Giao quyền gắn với trách nhiệm

- Chủ Nhật, 01/08/2021, 09:11 - Chia sẻ
Bám sát tình hình thực tế, Quốc hội kịp thời quyết định bổ sung các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Nhất để xem xét, tạo cơ sở pháp lý cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong công tác phòng, chống dịch, kịp thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Trao đổi về quyết đáp đặc biệt này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan nhấn mạnh, giao quyền đi liền với trách nhiệm, do đó, cần kiểm soát quá trình thực hiện để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) phát biểu tại hội trường
Nguồn: quochoi.vn

Trách nhiệm, tâm huyết

- Diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường, Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội Khóa XV đã để lại nhiều dấu ấn với đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Đại biểu có những dấu ấn nào với kỳ họp này?

- Dấu ấn trước tiên là Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ đã làm việc tích cực, khẩn trương, làm việc ngoài giờ liên tục, không có ngày nghỉ. Khối lượng công việc lớn, thời gian họp được rút ngắn, nhưng với tinh thần khẩn trương, khoa học và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra. Để đạt được những kết quả của Kỳ họp phải nói tới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội, các lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội rất trách nhiệm, tâm huyết, thảo luận dân chủ, thẳng thắn. Nhiều đại biểu mới đã nhập cuộc nhanh, đưa ra ý kiến sắc sảo, có tính phản biện cao, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng một số hoạt động của Quốc hội, cũng như công tác điều hành, chỉ đạo của Chính phủ.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh chúng tôi cũng hết sức tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung trình Quốc hội kể cả tại các phiên họp tổ và các phiên họp toàn thể của Quốc hội về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2021, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính, chương trình mục tiêu quốc gia...; đồng thời, đưa ra những quyết đáp chính xác trên cơ sở nghiên cứu thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề liên quan. 

- Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tổ chức kỳ họp cũng rất khác với thông lệ, thưa bà?

- Sự khác biệt so với các kỳ họp thông thường nhìn thấy ở ngay việc mỗi đại biểu Quốc hội đều phải tuân thủ, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tất cả các hoạt động của mình. Từ tham gia các hoạt động trên hội trường, ăn nghỉ tại nơi nghỉ của đoàn, cũng như các hoạt động cá nhân đều phải bảo đảm yêu cầu này. Đại biểu làm việc với tinh thần gấp rút, không quản thời gian nghỉ ngơi để có thể góp phần đóng góp cho thành công của kỳ họp. 

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng gây áp lực rất lớn đối với cơ quan phục vụ. Tuy nhiên, Văn phòng Quốc hội đã chuẩn bị chu đáo, thận trọng từ việc xét nghiệm cho các cá nhân tham gia kỳ họp, đến điều kiện nghỉ ngơi, ăn uống, đi lại cho đại biểu Quốc hội để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử
Nguồn: ITN

Bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng người dân

- Tại kỳ họp này, để phục vụ cho việc Quốc hội xem xét, bổ sung nội dung về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 vào Nghị quyết chung của kỳ họp, Ủy ban Xã hội đã phải gấp rút chuẩn bị, thẩm tra tờ trình, các đề xuất cụ thể của Chính phủ. Nhìn lại quá trình này, bà có cảm nhận như thế nào? 
Bám sát tình hình thực tế, Quốc hội đã kịp thời quyết định bổ sung các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 vào Nghị quyết chung Kỳ họp thứ Nhất nhằm tạo cơ sở pháp lý để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch, kịp thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Từ khi Chính phủ gửi Tờ trình và tài liệu liên quan sang cơ quan chủ trì thẩm tra, đến khi báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội chỉ diễn ra trong một ngày. Tuy áp lực về thời gian rất lớn nhưng việc thẩm tra được Ủy ban Xã hội tiến hành hết sức nghiêm túc vì trước đó, chúng tôi đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì tổng hợp đánh giá việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch. Ủy ban cũng tiến hành thu thập thông tin, làm việc với các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để nắm được các vấn đề bất cập, tình hình thực hiện, các đối tượng bị ảnh hưởng; tình hình thực hiện phòng, chống dịch bệnh và những vấn đề bất cập nảy sinh trong suốt quá trình triển khai. Nói như vậy để thấy rằng, cơ sở dữ liệu thông tin để chuẩn bị cho việc thẩm tra trình Quốc hội thông qua các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 là khá đầy đủ và toàn diện. 

- Ngay trong báo cáo thẩm tra trình Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã đưa ra 9 kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành hữu quan. Vậy theo bà, trong quá trình triển khai tới đây, các cơ quan hữu quan cần chú ý những vấn đề gì?

- Tôi và nhiều thành viên Ủy ban Xã hội rất quan tâm đến việc giao nhiệm vụ, giao quyền gắn với trách nhiệm. Tại Nghị quyết chung Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV quy định, Chính phủ được triển khai biện pháp cao hơn, chưa được luật quy định, thậm chí khác với quy định pháp luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, cần kiểm soát quá trình thực hiện để không vi phạm các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả, theo đúng những mục tiêu, yêu cầu đặt ra với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nghị quyết cũng xác định rõ, những vướng mắc khác trong quá trình triển khai cần báo cáo kịp thời với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Bên cạnh tháo gỡ về mặt pháp lý, quyết nghị của Quốc hội về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng đưa ra giải pháp cần phải quan tâm triển khai để tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới. Đây là những quy định rất đúng và trúng, nếu triển khai thực hiện đầy đủ sẽ giúp nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, qua đó, góp phần thực hiện bảo vệ tốt nhất sự an toàn về sức khỏe và tính mạng cho người dân.

- Xin cảm ơn bà!

Bảo đảm sự chủ động trong chống dịch Covid-19

Việc Quốc hội quyết nghị bổ sung vào Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV các biện pháp nhằm tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, trao thêm quyền để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động áp dụng các biện pháp chống dịch mạnh mẽ hơn đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá rất cao của cử tri, Nhân dân cả nước. Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Quốc hội đã luôn chủ động và tích cực đồng hành với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là đổi mới cơ chế tài chính - ngân sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tăng thêm nguồn lực cho Chính phủ, từ việc miễn, hoãn, giảm các loại phí, thuế để hỗ trợ kịp thời người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19; trực tiếp bố trí ngân sách phục vụ các nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch. Từ tháng 4 năm nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ đánh giá nghiêm túc, thực chất việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm từ thực hiện gói hỗ trợ này, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ mới trị giá 26.000 tỷ đồng, trong đó, cách thức tổ chức thực hiện, đối tượng thụ hưởng đều đã có sự điều chỉnh nhằm bảo đảm hiệu quả của chính sách, đúng đối tượng, đến được với người dân, góp phần phòng, chống Covid-19 và bảo đảm an sinh xã hội.

Đặc biệt lần này, với sáng kiến lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã giao thêm thẩm quyền cho Chính phủ trong việc xử lý một số vấn đề liên quan đến ngân sách như: sử dụng các nguồn dự phòng, các nguồn huy động hợp pháp khác để tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Theo Nghị quyết này, Chính phủ phải bố trí, cơ cấu lại các khoản thu chi ngân sách và tăng cường tiết kiệm chi trên tất cả các lĩnh vực để có nguồn bảo đảm sự chủ động trong phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện chiến lược vaccine trong thời gian tới. Đồng thời, Quốc hội cũng có cơ chế nhằm tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động trong mua sắm trang thiết bị, vật tư kịp thời trang bị cho lực lượng nơi tuyến đầu thực hiện công tác phòng, chống dịch.  

N. An

Lê Bình thực hiện