Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình, đến hiện tại, đối với công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình, địa phương đã bàn giao 125,54km/126,43km (đạt 99,3%); còn lại 890m (chiếm 0,7%),
Cụ thể, tại các địa phương có công trình đi qua, huyện Quảng Trạch đã bàn giao được 25,29km/25,3km (đạt 99,96%), còn lại 10m. Thị xã Ba Đồn đã bàn giao 9,31km/9,35km (đạt 99,57%); còn lại 40m. Huyện Bố Trạch đã bàn giao 28,81km/29,04km (đạt 99,04%), còn lại 230m. Huyện Lệ Thủy đã bàn giao 31,28km/31,95km (đạt 97,90%); chiều dài còn lại 610m.
Hiện đang vướng mắc nhiều nhất là tuyến đường qua huyện Lệ Thủy khi còn hơn 600m chưa giải phóng mặt bằng được. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lệ Thủy Nguyễn Xuân Tường cho biết, hiện trạng mặt bằng cần giải phóng còn 600m chưa giải phóng được,tương đương với 30 hộ. Địa phương đang thực hiện chi trả tiền, vận động và tiến hành quy trình cưỡng chế theo quy định.
Đặc biệt, đối với công tác tuyên truyền, địa phương đang vận động các trường hợp đã nhận tiền nhưng chưa tận thu tài sản thì hỗ trợ, động viên để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án quốc gia. Với những hộ dân đã phê duyệt, thực hiện chế độ chính sách nhưng không đồng ý nhận tiền sẽ tiến hành đề nghị cưỡng chế.
“Công tác giải phóng mặt bằng ở địa phương đang gặp một số khó khăn, trong đó có việc người dân yêu cầu được đền bù cao hơn, không đồng tình với giá đền bù hiện tại hay yêu cầu chuyển từ đất nông nghiệp sang đất vườn để được hỗ trợ 100%. Một số trường hợp đi nước ngoài, hoặc đang ở các tỉnh khác”, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lệ Thủy Nguyễn Xuân Tường cho biết.
Đánh giá về tình hình thực hiện bàn giao mặt bằng, Phó Trưởng phòng Quản lý dự án 4Chu Văn Long, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho rằng địa phương đã làm rất tốt khi giải quyết được khối lượng lớn mặt bằng trong một thời gian ngắn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phần vướng mắc còn lại tập trung vào các hạng mục khó. Tình trạng mặt bằng chưa sạch cũng đã khiến các chủ đầu tư cũng như nhà thầu phải đi đường vòng, thực hiện thi công “nhảy cóc”, từ đó lo ngại về vấn đề đảm bảo tiến độ khi vào mùa mưa.
“Đến thời điểm này, mặt bằng vẫn còn một số điểm “xôi đỗ”, nguy cơ chậm dự án rất lớn, do khu vực miền Trung bắt đầu vào mùa mưa, khi nhận mặt bằng xong dự án còn thi công phần nền đường, làm đất, sợ mùa mưa bão ảnh hưởng nặng nề đến công tác thi công. Đơn vị cũng đang “sốt ruột” về nội dung này”.Phó Trưởng phòng Quản lý dự án 4Chu Văn Long cho biết.
Tại những điểm còn “nghẽn” mặt bằng, đơn vị thi công sẽ tốn thêm nguồn lực do phải di chuyển giữa 2 điểm bằng đường vòng. Cũng theo Phó Trưởng phòng Quản lý dự án 4, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã thực hiện được khoảng 50% khối lượng công việc được giao.
Bên cạnh những khó khăn khách quan trên điểm “nghẽn” mặt bằng đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Lệ Thủy, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nguyễn Xuân Tường cho biết thêm, chiều dài tuyến đường qua địa phương khá dài, cộng với 10km đường gom, đường hoàn trả; song song với đó là 5 công trình trọng điểm được đốc thúc nên lượng công việc khá lớn, thực hiện bởi nguồn nhân lực không tăng. Huyện Lệ Thủy dự kiến kế hoạch bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vào ngày 1.8 sắp tới.
Cũng trong ngày 17.7, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cũng đã kiểm tra tình hình thực hiệnDự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua tỉnh Quảng Bình. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã nhấn mạnh mục tiêu hoàn thành tổng thể Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trước ngày 30.4.2025, rút ngắn thời gian thi công theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nên chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công phải xác định rõ trách nhiệm để nỗ lực, quyết tâm trong triển khai thực hiện.