sử dụng cho việc viết các đạo sắc, phong công, phong thần cho bách quan, bách thần nên đòi hỏi chất lượng rất cao, qui trình sản xuất rất nghiêm ngặt.
"Ông tổ" nghề giấy sắc phong
Trong khi Tư liệu Hán Nôm ghi trên chất liệu giấy nhìn chung có tuổi thọ không cao nên tuyệt đại bộ phận sách giấy dó Hán Nôm hiện nay chủ yếu chỉ có niên đại từ đầu thế kỉ XVII, nhưng nhiều đạo sắc phong vẫn tồn tại có niên đại thời Lê sơ, thời Mạc cách đây hơn 400 năm. Một lý do quan trọng là kỹ thuật cổ truyền đặc biệt làm giấy sắc của các nghệ nhân.
Nhắc đến nghề này, người ta thường không thể bỏ qua dòng họ Lại ở thôn Trung Nha, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội. Trước năm 1942 làng này thuộc đất xã Nghĩa Đô tổng Dịch Vọng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Dòng họ Lại ở Nghĩa Đô vốn là con của cụ tổ Lại Thế Giáp, con rể Chúa Trịnh Tráng. Kể từ cụ tổ Lại Thế Giáp đến nay, họ Lại ở Nghĩa Đô đã có 20 đời. Ông Lại Phú Đạt, 85 tuổi cho biết vì giấy sắc là một loại giấy đặc biệt để nhà vua dùng viết sắc, phong công, phong thần cho bách quan, bách thần nên đòi hỏi chất lượng rất cao, qui trình sản xuất rất nghiêm ngặt.
Các làng có nghề làm giấy ven hồ Tây trong đó có làng Nghè vẫn truyền tụng câu chuyện kể rằng nghề này do cụ Thái Luân bên Tàu sang đây truyền dạy. Nơi ông truyền nghề đầu tiên không phải là vùng Kẻ Bưởi mà là vùng Kẻ Cót. Nơi ông đặt chân tới đầu tiên là làng Yên Hòa. Ông có ý định dạy nghề cho làng này, nhưng hình như đã xảy ra một điều gì không mãn ý, ông lẳng lặng bỏ đi. Người Yên Hòa mới chỉ nắm được cách làm loại giấy phất quạt thì không có điều kiện học thêm với ông nữa. Ông đã sang làng Hồ Khẩu. Tại đây ông hướng dẫn cách làm giấy moi. Người dân biết tương đối thành thạo, ông lại chuyển sang làng Động Xã. Làng này được học cách làm giấy quỳ, là thứ giấy để dát vàng quỳ. (Hai làng này thuộc phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội)
Tiếp đó ông tổ lại về ở làng Yên Thái. Ông ở đây khá lâu, truyền cho dân làng kỹ thuật làm giấy lệnh, là loại giấy bản khổ tốt, triều đình phong kiến dùng để viết lệnh chỉ. Vì được ông ở lâu nên làng Yên Thái phát đạt về nghề này hơn cả.Cuối cùng ông sang làng Nghĩa Đô. Một người họ Lại đón ông rất trọng hậu, ông truyền cho nghề làm giấy sắc. Hiện nay bên cạnh cái giếng cổ ở sát cạnh chợ Bưởi vẫn còn miếu thờ ông tổ Thái Luân. Vào ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm các làng phường giấy đều tổ chức giỗ tổ ở đó. Ngày 16 tháng 3 không phải là ngày Tổ mất mà là ngày Tổ từ biệt làng Nghĩa Đô ra đi.
![]() Nghệ nhân Lại Phú Thạch (dòng họ Lại làng Trung Nha) đang thực hiện các công đoạn quan trọng làm giấy sắc phong như nghè giấy, vẽ họa tiết Ảnh :Vũ Anh |
Nghề giấy ở làng Nghè, Nghĩa Đô, Cầu Giấy đã được ghi lại trong gia phả khá rõ ràng là có từ thời vua Lê, chúa Trịnh. Theo gia phả của dòng họ Lại, giấy sắc là sản phẩm độc quyền của họ Lại ở Nghĩa Đô. Các tổ ở Nghĩa Đô vốn là con cụ tổ Lại Thế Giáp. Tổ Thế Giáp lấy con gái chúa Trịnh Tráng, tên là Phi Diệm Châu, hiệu Từ An. Bấy giờ thấy họ nhà chồng nghèo, Phi Diệm Châu đã tâu xin chúa Cha và vua Lê cho họ Lại làm giấy sắc, chuyên cung cấp cho triều đình. Cụ Lại Thế Giáp là người sáng nghiệp làm giấy sắc cho nhà vua. Nhà vua đã ban cho họ độc quyền làm giấy sắc vàng và ban cho tên gọi họ Kim Tiên. Theo thế phả qua các triều đại Lê Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn, họ Lại ở Nghĩa Đô liên tục nối tiếp giữ chức Ngự Dung Giám Kim Tiên Cục - quản lý nghề làm giấy sắc cho triều đình.
Giai đoạn phát triển mạnh nhất của nghề làm giấy sắc là vào năm 1924. Dịp này, vua Khải Định tròn 40 tuổi, triều đình tổ chức đại lễ tứ tuần đại khánh mừng thọ nhà vua. Kể từ năm 1878, sau đời vua Tự Đức, triều đình chưa tổ chức lễ mừng thọ lớn nào trong suốt 45 năm. Vì thế, đại lễ này tổ chức rất hoành tráng. Nhân dịp này, nhà vua ban sắc cho quan lại và bách thần trên cả nước. Trước đó cả năm, triều đình đặt dòng họ Lại ở Trung Nha làm hàng vạn tờ giấy sắc phong. Những sắc phong này làm rất đặc biệt, khác hẳn với những sắc phong làm trước đây. Giấy được dát lượng lớn vàng, bạc thật, trang trí cầu kì nên giá mỗi tờ lên tới 2 đồng bạc Đông Dương, một số tiền lớn thời bấy giờ. Theo các cụ cao niên họ Lại, thôn Trung Nha khi ấy làm suốt ngày đêm, mấy tháng ròng mới đáp ứng đủ giấy sắc cho triều đình.
![]() Ảnh :Vũ Anh |
Chỉ còn là ký ức đẹp
Đến năm 1944 nghề làm giấy sắc ở thôn Trung Nha, Nghĩa Đô mới ngừng sản xuất sau 300 năm tồn tại. Khu vực làng Nghè bây giờ đã trở thành phố, phường tấp nập. Những dấu vết của một làng nghề làm giấy sắc phong còn lại rất ít. Ông Lại Đạt, 85 tuổi giới thiệu nhà thờ họ Lại - nơi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia của dòng họ làm giấy sắc. Ở đây còn lưu giữ phiến đá xanh, tương truyền là của cụ tổ dùng để nghè giấy. Bên trong nhà thờ có treo một số giấy sắc do nghệ nhân Lại Phú Bàn phục chế.
Ông Lại Phú Bàn là nghệ nhân cuối cùng của dòng họ Lại ở Trung Nha nắm giữ bí quyết làm giấy sắc. Sau khi ông mất đi, những người con của ông đang cố gắng tìm hiểu và phục dựng lại nghề cổ truyền nhưng chưa thành công. Đi dạo trong những ngõ quanh co ở làng Nghè, chúng tôi bắt gặp những cối đá nằm chỏng trơ bên bờ tường. Xưa kia, những cối đá này dùng để giã vỏ dó. Vỏ cây dó là nguyên liệu chính để làm giấy dó. Sau khi qua nhiều công đoạn khác nhau như ngâm nước vôi loãng, đun cách thủy, phân loại, người ta chuyển sang khâu giã. Giã dó, làm cho vỏ cây phải nát nhuyễn ra như một thứ bùn loãng. Sau đó phối với các loại khác tùy theo yêu cầu chất lượng sản phẩm cần làm. Đây là khâu lao động nặng nhọc nhất.
Tiếng chày giã giấy ngày đêm của những người thợ đã tạo nên âm thanh đặc trưng của cả vùng hồ Tây, đi vào ca dao đầy lãng mạn của đất kinh kì: “Mịt mù khói tỏa ngàn sương. Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”. Các khâu tiếp theo để cho ra đời một tờ giấy dó là seo giấy, can giấy, nghè giấy sau đó là nhuộm màu bằng các chất liệu tự nhiên. Giấy sắc khác hẳn với những loại giấy thông thường không chỉ về chất lượng, khổ giấy mà cả về khâu vẽ trang trí. Đây là một bí quyết gia truyền chỉ một số nghệ nhân trong dòng họ mới được biết. Để có được các loại màu sắc, các nghệ nhân dùng các chất liệu khác nhau như các loại cây, cỏ tự nhiên, bột vàng, bạc để pha chế. Để bảo đảm bí mật, họ thực hiện công đoạn này trong phòng kín. Có được các màu sắc ưng ý, các nghệ nhân vẽ trang trí trên giấy sắc tùy theo từng yêu cầu.
![]() Ảnh :Vũ Anh |
Giấy phong cho bách quan có 3 hạng. Hạng Nhất, mặt trước vẽ một con rồng lớn, ẩn trong mây, gọi là Long ám, mặt sau vẽ hình Tứ linh, xung quanh khung có trang trí họa tiết. Hạng Nhì, mặt trước vẽ một con rồng, mặt sau vẽ Nhị linh, xung quanh khung vẽ mây hoặc họa tiết. Hạng Ba, xung quanh in triện gấm, mặt trước vẽ một con rồng ở giữa và bốn góc in hình Ngũ tinh, mặt sau vẽ bầu rượu túi thơ.
Giấy phong cho bách thần cũng có 3 hạng. Thượng đẳng thần xung quanh in triện hoa chanh, phía trước vẽ một con rồng, ở giữa in hình Ngũ tinh, bốn góc in hình Thất tinh, mặt sau vẽ hình Tứ linh. Trung đẳng thần mặt trước giống như sắc Thượng đẳng thần, mặt sau vẽ Lá và Bầu rượu, giữa vẽ hai chữ Thọ liền nhau, gọi là song thọ. Hạ đẳng thần mặt trước giống như hai hạng trên, mặt sau không vẽ.
Trong các nghệ nhân vẽ, người giỏi vẽ “chạy”, những người trình độ thấp hơn hoặc mới vào nghề dựa vào nét vẽ chạy để “đồ” theo. Trước khi qua đời năm 2003, ông Lại Phú Bàn được coi là nghệ nhân cuối cùng của dòng họ Lại nắm giữ bí quyết này. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Bình Dân, nghề giấy sắc phong đã có truyền thống lâu đời, nhưng cuối cùng không tồn tại được. Ngày nay, nghề cổ truyền này hầu như rơi vào quên lãng, các nghệ nhân nắm giữ bí quyết đã qua đời nên việc phục hồi nghề tổ vô cùng gian nan.
Thăm nhà ông Lại Phú Kỳ ở giữa làng thấy ông bày một bể cá lớn có hòn non bộ trồng cây cảnh ở trên, ít người biết đó là một tàu seo giấy ngày xưa. Tàu seo giấy này có khổ lớn 2,5mx1,5m ghi niên đại 1942. Theo ông Kỳ, tàu seo này, cùng với nhiều dụng cụ làm giấy là của các cụ để lại, nhưng do nghề làm giấy thất bát nên thế hệ sau đã bỏ nghề. Những dụng cụ ấy ông đã vứt hết, chỉ thấy tiếc tàu seo đẹp nên giữ lại sửa thành bể nuôi cá.
Những thế hệ như ông Lại Phú Đạt, Lại Phú Kỳ ở làng này cũng đã bỏ hẳn nghề làm giấy. Thế hệ các con cháu của ông thì không còn một ai đoái hoài đến nghề gia truyền nổi tiếng của dòng họ. Giờ đây, họ đang tất bật lo toan trước những nhu cầu và đòi hỏi của cuộc sống hiện đại, làng Nghè với nghề làm giấy sắc chỉ còn là dĩ vãng xa xôi trong kí ức.