Giao thoa cổ nhạc và tân nhạc
Nhạc trưởng người Mỹ JEFF VON DER SMITH, từng đoạt 2 giải Grammy danh giá (năm 2003, 2004), rất yêu nhạc cổ truyền Việt Nam và muốn đưa nó trở lại đúng với vị trí, bởi ông nhìn thấy tương lai khi lắng nghe những giai điệu độc đáo này.
- Buổi hòa nhạc cuối năm 2016 vừa qua của nhóm nhạc thính phòng Hanoi New Music Ensemble gây ngạc nhiên cho khán giả khi chọn mở màn với tiết mục cổ nhạc Việt Nam. Xuất phát từ đâu ông có ý tưởng này?
- Trong 30 năm sự nghiệp của mình, tôi đã lên chương trình cho biết bao buổi hòa nhạc, nhưng quả thực, lên nhạc mục cho chương trình ở Việt Nam là thách thức lớn nhất. Bởi tôi luôn quan tâm tới sự tiếp nối trong âm nhạc, mà âm nhạc Việt Nam lại bị đứt gãy, ảnh hưởng bởi nhạc Trung Quốc, nhạc Pháp, Nhật, Mỹ... Làm sống lại âm nhạc phương Tây cổ điển, với tôi, là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng âm nhạc cổ truyền Việt Nam thì không. Dẫu vậy, tôi may mắn tôi có bạn là nhạc sĩ Đàm Quang Minh, trưởng nhóm Đông Kinh cổ nhạc. Vì vậy, tôi đã chọn tiết mục Khúc nhạc cửa đình mở màn buổi trình diễn các sáng tác đương đại của một số nhạc sĩ Việt Nam như Nguyễn Thiện Đạo, Tôn Thất Tiết, Trần Kim Ngọc, Vũ Nhật Tân và Nguyễn Minh Nhật, cùng hai tác phẩm của hai nhà soạn nhạc vĩ đại thế kỷ XX Stravinsky và Pierre Boulez. May mắn là chính khán giả Việt Nam cũng thích điều đó.
![]() | |
Nhạc trưởng Jeff Von Der Schmidt cùng các nghệ sĩ Hanoi New Music Ensemble | Ảnh: HNME |
Hanoi New Music Ensemble (HNME) được thành lập năm 2015, theo sáng kiến của nghệ sĩ violon Phạm Trường Sơn, nhà soạn nhạc Vũ Nhật Tân, Trần Kim Ngọc và nhạc trưởng Jeff Von Der Schmidt. Đây là nhóm nhạc thính phòng đương đại duy nhất của Việt Nam hiện nay. Mục tiêu của HNME là đưa âm nhạc đương đại Việt Nam và thế giới đến gần hơn với công chúng Việt, đồng thời trở thành đại sứ của âm nhạc đương đại Việt Nam trên trường quốc tế. |
- Để chọn được tiết mục trên, chắc hẳn ông đã nghe rất nhiều nhạc cổ truyền Việt Nam, ông ấn tượng với loại hình nào nhất?
- Tôi thích tất cả, nhưng thích nhất là ca trù. Đó thực sự là thể loại âm nhạc đỉnh cao. Nhạc sĩ Đàm Quang Minh từng nói với tôi rằng, đôi khi, cổ nhạc vẫn là tân nhạc, vì mọi người không nghe nó thường xuyên. Theo tôi, giờ là thời điểm để vực dậy điều này, mang âm nhạc cổ truyền Việt Nam trở lại đúng vị trí của nó. Bản sắc của nhạc sĩ Việt Nam chính là sự kết hợp, giao thoa giữa cổ nhạc và tân nhạc. Lắng nghe quá khứ sẽ nhận biết được tương lai.
- Lắng nghe âm nhạc của các tác giả Việt Nam, ông nhận ra điều gì?
- Như trên đã nói, sự nối tiếp rất quan trọng. Mọi thế hệ cần hiểu quá khứ của mình. Thế giới âm nhạc của Nguyễn Thiện Đạo và Tôn Thất Tiết đã được Trần Kim Ngọc, Vũ Nhật Tân và Nguyễn Minh Nhật tiếp nối. Cho dù Nguyễn Thiện Đạo và Tôn Thất Tiết sống ở Pháp nhưng nghe âm nhạc của họ là thấy chất Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là cho khán giả Việt Nam được nghe tác phẩm của họ và kết nối với quá khứ.
- Với âm nhạc, chúng ta có thể đi chung một con đường?
- Đây chính là câu Đàm Quang Minh đã nói với tôi. Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu nhau hơn thông qua âm nhạc. Tôi muốn cùng các nghệ sĩ Việt Nam hoàn thành tâm nguyện làm sống lại âm nhạc cổ truyền Việt Nam và đưa âm nhạc đương đại Việt Nam được biết đến rộng rãi trên thế giới.
- Nhưng để làm được điều đó không chỉ qua vài buổi hòa nhạc/năm, thưa ông?
- Thực ra, những buổi hòa nhạc chỉ là kết quả của một quá trình hợp tác. Có thể tôi không có mặt ở Việt Nam, nhưng tôi thường trao đổi với các đồng nghiệp qua điện thoại và internet. Chính sự trao đổi, hợp tác chặt chẽ này đã làm cho chúng tôi thêm hiểu nhau và từ đó nảy sinh ý tưởng mới.
- Và kế hoạch sắp tới của ông với Hanoi New Music Ensemble?
- Điều khích lệ tôi về hướng đi cho Hanoi New Music Ensemble chính là sự tiến bộ của nhóm nhạc chỉ sau 2 năm chúng tôi làm việc cùng nhau. Năm 2017 dự kiến sẽ có 5 - 6 buổi hòa nhạc, trong đó tôi sẽ có mặt tại Hà Nội vào tháng 11 để biểu diễn cùng nhóm. Sân khấu đã được mở ra cho những bước đi tiếp theo đầy thú vị. Tôi chờ đợi ý tưởng mới từ những người bạn đầy tài năng ở Hà Nội. Hai nước chúng ta từng có một giai đoạn lịch sử bi thương, nhưng giờ đã khác. Tôi vinh hạnh được góp phần đưa mối quan hệ của chúng ta sang chương mới tươi sáng hơn thông qua âm nhạc.
- Xin cảm ơn ông!