Bộ Giao thông vận tải (GT-VT) vừa làm việc với TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu về tình hình triển khai thực hiện dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GT-VT TP. Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm thông tin, đường Vành đai 4 có tổng chiều dài gần 207km, đi qua các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP. Hồ Chí Minh. Đây là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/h, mặt cắt ngang 6-8 làn xe cao tốc, có đường song hành 2 bên và các hành lang kỹ thuật. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 106.000 tỷ đồng.
Dự án kết nối với tất cả các tuyến cao tốc, quốc lộ của vùng nên nếu triển khai đoạn nào hoàn thành trước thì có thể đưa vào khai thác ngay, phát huy hiệu quả của các tuyến hướng tâm. Qua quá trình nghiên cứu, các địa phương đã đưa ra 2 phương án để làm Vành đai 4.
Phương án 1: Các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án tại mỗi tỉnh, đáp ứng tiến độ khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2028.
Phương án 2: Gộp toàn bộ tuyến Vành đai 4 thành một dự án để thực hiện, song phương án này sẽ dẫn đến tổng mức đầu tư rất lớn, kéo dài thời gian chuẩn bị và khó đáp ứng tiến độ đề ra.
Hiện nay đa số các địa phương đang khó về vấn đề thu xếp nguồn vốn để triển khai dự án Vành đai 4. Vì vậy, các đơn vị tiếp tục rà soát nguồn vốn, triển khai nhiều nhóm công việc để sẵn sàng khởi công vào năm 2025.
Tại cuộc họp, các tỉnh, thành phố đều thống nhất với phương án 1 để triển khai dự án. Theo đó, các địa phương cùng kiến nghị sớm trình Quốc hội xin cơ chế đặc thù để làm Vành đai 4, đặc biệt là nguồn vốn Trung ương hỗ trợ các địa phương làm dự án.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: "Thành phố và các địa phương cần gấp rút, đồng lòng triển khai. TP. Hồ Chí Minh sẽ làm ngày, làm đêm kể từ hôm nay để kịp trình dự án xin chủ trương đầu tư vào kỳ họp Quốc hội tháng 6. Như vậy, chậm nhất cuối tháng 3 này, toàn bộ hồ sơ cơ bản của dự án phải được đơn vị tư vấn và các địa phương hoàn thiện. Thành phố cũng kiến nghị Bộ GT-VT sớm giao nhiệm vụ cho đơn vị tư vấn tổng thể để rà soát tiêu chuẩn kỹ thuật, tài chính".
Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn đánh giá cao nỗ lực của các tỉnh, thành phố trong quá trình nghiên cứu, đồng thời nhấn mạnh Vành đai 3 đã rất quan trọng và Vành đai 4 cực kỳ quan trọng, góp phần liên kết vùng và tạo ra không gian mới kết nối với các đô thị. Sau khi có đơn vị tư vấn tổng thể, các tỉnh cần sớm thống nhất phương thức đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, phân kỳ đầu tư để trình Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ đánh giá, rà soát kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội.