UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có Tờ trình số 3447/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về trình duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT).
Hiện tại, Quốc lộ 22 (đường xuyên Á) là tuyến quốc lộ duy nhất nối TP. Hồ Chí Minh với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), là cửa ngõ quốc tế kết nối với các nước trong khu vực ASEAN. Qua khảo sát những năm gần đây cho thấy, nhu cầu giao thương hai chiều từ khu vực TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh đang tăng rất nhanh, dẫn tới thường xuyên ùn tắc, làm ảnh hưởng lưu thông hàng hoá, đi lại, gia tăng tai nạn giao thông do tuyến Quốc lộ 22 đã quá tải, nhiều điểm giao cắt cùng mức... điều này sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho các địa phương có tuyến dự án đi qua nói riêng mà cả vùng Đông Nam bộ nói chung.
Khi hoàn thành cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ liên kết giữa các đường Vành đai TP. Hồ Chí Minh (Vành đai 3 và Vành đai 4) với tỉnh Tây Ninh và nối tiếp tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát trong tương lai, phát huy lợi thế các tuyến cao tốc để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng…
Theo Tờ trình, dự án có điểm đầu giao với đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh thuộc địa bàn huyện Củ Chi, điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 tại lý trình Km53+850 thuộc huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Tổng chiều dài 51km, trong đó đoạn qua địa phận TP. Hồ Chí Minh khoảng 24,7km. Quy mô 6 làn xe cao tốc (theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1.9.2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe, tiêu chuẩn kỹ thuật: đường cao tốc cấp 120 tương đương vận tốc thiết kế 120km/h.
Tuyến cao tốc này bắt đầu từ đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, hướng tuyến cao tốc đi gần song song với đường Xuyên Á (Quốc lộ 22) và cách Quốc lộ 22 về phía bên phải theo hướng tuyến (về phía Bắc) khoảng 2km-4km. Đoạn qua địa phận TP. Hồ Chí Minh đến Tỉnh lộ 8, tuyến rẽ phải để tránh Khu quân sự Đồng Dù, sau đó rẽ trái khoảng Km16+000 tuyến đi song song với đường sắt quy hoạch và đi qua địa phận tỉnh Tây Ninh.
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tuyến đi thẳng đến khu vực Gò Dầu (Km38+700); tại đây rẽ trái với góc chuyển hướng khoảng 370 giao với Quốc lộ 22B khoảng Km41+000, sau đó tuyến tiếp tục rẽ trái với góc chuyển hướng khoảng 600, vượt sông Vàm Cỏ và giao với Quốc lộ 22 tại Km53+850.
Cũng theo tờ trình, tổng mức đầu tư sơ bộ dự án: 19.617 tỷ đồng. Vốn Nhà nước trong dự án hơn 9.674 tỷ đồng (chiếm 49,31%), trong đó: vốn Trung ương hơn 2.800 tỷ đồng, vốn Ngân sách TP. Hồ Chí Minh hơn: 6.800 tỷ đồng.
Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ năm 2024-2029.