Giáo viên hợp đồng và “cánh cửa” biên chế

Chi An 18/09/2019 08:17

Theo thông báo kết luận của UBND TP Hà Nội mới đây, không có ai trong số gần 3.000 giáo viên hợp đồng lâu năm trên địa bàn có đủ điều kiện để xét đặc cách vào viên chức. Giáo viên hợp đồng sẽ phải trải qua kỳ tuyển dụng viên chức bằng 2 hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển như các ứng viên khác mà không được bất cứ ưu tiên nào.

Sau những tranh đấu quyền lợi, hơn 2.500 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội chưa kịp vui mừng trước cơ hội được “xét đặc cách” đã phải thất vọng khi đứng trước nguy cơ mất việc rất rõ ràng bởi không một ai đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt. Điều đáng nói là trước đó, trong cuộc họp của HĐND TP Hà Nội hồi tháng 7.2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin rằng, những giáo viên hợp đồng đủ điều kiện: Có thời gian công tác trên 5 năm, tham gia BHXH, đủ điều kiện sức khỏe, có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm, tức là giáo viên phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng sẽ được xét tuyển đặc biệt. Vì sao Hà Nội bất nhất trong việc thi tuyển hay xét tuyển, để các giáo viên hợp đồng luôn trong trạng thái bất an về cách thức tuyển dụng?

Kết luận không xét đặc cách các giáo viên hợp đồng được cho là chiếu theo Khoản 7 Điều 2 Nghị định số 161/2018. Nếu việc tuyển dụng giáo viên căn cứ vào Nghị định này thì không cần “rà soát” cũng rõ ngay là không giáo viên nào được xét tuyển đặc cách, vì Nghị định 161 chỉ cho phép đặc cách với nhân viên hợp đồng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, song trên thực tế hiện nay hầu hết các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn TP Hà Nội nếu là công lập thì không có trường nào tự chủ, ít nhất là tự chủ chi thường xuyên. Như vậy, số phận công việc của hơn 2.500 giáo viên hợp đồng trên địa bàn TP Hà Nội sẽ được định đoạt bằng chính năng lực thi cử của họ chứ không phải kinh nghiệm đứng lớp hàng chục năm hay thời gian cống hiến trong ngành giáo dục.

Thực tế, hàng trăm giáo viên hợp đồng của các huyện Ba Vì và Sơn Tây đều bị cắt hợp đồng sau ngày 31.8. Còn huyện Phúc Thọ, huyện Thường Tín thì tiếp tục gia hạn cho các giáo viên hợp đồng. Mục tiêu “giải quyết được tất cả những tồn đọng trong vòng khoảng 20 năm qua về vấn đề để giáo viên hợp đồng quá lâu; tạo sự ổn định đối với toàn bộ hệ thống giáo viên của thành phố để họ yên tâm dạy học…” như lời của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung dường như rất khó giải quyết dứt điểm, hợp tình hợp lý, nhân văn.

Trong số hàng nghìn giáo viên đang đứng trước nguy cơ mất việc, rất nhiều giáo viên dạy giỏi cấp quận, huyện, thành phố, thậm chí còn có những người đã được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục. Nhiều giáo viên cho hay, trong suốt cuộc đời dạy học của mình cho tới lúc này, chưa một lần được thông báo thi công chức, viên chức. Và họ cũng chia sẻ quyết định không tham gia tuyển dụng viên chức để đi tìm công việc khác. Thực tế là, những giáo viên hợp đồng này bước chân vào kỳ thi sắp tới, ngoài kinh nghiệm giảng dạy và thâm niên công tác thì còn là nỗi lo sợ khi phải thi với cả những người trẻ tuổi, được trang bị các kỹ năng hiện đại và có thể là cả trình độ tin học, ngoại ngữ cũng bài bản hơn. Và đặc biệt là họ sợ thiếu minh bạch, nỗi sợ không phải không có cơ sở khi đây đó đã từng diễn ra.

Chuyện thừa - thiếu giáo viên, buộc phải chấm dứt - tuyển thêm giáo viên hợp đồng là việc bất đắc dĩ phải làm bởi chính những bất cập trong công tác tuyển dụng giáo viên ở nhiều địa phương lâu nay. Hình thức thi viên chức được coi là để chuẩn hóa lực lượng giáo viên này, đặc biệt là nhằm phục vụ cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây. Chuẩn hóa bằng cách “loại” giáo viên hợp đồng lâu năm thông qua kỳ thi tuyển viên chức, có phải là phương án chọn lọc tốt nhất hay không, cần phải xem xét kỹ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giáo viên hợp đồng và “cánh cửa” biên chế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO