Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài khoảng 93,35km theo hình thức đối tác công tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1212 từ năm 2020 với tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 6580 tỷ đồng, chiếm 45,91%, còn lại là vốn Nhà đầu tư, vốn vay và các nguồn vốn huy động khác. Tuy nhiên, dự án rất khó đảm bảo hiệu quả tài chính, hấp dẫn nhà đầu tư và tổ chức tín dụng.
Tại Kỳ họp thứ Sáu, thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, ĐBQH Bế Minh Đức cho biết, trước những khó khăn về huy động vốn, tỉnh Cao Bằng và Nhà đầu tư đã làm việc với ngân hàng sau khi khảo sát và đánh giá dự án nhưng ngân hàng cam kết chỉ cho vay tối đa 3.000 tỷ đồng. Để huy động nguồn lực đầu tư, Khoản 2 Điều 69 của Luật PPP khống chế tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án PPP. Do đó, dự án PPP ở Cao Bằng rất cần có sự quan tham gia vốn Nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi nhà đầu tư theo phương thức PPP. Đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là ví dụ cụ thể trong việc tăng vốn đầu tư của Nhà nước cho các dự án PPP trên 50% là rất cần thiết, nhằmgóp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư và ngân hàng trong tình hình kinh tế hiện nay. Đồng thời là giải pháp đưa các dự án trọng điểm quốc gia (giai đoạn 2020 - 2025) về đích đúng thời hạn đặt ra.