Giao thoa khán giả và phim tài liệu

- Thứ Ba, 06/07/2021, 07:12 - Chia sẻ
Những năm gần đây, phim tài liệu độc lập Việt Nam ngày càng nhận được nhiều quan tâm, nhiều phim có sự lan tỏa lớn khi phát hành thương mại tại các cụm rạp. Tuy vậy, hành trình những bộ phim đó đến với công chúng Việt Nam đương đại chưa bao giờ dễ dàng.

Còn nhiều khoảng cách

Có thể nói, phim tài liệu độc lập Việt Nam đang bước vào thời điểm có nhiều thay đổi tích cực dành cho việc sản xuất và phát hành, dù trên thực tế ở nước ta, dòng phim này vẫn chưa thực sự tìm được chỗ đứng xứng đáng.

Đạo diễn Trần Phương Thảo thuộc thế hệ những nhà làm phim trẻ Việt Nam đầu tiên theo đuổi dòng phim tài liệu độc lập. Bộ phim “Đi tìm Phong” do hai vợ chồng chị đồng đạo diễn đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế, và là bộ phim tài liệu độc lập đầu tiên được công chiếu thương mại ở hệ thống rạp (2018), nhận được phản hồi tích cực của khán giả, góp phần làm thay đổi cái nhìn về người chuyển giới. Nhưng Trần Phương Thảo thừa nhận, gọi là “thành công” ở đây kể ra còn rất hạn chế so với việc phát hành những dòng phim khác.

“Đưa phim tài liệu độc lập ra màn ảnh rộng là một trải nghiệm thích thú mà bất cứ đạo diễn nào cũng mơ ước, song nó cũng là con dao hai lưỡi khi bạn buộc phải chấp nhận cay đắng rằng mình sẽ 'thua', thua ở lượng khán giả có thể cân đong đo đếm, thua ở khả năng quảng cáo... Cho nên, con số phát hành dù chỉ vài nghìn đã được coi là thành công cho phim rồi”, Trần Phương Thảo nói.

Trong vai trò nghệ sĩ, giám tuyển, làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, Trương Quế Chi nhìn nhận câu chuyện phát hành phim tài liệu độc lập ở Việt Nam trong bối cảnh rộng hơn. Theo chị, nhìn vào lịch sử điện ảnh Việt Nam, câu chuyện điện ảnh độc lập, điện ảnh tài liệu mới xuất hiện khoảng 20 năm trở lại đây. Điều này giải thích tại sao cấu trúc vận hành nền điện ảnh ở Việt Nam như nền tảng cơ chế, pháp lý, hệ thống phát hành, hệ thống rạp... có sự phân chia, tiếp nhận phim tài liệu truyền hình, tài liệu độc lập chưa thể quy củ trong một bối cảnh còn rất mới.

Theo giám tuyển Trương Quế Chi, “tất cả chúng ta đều đang vừa học vừa cùng thiết lập, nên hệ thống không thể lập tức có luôn để đáp ứng mong mỏi từ phía người làm. Sau 20 năm, sự nhận diện trong ngôn ngữ điện ảnh độc lập đã khác đi rất nhiều, dù vậy, cuộc giao thoa giữa khán giả và phim tài liệu vẫn có nhiều khoảng cách do hệ thống cơ sở chưa đồng bộ. Lực lượng làm phim tài liệu độc lập có nhưng chưa thực hùng hậu, hệ thống rạp sẵn sàng hỗ trợ dòng phim này không những ít mà còn chưa đạt chuẩn nhất định. Nói chung, chúng ta thiếu hẳn một phân khúc hệ thống rạp độc lập để khán giả chỉ cần bỏ số tiền nhỏ đủ để xem phim. Về phía khán giả, lựa chọn phim truyện là ngẫu nhiên nhưng lựa chọn xem phim tài liệu lại phải cân nhắc nhiều, cho nên, để cày xới một mảnh đất màu mỡ cho phim tài liệu độc lập phát triển sẽ mất khá nhiều thời gian”.

Xây dựng cộng đồng khán giả

"Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", một trong những phim tài liệu hiếm hoi ra rạp thành công tại Việt Nam
"Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", một trong những phim tài liệu hiếm hoi ra rạp thành công tại Việt Nam

Từ trải nghiệm làm phim cũng như trực tiếp hỗ trợ nhiều nhóm bạn trẻ thực hiện các dự án phim tài liệu, đạo diễn Trần Phương Thảo nhận định, Việt Nam đang rơi trúng thời điểm “vàng” để đưa phim tài liệu độc lập đến với khán giả. “Chưa bao giờ cơ hội cho điện ảnh tài liệu của chúng ta lại lớn như vậy. Trong khi ở châu Âu lại đang rơi vào khủng hoảng khi phải cạnh tranh cực mạnh với rất nhiều người làm nghề giỏi, thì ở thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, mảnh đất ấy đầy trống vắng”. Đánh giá như vậy, đạo diễn Trần Phương Thảo phân tích, khoảng 5 năm gần đây, các quỹ điện ảnh ưu tiên cho phim tài liệu ngày càng nhiều, tiếng nói của phim tài liệu cũng được nâng cao, đó sẽ là cú hích thu hút sự quan tâm của các bên liên quan dành cho phim tài liệu. “Tuy nhiên, khởi nguồn vẫn cứ phải là sự chuẩn bị từ bên trong, tức là ngoài một cộng đồng có hiểu biết, có thói quen tìm đến phim tài liệu, thì không ai khác, các nhà làm phim phải cho ra những sản phẩm để đẩy sự hiểu biết, thói quen ấy lên”.

Cuối cùng, vẫn là sản xuất được những bộ phim thực sự chất lượng, tăng lựa chọn cho khán giả. Giám tuyển Trương Quế Chi ví von, nghĩ đến khái niệm điện ảnh thật là hào nhoáng, nhưng người trong cuộc mới thấy nó không lấp lánh như vậy, đối với làm phim tài liệu lại càng không. Người làm phim tài liệu thậm chí phải vượt qua rào cản lớn nhất đến từ truyền thống đã định hình bao nhiêu lâu nay ở các cơ sở đào tạo với kiểu tư duy tài liệu truyền hình là chủ lưu. “Giữa bối cảnh đó nổi lên một vài nơi như Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD), Trung tâm Phim tài liệu và video thử nghiệm (Doclab)... Cộng đồng như thế không nhiều, mỗi năm cho ra số lượng phim rất ít”.

Việt Nam từng có một lực lượng khán giả không hề nhỏ của phim tài liệu. Cũng có những bộ phim gây được tiếng vang lớn từ những năm 1980 như "Chuyện tử tế", "Hà Nội trong mắt ai" của đạo diễn Trần Văn Thủy. Điều đó cho thấy, không phải khán giả Việt Nam không có nhu cầu xem phim tài liệu hay phim tài liệu độc lập bị hạn chế người xem. Trương Quế Chi lý giải là do khán giả Việt đã quá thiệt thòi. “Thiệt thòi bởi bầu không khí yên tĩnh của dòng phim này trong một thời gian khá dài. Bởi dù có phim được sản xuất nhưng sau đấy hệ thống phát hành để lại dấu lặng lớn, dần đánh mất điều mạnh mẽ, hay ho, thú vị của phim tài liệu. Bởi kể cả gây dựng được không gian vẫn không có khái niệm tổ chức chuyên đề phim đủ mạnh để có thể tạo nên một cộng đồng khán giả đặc thù. Bù đắp những điều ấy, là con đường rút ngắn khoảng cách giữa khán giả và phim tài liệu”.

Thái Minh