Cầu Mỹ Thuận 2 bắt qua sông Tiền là công trình trọng điểm khu vực Tây Nam Bộ giúp giải tỏa, kết nối giao thông vùng và rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến vùng lõi kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long.
Nghị quyết 13-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành năm 2022, với mục tiêu tạo bức phá kinh tế - xã hội, và quốc phòng - an ninh cho Vùng ĐBSCL. Ngay sau đó, Nghị quyết 78/NQ-CP chính là quán triệt của Chính phủ đối với Nghị quyết 13-NQ/TW; và là chương trình hành động hiện thực hóa định hướng vùng kinh tế chiến lược Đồng bằng sông Cửu Long với 4 trọng tâm và 9 đột phá vượt bậc. Trong đó, tâm điểm hạ tầng giao thông là nền tảng, “bệ đỡ” để bức phá hành lang kinh tế khu vực, liên kết mạnh mẽ các vùng chiến lược; rất được chú trọng.
Giai đoạn 2022-2023, có 3 cầu quy mô lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long được sự quan tâm lớn là: Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang – Vĩnh Long), Cầu Rạch Miễu (Tiền Giang – Bến Tre) và Cầu Đại Ngãi (Sóc Trăng – Trà Vinh), với tổng mức đầu tư hơn 18.200 tỉ đồng.
Với thực tế gia tăng nhu cầu giao thông và cấp bách từ quá trình đô thị hóa từ vũng lõi Đồng bằng sông Cửu Long, cầu Mỹ Thuận 2 trở thành dự án hạ tầng chiến lược khi giải tỏa và kết nối 2 vùng kinh tế lớn của khu vực; đồng thời là thúc đẩy sự phát triển của xã hội và tăng tính bền vững cho kinh tế tương lai.
Gói thầu XL03B – thi công thân trụ (T14 - T17) và kết cấu nhịp chính dây văng của cầu Mỹ Thuận 2, được Công ty cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam (Trungnam E&C) – thành viên của Trungnam Group cùng liên danh thực hiện. Công tác thi công kéo bó cáp cuối cùng số MC14-MC16 và thi công khối đúc hẫng cuối của nhịp cầu chính đã hoàn thành, và sẵn sàng hợp long nhịp chính hai đầu cầu trong tháng 10.2023.
Dự kiến cuối năm 2023, Trungnam E&C sẽ hoàn tất công tác đúc dầm để thi công các hạng mục hoàn thiện khác trên mặt cầu và đưa vào khai thác.
Khác Cầu Mỹ Thuận 1, Cầu Mỹ Thuận 2 có kết cấu và thi công phức tạp hơn các loại cầu về kiểm soát kích thước hình học, độ vồng thi công, nội lực và chuyển vị của các bó cáp dây văng.
Chỉ huy trưởng Ban điều hành Trungnam E&C tại dự án cầu Mỹ Thuận 2 Phan Văn Quân chia sẻ, trong quá trình xây dựng gặp không ít khó khăn như sông sâu dòng nước chảy xiết, công trường không có đường ô tô tiếp cận, tất cả đều vận chuyển bằng đường thủy nên công tác tập kết, di chuyển vật tư, vật liệu từ bãi tập kết ra vị trí thi công gặp nhiều cản trở, phụ thuộc vào con nước rất nhiều; đỉnh tháp trụ cầu chính T16 cao dương 125m, việc thi công trên cao rất nguy hiểm và thực sự khó khăn trong thời tiết có mưa gió và sấm sét. Nhưng bằng kinh nghiệm và năng lực, đơn vị đã kịp tiến độ chung, đáp ứng mọi tiêu chí kỹ thuật và an toàn, đồng thời tích cực thích ứng với các yêu cầu và biến động trong quá trình thi công.
Giám đốc Trungnam E&C Bùi Mạnh Hùng khẳng định, cầu Mỹ Thuận 2 là một trong những công trình trọng điểm đầu tiên tại khu vực Tây Nam Bộ mà Trungnam E&C thực hiện. Tuy có các khác biệt địa chất và thực tế thi công công trình, nhưng đội ngũ Trungnam E&C đã hoàn thành rất tốt và nhận được sự đánh giá cao từ phía Chủ Đầu Tư.
Dự kiến, trong tháng 10.2023, Liên Danh nhà thầu sẽ đổ bê tông khối hợp long nhịp chính, thực hiện căng cáp dự ứng lực đáy, căng cáp văng lần 3 các bó MC14-MC16 (các bó cuối cùng của Nhịp Cầu chính), sau đó sẽ tháo dỡ các đà giáo và thiết bị để thực hiện hoàn thiện mỹ thuật.