Giáo viên cần linh hoạt, xây dựng kế hoạch dạy phù hợp
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân về chương trình lớp 1 mới, TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Tiểu học Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) cho biết, nếu có hiện tượng học sinh quá tải vì học quá nhanh thì giáo viên cần điều chỉnh kế hoạch dạy cho phù hợp. Điều này chương trình cho phép và là nhiệm vụ của giáo viên.
Sách giáo khoa không phải là pháp lệnh
- Thưa ông, hơn 1 tháng dạy và học chương trình lớp 1 mới, nhiều phụ huynh chia sẻ trên các diễn đàn rằng kiến thức trong sách giáo khoa lớp 1 năm nay nặng và nhịp học nhanh so với trẻ. Vậy nguyên nhân có phải do sách giáo khoa?
- Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 có 9 môn học và hoạt động giáo dục được quy định các yêu cầu cần đạt và chuẩn đầu ra của mỗi môn học. Đối với lớp 1, cũng có 5 bộ sách giáo khoa được phê duyệt. Mỗi sách giáo khoa của mỗi môn học có cách tiếp cận khác nhau. Các sách giáo khoa được biên soạn theo chương trình và được hội đồng quốc gia thẩm định đều đạt theo yêu cầu của chương trình trước khi được Bộ trưởng phê duyệt cho phép sử dụng. Vì vậy, về nguyên tắc các sách giáo khoa đều bảo đảm các yếu tố theo quy định của chương trình.

Cũng phải nói thêm rằng, theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh, chương trình mới là pháp lệnh. Đây là điều đặc biệt quan trọng giáo viên cần lưu ý khi giảng dạy. Chương trình mở, theo đó, sách giáo khoa cũng được thiết kế có tính mở, trao quyền chủ động cho giáo viên. Vì vậy, ở mỗi hoạt động, giáo viên có quyền linh hoạt điều chỉnh nội dung dạy học sao cho phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế địa phương. Tuy nhiên, cần bảo đảm mục tiêu hoạt động đã đề ra và hoạt động hướng tới việc hình thành các yêu cầu cần đạt của môn học vào cuối năm học.
- Cụ thể, quyền linh động của giáo viên là gì, thưa ông?
- Nhiệm vụ của giáo viên và nhà trường là phải tìm hiểu kỹ đối tượng học sinh, yêu cầu cần đạt của chương trình, cách thiết kế của sách giáo khoa để xây dựng kế hoạch dạy phù hợp. Giáo viên và nhà trường được chủ động lên kế hoạch chi tiết để giúp học sinh đạt được yêu cầu chuẩn đầu ra cuối năm học mà chương trình đặt ra.
Do đó, nếu có hiện tượng học sinh quá tải vì học quá nhanh thì giáo viên cần điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp. Điều này chương trình cho phép và là nhiệm vụ của giáo viên.
Chưa kể, khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đối với tiểu học, Bộ GD - ĐT quy định học 2 buổi/ngày, lượng kiến thức không tăng so với chương trình hiện hành mà tăng tính trải nghiệm, thực hành, vận dụng trong từng môn học và hoạt động giáo dục để hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh. Vì vậy, giáo viên có thể sáng tạo tổ chức các hoạt động dạy học giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình ngay tại lớp.
Học chữ trước gây khó cho giáo viên
- Hiện nay, nhiều phụ huynh lo sợ con em mình không theo kịp chương trình lớp 1 mới nên đã cho đi học chữ trước khi vào lớp 1. Điều này vô tình gây áp lực lên các em còn lại. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Về mặt khoa học, tâm lý lứa tuổi, việc học chữ trước khi vào lớp 1 là không tốt cho chính các em học sinh. Vì vậy Bộ GD - ĐT đã có nhiều văn bản, chỉ thị quy định về việc không dạy chữ trước khi vào lớp 1 cho trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, do tâm lý lo lắng nên một số phụ huynh bằng nhiều cách khác nhau cho con học chữ trước. Điều này dẫn đến việc giai đoạn đầu khi vào lớp 1, trong một lớp học có những em đã biết chữ trước và có em chưa biết, chính điều đó đã gây khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học của giáo viên.

-Vậy cần khắc phục điều này như thế nào, thưa ông?
- Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD - ĐT mong các bậc cha mẹ không quá lo lắng và cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 để trẻ phát triển tự nhiên và tạo hứng thú khi vào lớp 1 được học cái mới. Điều này rất quan trọng trong việc hình thành nền nếp, động cơ học tập của trẻ. Ngay cả khi trẻ vào lớp 1, việc giúp học sinh đọc thông, viết thạo cần có quá trình, không thể nóng vội. Khi đó mới cần các bậc phụ huynh phối hợp cùng nhà trường để giúp các em trải nghiệm các kiến thức đã học tại nhà một cách phù hợp, thoải mái. Ví dụ, khi các con vào lớp 1, để tăng cường kỹ năng đọc cho các em, phụ huynh có thể mua cho các em những cuốn truyện phù hợp với lứa tuổi để trẻ có thể rèn kỹ năng đọc qua đọc truyện và hình thành thói quen đọc sách.
Đối với các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định không dạy chữ trước khi vào lớp 1 cho trẻ theo các văn bản quy định của bộ.
- Xin cảm ơn ông!