Giáo viên mầm non chia sẻ điều cha mẹ cần dạy trẻ trước khi vào mẫu giáo
Theo cô giáo mầm non, nếu cha mẹ trẻ không dạy con điều này thì “về cơ bản giáo viên sẽ không thể dạy dỗ các em được”.
Cha mẹ có thể thực sự chuẩn bị cho con những gì khi con đến tuổi đi mẫu giáo? Hãy lắng nghe lời khuyên của một giáo viên mầm non: cha mẹ chỉ cần làm một điều quan trọng, đó là “Nói KHÔNG với con mình và dạy con biết cách chấp nhận”.

Học cách nói “Không”
“Không” không phải là một từ tệ”, cô Emily Perkins, một giáo viên mẫu giáo ở Kentucky, chia sẻ trong một video đăng tải trên Tiktok: “Nhiều người luôn hỏi tôi khi họ biết rằng tôi là giáo viên mẫu giáo, rằng có thể làm gì để chuẩn bị cho con mình khi nhập học? Dạy kĩ năng tự mở hộp đồ ặn nhẹ, tự buộc dây giày? Không, không phải thế, tất cả những điều ấy giáo viên có thể giúp các con được. Hãy chuẩn bị cho con bạn cách tiếp nhận từ “Không”.
Theo cô Perkins, nếu giáo viên không thể nói với con bạn lời từ chối “Không” khi ở trường, và chúng không tôn trọng từ “Không”, thì về cơ bản sẽ rất khó dạy dỗ chúng.

“Nếu bạn có thể nuôi dạy con cái nhẹ nhàng và các câu mệnh lệnh hay từ chối là không cần thiết thì xin chúc mừng, con là một đứa trẻ dễ bảo. Nhưng không phải tất cả đều vậy. Có những phụ huynh nói với tôi rằng, họ không thể nói “Không” với con mình được vì điều đó khiến chúng tức giận. Nếu bạn không thể nói thế với con mình, thì giáo viên như chúng tôi cũng sẽ không thể. Và nếu như vậy, thực sự rất khó để giúp chúng học tập ở trường”.
Video chia sẻ của cô Perkins nhận được sự đồng tình của nhiều người dùng TikTok, trong đó có nhiều giáo viên và cả chuyên gia.
“Hãy nói “Không” để các em tự mình thật sự có thể làm được những việc khó. Hãy để các em trải nghiệm sự thất vọng! Điều đó giúp các em mạnh mẽ hơn” – một ý kiến chia sẻ dưới video.
Vì sao cần học cách nói “Không” với trẻ?
Nói "Không" với con là một phần quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ, giúp thiết lập ranh giới, giữ trẻ khỏi nguy hiểm và dạy con cách đối phó với sự thất vọng.

Theo cô Perkins, bất kỳ đứa trẻ nào cũng xứng đáng được giải thích khi bị từ chối một điều gì đó, và bản thân cô cũng rất muốn trao đổi với các em. Tuy nhiên trong không gian lớp học mầm non, đôi khi giáo viên không có đủ thời gian, và các em thì phải học cách chấp nhận: “Tôi rất muốn giải thích lý do, nhưng nếu tôi không thể giải thích ngay lúc đó, điều quan trọng là các em vẫn phải nghe và chấp nhận câu trả lời “Không” này”.
Còn theo Tiến sĩ Deborah Gilboa, một bác sĩ tâm lý gia đình, học cách tôn trọng từ “Không” chính là một “kỹ năng thiết yếu trong cuộc sống”.
Tiến sĩ Gilboa chia sẻ, một số trẻ em gặp khó khăn khi bị từ chối, vì câu trả lời “Không” của bố mẹ không có có nghĩa là “Không” mà có nghĩa là “Hãy hỏi lại lần này” hoặc “Con sẽ nài nỉ cho đến khi mẹ chịu thua”.
Trẻ em có phải thích tuân thủ từ “Không” không? Tất nhiên là không! Tuy nhiên, phản ứng đúng mực với từ “Không” là điều quan trọng các em cần phải học khi các em bắt đầu đến trường, có những tiếp xúc xã hội của riêng mình.

“Trường mẫu giáo là nơi đầu tiên các em được đến - không chỉ để được chăm sóc và cho ăn - mà còn để học tập... vì vậy, các em phải đáp ứng các tiêu chuẩn”, tiến sĩ Gilboa giải thích.
“Nếu trẻ em không được rèn luyện cách đặt ra giới hạn và tuân thủ, cũng như chịu hậu quả khi vi phạm quy tắc, chúng sẽ gặp khó khăn ở trường và trong cuộc sống sau này”.
Dạy con chấp nhận câu trả lời “Không”
Để dạy con chấp nhận câu trả lời “Không”, các chuyên ra đưa ra một số lời khuyên cho các bậc cha mẹ:
- Thiết lập quyền lực: Bằng cách đặt ra và thực thi các giới hạn với trẻ từ thời thơ ấu, con sẽ sớm chấp nhận và học được rằng “Không” có nghĩa là không. Không nhượng bộ những cơn giận dữ của con ngay từ khi con còn nhỏ.
- Nghe con nói: Nếu có chuyện gì xảy ra, thay vì tức giận và áp đặt, cha mẹ nên ngồi xuống lắng nghe lý do tại sao con không chấp nhận từ “Không”. Bằng cách hiểu con, cha mẹ có thể giải quyết vấn đề nhanh chóng hơn. Nếu bạn quá nghiêm khắc với con, về lâu dài, có thể phản tác dụng. Vì vậy, nên cho con một chút không gian và thời gian để chúng tự nhận ra giới hạn.

- Có giải pháp thay thế: Một cách để xoa dịu tình huống khó chịu là đưa ra cho con bạn một giải pháp thay thế có giá trị tương đương.
- Bĩnh tĩnh: Khi trẻ yêu cầu bạn giải thích về việc nói “Không”, chúng sẽ có thể la hét, khóc lóc, tức giận. Nếu bạn cũng hét lên để duy trì quyền lực, bạn đã sai lầm. Hét lại với con bạn chỉ đưa bạn đến ngang hàng với chúng, do đó hoàn toàn phủ nhận quyền lực của mình, với tư cách là người lớn. Bạn nên kiềm chế và bình tĩnh xử lý tình huống.
- Bỏ đi: Trẻ cần bạn giải thích, nhưng sau khi bạn giải thích xong nếu con vẫn không chấp nhận thì việc tiếp tục giải thích là không cần thiết và không hiệu quả. Bạn là người lớn và điều tốt nhất bạn có thể làm khi con vẫn tiếp tục cãi là nói với giọng kiên quyết: “Mẹ/bố sẽ không thảo luận thêm về vấn đề này nữa”. Ngay sau đó, nên quay lưng bước đi.
- Giúp con hiểu các quy tắc sau khi đã bình tĩnh: Thời gian để huấn luyện hành vi và hậu quả của con là khi trẻ đã bình tĩnh và vui vẻ. Hãy ngồi xuống và nói với con bạn: “Khi mẹ/bố nói “Không” - thì có nghĩa là không”.