Giao lưu và tiếp biến văn hóa

Thanh Nga 09/02/2010 00:00

Quá trình triển khai chương trình Tái định cư thủy điện Sơn La, bên cạnh những thành công về mặt kinh tế, xã hội, không thể tránh khỏi sự mai một bản sắc văn hóa truyền thống của các tộc người do thay đổi không gian cư trú và lối sống truyền thống.

04-Giao-luu-4010-300A1.jpg

Trong thời đại ngày nay, mọi thay đổi của các quan hệ xã hội đều do quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa. Trường hợp của bà con người Thái đen từ vùng thung lũng ven sông Đà thuộc xã Ít Ong, Mường La, Sơn La khi đến tái định cư tại xã Tân Lập, Mộc Châu, Hòa Bình trong chương trình Tái định cư thủy điện Sơn La là một ví dụ.

Điều đầu tiên phải kể đến là sự giao lưu, tiếp biến về văn hóa sản xuất. Nhóm người Thái đen từ Ít Ong đến Tân Lập định cư, bắt buộc phải tiếp nhận những phương thức sản xuất của nhóm Thái trắng sở tại để tồn tại và ổn định cuộc sống lâu dài trên quê hương mới. Thêm vào đó là sự khác nhau về không gian cư trú giữa hai cộng đồng dân cư, nhóm Thái đen là cư dân vùng thung lũng ven sông Đà còn nhóm Thái trắng ở Tân Lập là cư dân sống ở vùng cao. Nhiều vấn đề đặt ra mà nhìn dưới góc độ văn hóa tộc người cho chúng thấy sự hòa nhập giữa hai cộng đồng này không phải là một quá trình dễ dàng nhanh chóng.

Địa điểm xây dựng nhà máy Thủy điện Sơn La đặt tại xã Ít Ong, Mường La, Sơn La. Vùng ngập của lòng hồ Thủy điện Sơn La là một phạm vi khá rộng, bao gồm địa bàn của nhiều xã của các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Đây cũng là vùng cư trú của nhiều dân tộc thiểu số như Thái, Lự, Kháng, Laha, Mảng, Khơ mú, Si La, Cống, Mông, Dao..., đều là những dân tộc sinh sống lâu đời ở Tây Bắc và đã lưu giữ được nền văn hóa đa dạng và giàu bản sắc.

Ngay trong ngôn ngữ giao tiếp, người Thái trắng ở Tân Lập nói giống tiếng của người Thái trắng ở Mai Châu, Hòa Bình, nhưng khác với tiếng của người Thái đen. Đây là rào cản lớn nhất của những ngày đầu người Thái đen đến Tân Lập, phải qua vài vụ mùa, đến nay về cơ bản họ mới hiểu tiếng của người Thái sở tại. Tuy nhiên, khi về nhà họ vẫn dùng tiếng của người Thái Đen. Sự biến đổi trong ngôn ngữ giao tiếp này theo chúng tôi là cần thiết và phù hợp với nhịp điệu của cuộc sống. Đó là sự biến đổi để hòa nhập, thích ứng và phát triển nhưng họ vẫn không bỏ hẳn việc sử dụng ngôn ngữ Thái đen của mình. Phụ nữ Thái đen cũng không từ bỏ lối ăn mặc truyền thống. Đó chính là sự bảo tồn bản sắc văn hóa của mình một cách sinh động như một nhu cầu tự thân. Đến khu tái định cư Tân Lập, chúng ta vẫn bắt gặp nhiều chị em Thái đen “tằng cẩu” nói tiếng của nhóm Thái đen và vẫn có thể giao tiếp vui vẻ cùng các chị em Thái trắng bên nương chè Đài Loan xanh ngát đang vào vụ thu hoạch, công việc mà họ chỉ mới làm quen trong vài vụ gần đây.

04-Giao-luu-4010-300A2.jpg

Người Thái thường sống mật tập theo dòng họ, nay trong quá trình di chuyển tái định cư, các dòng họ bị xé lẻ, không thể cùng đi tới một địa diểm định cư và cư trú không còn mật tập như khi ở quê cũ. Đây có thể xem là tác động lớn đến mối quan hệ họ hàng thân tộc của người Thái tại các địa bàn tái định cư ở Tây Bắc nói chung. Trên quê hương mới, do nhu cầu của cuộc sống theo chương trình tái định cư như các mối quan hệ trong việc triển khai sản xuất và đặc biệt là những sinh hoạt cộng đồng để tiếp nhận các chủ trương chính sách mới về kinh tế chính trị xã hội, tiếp cận KHKT... đòi hỏi người Thái phải sớm kết mối thân tình, kể cả thông gia với bà con sở tại. Điều này góp phần tăng cường khối đại đoàn kết trong các khu tái định cư, giúp họ hòa nhập nhanh chóng. Đó chính là quá trình tiếp nhận văn hóa ứng xử của nhau giữa hai nhóm người Thái, là sự giao lưu và tiếp biến văn hóa trong quá trình tái định cư, làm cho cuộc sống đa dạng, phong phú hơn.

Tuy nhiên, chúng ta nên sớm có chủ trương, kế hoạch trong việc khuyến khích bà con sưu tầm, tổ chức lại trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng những lễ hội dân gian, những bài ca, điệu múa, những câu chuyện cổ, lời ru mà chỉ riêng người Thái đen mới có, tránh nguy cơ đánh mất bản sắc. Bởi cách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt nhất là trả nó về cho chủ thể của mình.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giao lưu và tiếp biến văn hóa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO