Giao lưu trực tuyến “Thực hiện pháp luật an toàn giao thông- Quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”

- Thứ Sáu, 05/06/2015, 17:50 - Chia sẻ
(ĐBNDO)- Quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giao thông - vận tải tiếp tục quyết liệt thực hiện trong năm 2015, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông; bảo vệ kết cấu hạ tầng; tạo lập môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, chống tiêu cực, nhũng nhiễu. Đây cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của cơ quan quản lý, người tham gia giao thông và người dân.

Giao lưu nhằm góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý hoạt động vận tải khách và hàng hóa đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vận tải; tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và người dân, kiến nghị hoàn thiện các chính sách, pháp luật về an toàn giao thông.

Khách mời tham gia giao lưu trực tuyến gồm có: Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Việt Trường; Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Trọng Thái; Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Đại tá Nguyễn Hữu Dánh.

Sau đây là nội dung buổi giao lưu:
 
Phạm Thị Thủy – Nông Cống, Thanh Hóa: Ông đánh giá như thế nào về tình hình an toàn giao thông trong thời gian vừa qua?

Phó chủ nhiệm Lê Việt Trường: Tôi cho rằng tình hình an toàn giao thông trong những tháng cuối năm 2014 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Trong những tháng đầu năm 2015, phát huy những kết quả đạt được, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), nhất là tăng cường biện pháp kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải bằng ô tô, điều kiện kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền việc chấp hành pháp luật về giao thông; khắc phục những bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Tính trong 4 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước, cả nước xảy ra khoảng 7.584 vụ (giảm 1.050 vụ= 12,2%), làm chết 3.027 người (giảm 146 người= 4,6%), làm bị thương 7.070 người (giảm 1442 người= 16,94%).

Tuy nhiên, kết quả đạt được về bảo đảm an toàn giao thông chưa bền vững, tình hình tai nạn giao thông có chiều hướng diễn biến phức tạp biểu hiện ở chỗ nhiều tỉnh, thành phố không thực hiện được mục tiêu giảm 3 tiêu chí, cá biệt có tỉnh tăng trên 10% so cùng kỳ năm trước; tổng số vụ tai nạn giảm nhưng vẫn còn một số vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết nhiều người. Công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông còn yếu; hiệu quả xử lý vi phạm tải trọng phương tiện vận tải đường bộ còn hạn chế. TTATGT khu vực nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, đang có chiều hướng gia tăng. Tình trạng chống người thi hành công vụ vẫn không giảm.Tình hình đó cho thấy, nếu lơi lỏng công tác chỉ đạo, điều hành, tuyền truyền, giáo dục đi đôi với kiểm tra, thanh tra, xử lý tích cực, nghiêm minh thì không thể thực hiện được mục tiêu giảm cả 3 tiêu chí từ 5 đến 10% ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.


Tổng biên tập Báo ĐBND Đỗ Chí Nghĩa, Phó tổng biên tập Báo ĐBND Nguyễn Quốc Thắng tặng hoa các khách mời tham gia giao lưu

Nguyễn Văn Long, Hà Tĩnh: Được biết, Năm an toàn giao thông quốc gia 2015 tiếp tục tập trung “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” mà năm 2014 đã triển khai. Thưa ông Nguyễn Trọng Thái, xin cho hỏi, kết quả thực hiện của năm 2014 như thế nào và vì sao năm nay Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tiếp tục lựa chọn chủ đề này?

Chánh văn phòng Nguyễn Trọng Thái: Năm 2014, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chọn chủ đề “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” để triển khai các hoạt động. Đồng thời được sự quan tâm chỉ đạo Quốc hội và Chính phủ, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tình hình bảo đảm TTATGT tiếp tục có nhiều chuyển biến, tai nạn giao thông tiếp tục giảm.

Năm 2014, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và bị thương và là năm đầu tiên có số người tử vong vì tai nạn giao thông giảm xuống dưới 9 nghìn người (cụ thể toàn quốc xảy ra 25.322 vụ, làm chết 8.996 người, làm bị thương 24.417 người). So với cùng kỳ năm 2013 giảm 4.063 vụ (-13,8%), giảm 373 người chết (-4%), giảm 5.083 người bị thương (-17,2%). 

Một số kết quả nổi bật cụ thể:

1. Hoàn thiện các thể chế, chính sách theo hướng tăng cường hiệu lực quản lý hoạt động vận tải, các văn bản QPPL được ban hành như Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10.9.2014; Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17.11.2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 110/2014/NĐ-CP và Nghị định số 111/2014/NĐ-CP ngày 20.11.2014 quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa và quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu, thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. 

2. Các Bộ, ngành, đơn vị địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động; tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, hiệp hội nghề nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, đồng thời quán triệt chủ trương của Chính phủ, kế hoạch của Bộ Giao thông- Vận tải và Bộ Công an về kiểm soát tải trọng phương tiện, đã tạo được sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân đối với chủ trương kiểm soát tải trọng phương tiện.
 
3. Bộ Giao thông- Vận tải tăng cường các giải pháp kết nối các phương thức vận tải khác nhau nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ, từng bước giải quyết tình trạng vận tải hành khách và hàng hóa chủ yếu phụ thuộc vào đường bộ; đồng thời, các lực lượng chức năng đã quyết liệt kiểm tra, ngăn chặn xe chở quá tải ngay từ gốc đó từ các cảng, mỏ vật liệu... các điểm xếp hàng lên xe, thực hiện biện pháp cắt thùng xe chở quá tải, dùng hệ thống cân xách tay để xử lý các tình huống xe quá tải trốn, né trạm cân.
 
4. Hai ngành Công an và Giao thông- vận tải đã triển khai quyết liệt Kế hoạch phối hợp số 12593/KHPH-BGTVT-BCA, đưa vào hoạt động 63 trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động theo chế độ 24/24h các ngày trong tuần và tích hợp dữ liệu qua phần mềm giám sát quản lý dữ liệu tải trọng xe.

Vì vậy, vấn đề xe chở quá tải đã từng bước được kiểm soát, tình trạng xe chở quá tải đã giảm hẳn nhất là vận tải đường dài, cân chuyển container; không còn ngang nhiên đi lại trên đường như trước.

Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn còn xe chở quá tải trốn, né trạm cân, một số chủ các chủ doanh nghiệp vận tải chạy theo lợi nhuận, buông lỏng quản lý, khoán trắng cho lái xe; công tác xử lý vi phạm về điều kiện kinh doanh, TTATGT chưa triệt để, chưa nghiêm minh. Chính vì vậy, Ủy an ATGT quốc gia tiếp tục chọn chủ đề 2015 “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu “tính mạng con người là trên hết” nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên để đến cuối năm 2015 về cơ bản sẽ xử lý dứt điểm tình trạng xe chở quá tải. 

Trương Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định: Theo Phó chủ nhiệm, có hay không tiêu cực trong công tác kiểm soát tải trọng xe mà dư luận phản ánh thời gian qua?

Phó chủ nhiệm Lê Việt Trường: Theo tôi, không loại trừ hiện tượng tiêu cực trong công tác kiểm soát tải trọng xe trong thời gian qua. Vì có rất nhiều xe quá trọng tải vẫn vượt qua rất nhiều trạm kiểm soát mà không bị phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trần Hoàng Phương, Quảng Ninh: Thực tế, có khá nhiều trường hợp xe chở quá khổ, quá tải nhưng lại không thể xử lý hạ tải được do xe chở hàng đông lạnh, nông sản tươi sống và xe chở container kẹp chì hải quan. Trong trường hợp này, lực lượng chức năng chỉ có thể lập biên bản yêu cầu lái xe cam kết không tiếp tục vi phạm việc chở hàng quá tải trọng. Hình thức xử lý này không đủ sức răn đe người vi phạm? Trong những trường hợp này, cần có biện pháp gì để xử lý hiệu quả, thưa ông?

Chánh văn phòng Nguyễn Trọng Thái: Theo Nghị định 107/2014/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 171 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, xe mà chở quá tải trọng dưới 10% theo quy định thì sẽ không bị xử phạt. Đây là sai số cho phép khi mà chủ hàng, chủ xe xếp hàng được phép sai số. Quy định này đồng thời tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong quá trình thực thi công vụ.

Những lái xe chấp hành các quy định về xếp hàng thì sẽ không bị vi phạm. Đối với những lái xe cố tình chở quá tải trọng trên 10% tải trọng cho phép, thậm chí lên đến 100%, 150%... gây ảnh hưởng đến chất lượng cầu đường, đặc biệt là gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông đều sẽ bị xử phạt theo quy định.

Đối với xe chở hàng đông lạnh, nông sản tươi sống và xe chở container kẹp chì hải quan nếu vi phạm quy định về tải trọng thì vẫn bị phạt, đồng thời yêu cầu quay trở lại nơi xếp hàng.

Trần Đình Bá, Hoàn Kiếm, Hà Nội: Tại Hội nghị sơ kết kiểm soát tải trọng phương tiện Quý I.2015 do Bộ Giao thông- Vận tải và Bộ Công an phối hợp tổ chức tháng 4 vừa qua, có ý kiến cho rằng, trong cơ chế xử lý đang có sự phân biệt trong hành vi chở hàng quá tải. Cụ thể, mức xử phạt cá nhân chỉ bằng một nửa so với những đơn vị có tư cách pháp nhân đối với cùng một hành vi giống nhau. Điều này gây ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh và chính sự phân biệt này sẽ làm gia tăng các sai phạm về hành vi chở hàng quá tải của cá nhân. Phó chủ nhiệm đánh giá về vấn đề này như thế nào?


Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường giao lưu cùng bạn đọc

Phó chủ nhiệm Lê Việt Trường: Trước hết, tôi xin khẳng định quy định của pháp luật về xử lý vi phạm quá tải trọng là thống nhất, không có sự phân biệt giữa thể nhân và pháp nhân. Vì vậy, phản ánh của cử tri là chưa đủ thông tin để có thể đưa ra những nhận định, đánh giá cụ thể.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu cùng hành vi như nhau mà người thi hành công vụ xử phạt với các mức khác nhau là trái quy định của pháp luật.

Tôi xin lưu ý, trên thực tế, cùng một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT, ngoài hình thức xử phạt chính, còn có các hình thức xử phạt bổ sung và việc quyết định mức phạt còn căn cứ vào các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Vì vậy, nếu cử tri cung cấp đầy đủ thông tin thì tôi mới có thể trả lời cụ thể trường hợp mà cử tri nêu.

Lê Mai, Hòa Bình: Xin hỏi ông Nguyễn Trọng Thái, được biết tháng 9.2014, Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được ban hành. Đến nay, việc ban hành các thông tư hướng dẫn cũng như triển khai thực hiện Nghị định này như thế nào?


Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Trọng Thái giao lưu cùng bạn đọc

Chánh văn phòng Nguyễn Trọng Thái: Nhằm siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định cụ thể các điều kiện kinh doanh vận tải theo hướng tăng cường quản lý điều kiện ATGT, nâng cao chất lượng dịch vụ. Ví dụ, quy định các xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình; xe taxi, đầu kéo rơ-mooc thì phải hoàn thành việc này trước ngày 1.7.2015...

Hiện nay, Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn Nghị định 86 như Thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; Thông tư 10/2015/TT-BGTVT về quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô; Thông tư 09 quy định về cung cấp quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô. Hiện tại, Bộ GTVT đang xây dựng quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh dự kiến ban hành trong tháng 6 này.

Nghị định 86 được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cũng như khung khổ pháp lý để các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hoạt động; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng; tăng cường việc áp dụng CNTT, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình vào việc quản lý, giám sát, xử lý các vi phạm đối với chủ doanh nghiệp và lái xe vi phạm, đặc biệt là lỗi vi phạm về tốc độ, một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông hiện nay.

Bùi Tuấn Anh , Q.1, TP Hồ Chí Minh: Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân làm cho vi phạm ATGT chưa giảm như mong muốn vì các chế tài của chúng ta còn quá nhẹ. Quan điểm của Phó chủ nhiệm về vấn đề này như thế nào?

Phó chủ nhiệm Lê Việt Trường: Theo tôi, mức độ xử phạt trong các chế tài của chúng ta có thể là nhẹ so với mức độ xử phạt tương ứng của luật pháp nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, so với thu nhập của người Việt Nam chúng tôi cho rằng, các mức phạt theo quy định của pháp luật hiện hành nhìn chung không quá nhẹ.

Tôi đồng ý trong số các chế tài cũng có một số chế tài cần được nghiên cứu để đề nghị cơ quan có thẩm quyền nâng mức xử phạt nhằm bảo đảm tính giáo dục và răn đe. Vi phạm pháp luật về ATGT ở nước ta có nguyên nhân cơ bản là việc nhận thức và chấp hành quy định của pháp luật còn hạn chế, mặc dù chúng ta đã có Luật Phổ biến giáo dục pháp luật.

Nguyễn Hoàng Nam, Sóc Sơn, Hà Nội: Công tác quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện là một trong những lĩnh vực cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, hiện nay công tác này vẫn còn nhiều thiếu sót, bất cập; cơ sở vật chất, thiết bị, nguồn nhân lực chưa đáp ứng tiêu chuẩn… thưa Ông?


Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Đại tá Nguyễn Hữu Dánh giao lưu cùng bạn đọc

Phó cục trưởng Nguyễn Hữu Dánh: Trước hết phải khẳng định việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 95 ngày 10.01.2013 và công điện số 1966 ngày 19.01.2013 về chấn chỉnh tình trạng phương tiện đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng và tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ thì Bộ Công an và Bộ Giao thông- Vận tải đã xây dựng Kế hoạch 12593 liên ngành về phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm chở hàng quá tải trọng của xe ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ.

Ngày 11.12.2013, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Đinh La Thăng đã đồng chủ trì Hội nghị triển khai trực tuyến đến 63 địa phương và các cơ quan chức năng của 2 Bộ để thống nhất chỉ đạo thực hiện từ tháng 12.2013 và đồng loạt triển khai trên toàn quốc từ ngày 01.4.2014.

Qua hơn 1 năm thực hiện cho thấy, các lực lượng chức năng của ngành Công an và Giao thông vận tải, trong đó nòng cốt là lực lượng cảnh sát giao thông từ bộ đến địa phương đã vào cuộc quyết liệt thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp để kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về vận chuyển hàng quá tải trọng trên đường bộ. Nhờ đó, công tác kiểm soát tải trọng xe đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tình trạng vi phạm chở hàng quá tải trọng xe đã giảm nhiều so với trước, nhất là xe chở hàng đường dài; nhiều lái xe, chủ hàng doanh nghiệp vận tải đã ý thức chấp hành tốt hơn việc xếp hàng đúng trọng tải ngay tại các kho hàng, bến bãi, nơi xuất phát.

Qua sơ kết 1 năm thực hiện Kế hoạch 12593 của Liên bộ Công an và Giao thông- vận tải, các lực lượng liên ngành đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 68.307 trường hợp vi phạm, tạm giữ 2.087 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 41.869 trường hợp và hạ tải 129.108 tấn hàng. Riêng lực lượng cảnh sát giao thông, ngoài việc phối hợp Tổ công tác liên ngành đã thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề, đã kiểm tra lập biên bản 101.203 trường hợp quá tải, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 239,6 tỷ đồng, tạm giữ 4.434 phương tiện, tước giấy phép lái xe 48.730 trường hợp và hạ tải 193.236 tấn hàng. Đồng thời, Bộ Công an và Bộ Giao thông- Vận tải phối hợp đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 107 về nâng mức xử phạt đối với hành vi quá tải để giáo dục răn đe các đối tượng vi phạm. 

Tuy nhiên, công tác kiểm soát tải trọng vận tải vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, bấp cập. Một số chủ doanh nghiệp, chủ xe thiếu nghiêm túc, vẫn còn tình trạng tại nơi xuất phát xe vẫn chở hàng quá tải, tức là chưa giải quyết vấn đề tận gốc. Cùng với đó, một bộ phận lái xe, chủ xe chở hàng hiện nay vẫn lén lút hoạt động, chủ yếu là lợi dụng chạy nội tỉnh, cự lý ngắn, lợi dụng đêm tối để hoạt động trên tuyến đường tỉnh, đường giao thông nông thôn để trốn tránh sự kiểm tra kiểm soát của các lực lượng chức năng. Không ít trường hợp lái xe, chủ xe khi bị lực lượng chức năng phát hiện đã bất hợp tác, chống đối như khóa xe, bỏ xe đi nơi khác gây khó khăn cho việc kiểm tra của các lực lượng chức năng. Ngoài ra, ở một số địa phương sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng chưa quyết liệt, chưa tuyên truyền một cách sâu rộng về việc vi phạm của chủ xe, chủ hàng cũng như các bến bãi tại địa phương mình, chưa có biện pháp để ngăn chặn các vi phạm của chủ xe, chủ hàng tại nơi xuất phát và sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng và các cơ quan quản lý, chính quyền ở một số địa phương còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Trang thiết bị phục vụ cho việc kiểm soát tải trọng xe còn nhiều bất cập, khó khăn.

Hiện nay số lượng cân trang bị cho các địa phương còn thiếu, chủ yếu tập trung trên các tuyến cao tốc, quốc lộ và một số ít tỉnh lộ, còn ở đường huyện và nông thôn ở nhiều địa phương vẫn chưa được trang bị. Chưa kể đến, chất lượng cân có lúc còn gặp sự cố, nhiều điểm kiểm tra phải dừng hoạt động dài ngày để sửa chữa, kiểm định cân, cùng với đó kinh phí của hoạt động này tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông tuy đã có nhiều cố gắng, vào cuộc quyết liệt, song do lực lượng còn mỏng, trong khi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác về bảo đảm TTATGT như đấu tranh chống hành vi vi phạm tốc độ, sử dụng rượu bia, chống vi phạm xe chở quá số người quy định với mục tiêu giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, bảo đảm an toàn các sự kiện lễ hội lớn của đất nước nên không đủ lực lượng để kiểm tra, kiểm soát trên tất cả các tuyến đường, khép kín thời gian 24/24...


Lực lượng chức năng tỉnh kiểm soát tải trọng phương tiện tại điểm cầu Việt Trì
 Nguồn baophutho.com.vn

Nguyễn Thanh Mai, Mê Linh, Hà Nội: Nghị quyết số 87/2014/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIII nêu rõ, cần kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện vận tải, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm… Tuy nhiên, thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, dù đã có những trạm cân nhưng nhiều xe quá tải trọng vẫn ngang nhiên hoạt động. Vậy theo Phó chủ nhiệm, tình trạng này là do chúng ta chưa đủ phương tiện kiểm soát tải trọng hay là do chưa thực sự quyết liệt với hành vi vi phạm này?

Phó chủ nhiệm Lê Việt Trường: Tôi cho rằng, tình trạng cử tri đề cập do cả hai nguyên nhân. Thứ nhất, chúng ta còn thiếu phương tiện và lực lượng kiểm soát tải trọng xe. Thứ hai, chúng ta chưa quyết liệt với hành vi vi phạm này.

Trần Thị Quỳnh, Từ Sơn, Bắc Ninh: Xin hỏi ông Nguyễn Hữu Dánh, thời gian qua chúng ta đã làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật trong hoạt động vận tải chưa? Lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp, triển khai thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?

Phó cục trưởng Nguyễn Hữu Dánh: Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an, lực lượng cảnh sát giao thông với chức năng, nhiệm vụ của mình đã thực hiện quyết liệt các chủ trương, biện pháp bảo đảm TTATGT, trong đó có việc kiểm soát xử lý vi phạm đối với vận tải hàng quá tải trọng cho phép trên đường bộ. Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Giao thông- Vận tải thành lập các lực lượng liên ngành từ trung ương đến địa phương để trực tiếp kiểm tra, xử lý các vi phạm chở quá tải. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng trong toàn xã hội về hành vi vi phạm chở hàng quá tải, không chỉ là vi phạm TTATGT mà còn gây nguy hại đến bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Các trường hợp vi phạm đều được phát hiện và xử lý nghiêm.

Kết quả trong 1 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an, riêng lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra lập biên bản 101.243 trường hợp vi phạm quá tải, tạm giữ 4.443 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 48.730 trường hợp. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông đã kiểm tra lập biên bản 68.307 trường hợp, tạm giữ 2.087 phương tiện, tước giấy phép lái xe 41.869 trường hợp vi phạm.

Về công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ của các lực lượng chức năng, ngày 14.4.2014 Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã có công văn số 1101 chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông và Công an các địa phương về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT và chấn chỉnh những hạn chế trong tuần tra, kiểm soát giao thông. Trong đó, Bộ trưởng xác định việc kiểm tra, xử lý xe chở hàng quá tải trọng là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm TTATGT. Vì vậy, Giám đốc Công an địa phương phải chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ để thực hiện đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên, liên tục và kiên quyết kiểm tra xử lý nghiêm người vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Huỳnh Phước, Quy Nhơn- Bình Định: Với góc nhìn của nhà lập pháp, hành lang pháp lý của chúng ta liệu đã đủ để điều chỉnh những vấn đề liên quan đến lĩnh vực ATGT trong đó có vấn đề kiểm soát tải trọng xe chưa, thưa Phó chủ nhiệm?

Phó chủ nhiệm Lê Việt Trường: Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định đầy đủ và rõ ràng về lĩnh vực ATGT trong đó có vấn đề kiểm soát tải trọng. Về vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, khoản 2 Điều 72 Luật Giao thông đường bộ quy định: không được thực hiện các hành vi như: chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế và quá kích thước giới hạn cho phép của xe; chở người trong thùng xe... Hay điểm e khoản 2 Điều 73 quy định: người kinh doanh vận tải hàng hóa phải chịu trách nhiệm về hậu quả mà người làm công, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu của người kinh doanh vận tải trái với quy định của luật này.


Nguyễn Văn Út, Bình Dương: Tôi xin hỏi ông Nguyễn Trọng Thái, việc gắn thiết bị giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải hành khách trong mấy năm qua đã mang lại hiệu quả như thế nào? Theo quy định mới, tới đây taxi, xe đầu kéo sơ mi rơ- mooc, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa cũng phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Quy định này sẽ mang lại những tác dụng gì cho quá trình quản lý hoạt động vận tải, thưa ông?

Chánh văn phòng Nguyễn Trọng Thái: Thiết bị giám sát hành trình phải ghi lại thông tin về thời gian làm việc của lái xe, về số lần và thời gian dừng, đỗ xe, các thông tin về thời gian, tốc độ, quãng dường chạy, tọa độ trong suốt hành trình chạy của xe... giúp cơ quan quản lý Nhà nước hoặc chủ xe kiểm soát các lỗi vi phạm trên hành trình chạy xe, nhất là theo dõi lỗi vi phạm tốc độ, như tôi đã nói, là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông. Nếu xảy ra rủi ro, tai nạn trong quá trình vận tải, các thông tin của thiết bị giám sát hành trình sẽ là căn cứ quan trọng để các cơ quan chức năng, chủ xe cũng như các công ty bảo hiểm làm rõ nguyên nhân, xử lý và rút kinh nghiệm.

Thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy, việc lắp các thiết bị giám sát hành trình đã từng bước nâng cao việc tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông, giảm các vi phạm của lái xe khi tham gia giao thông, từ đó góp phần vào việc giảm tai nạn giao thông. Theo Nghị định 86, các loại xe taxi, xe đầu kéo sơ mi rơ- mooc, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa sẽ phải lắp thiết bị giám sát hành trình trước ngày 01.7.2015.

Cùng với các quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải hành khách trước đây, các quy định này nhằm đồng bộ hóa và phổ cập việc lắp thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện giao thông, qua đó góp phần nâng cao chất lượng vận tải, hiệu lực, hiệu quả quản lý cũng như giảm nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Lê Mỹ Anh, Cầu Giấy, Hà Nội: Vừa qua, tình trạng chở khách quá số người quy định gây mất ATGT vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là vào các dịp nghỉ lễ, nghỉ dài ngày. Thực trạng này là do các quy định pháp luật còn thiếu hay do sự buông lỏng quản lý, thưa ông?

Phó cục trưởng Nguyễn Hữu Dánh: Tôi đồng tình với ý kiến của bạn. Đúng là hiện nay tình trạng nhồi nhét khách, chở quá số người quy định, đặc biệt là vào các ngày lễ, tết còn xảy ra. Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là việc quản lý, kiểm soát các xe khách tại một số điểm còn lỏng lẻo, nhất là việc kiểm tra và xác nhận điều kiện đối với xe và lái xe trước khi cho xuất bến; còn để tình trạng "xe dù, bến cóc" để xe ô tô không đủ điều kiện kinh doanh vận tải vào bến xe đón khách.

Nhiều người dân có thói quen không vào bến xe mua vé và đi xe từ bến mà đứng ở các điểm bên ngoài để đón xe nên cũng là một trong những nguyên nhân làm cho chủ xe và lái xe, phụ xe nhồi xét khách, ép giá.

Lực lượng cảnh sát giao thông cũng đã tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm của các xe ô tô chở quá số người quy định. Qua kiểm tra thấy rằng, nhiều lái xe khách còn hạn chế về kiến thức pháp luật giao thông, ý thức trách nhiệm và đạo đức của người lái xe còn kém...

Theo cá nhân tôi, hiện nay các quy định pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách là tương đối đầy đủ, vấn đề còn lại là việc tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý về hoạt động vận tải từ bến xe, các công ty vận tải hành khách, chủ xe, lái xe và hành khách đi xe. Còn vấn đề tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với hành vi này thì lực lượng cảnh sát giao thông đã vào cuộc rất quyết liệt.

Năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015 đã kiểm tra xử lý 252.043 trường hợp xe khách vi phạm, trong đó có 30.443 trường hợp chở quá số người quy định.

Trong thời gian tới, để thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an và để phục vụ cho các hoạt động kỷ niệm 70 năm cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, công an các địa phương phối hợp với các lực lượng cảnh sát 113, cảnh sát cơ động, công an phường và thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực trước cổng bến xe, bến tàu, nhà ga và trên các tuyến giao thông để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, nhất là trong dịp nghỉ lễ sắp tới.

Phạm Vĩnh Tường, Thừa Thiên Huế: Thực tế, việc huy động người dân cùng tham gia phản ánh, giám sát tình trạng hoạt động xe quá khổ, quá tải cũng như phát hiện những hiện tượng tiêu cực của lực lượng thực thi công vụ là cần thiết. Vậy hiện nay đã có những cơ chế nào để huy động và khuyến khích người dân tham gia, thưa Ông?

Chánh văn phòng Nguyễn Trọng Thái: Trong thời gian qua, thông tin phản ánh của người dân là kênh quan trọng giúp cho các cơ quan chức năng nắm được diễn biến tình hình xe trở quá tải trọng trên địa bàn cả nước. Nhờ đó, góp phần tích cực trong công tác xử lý các hành vi vi phạm tải trọng phương tiện.

Hiện nay Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ Giao thông- Vận tải, Tổng cục Đường bộ đã xây dựng đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh của người dân về tình trạng xe chở quá tải trọng; đồng thời tiếp nhận phản ánh của công dân về việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý xe chở quá tải trọng. Từ đó, yêu cầu các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Để khuyến khích, động viên người dân tích cực phản ánh các thông tin vi phạm hành chính, trong đó có lĩnh vực TTATGT, cụ thể ở đây là hoạt động của xe quá khổ, quá tải, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn quy định về việc chi mua thông tin. Trên cơ sở này, ngày 11.5.2015, Bộ Giao thông- Vận tải đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc thực hiện việc mua thông tin để sử dụng cho công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Hi vọng, cơ chế này sẽ tiếp tục khuyến khích người dân tích cực phản ánh, thông tin các vi phạm trong lĩnh vực giao thông nói chung, trong đó có vi phạm về tải trọng phương tiện đến với các lực lượng chức năng để xử lý theo quy định.

Nguyễn Lê Trọng (43 tuổi), Cần Thơ: Thưa Phó chủ nhiệm, siết chặt quản lý và kinh doanh vận tải là vấn đề chính sách, vấn đề xử lý đối với doanh nghiệp chứ không phải là xử lý từng vụ việc cụ thể?


Phó chủ nhiệm Lê Việt Trường: Như tôi đã nói, pháp luật đã quy định về việc xử lý đối với người kinh doanh vận tải trong trường hợp buộc người làm công cho mình (lái xe) chở quá tải trọng. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Giao thông- Vận tải và Bộ Công an cần phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương tập trung, xử lý quyết liệt cả lái xe thực hiện hành vi vi phạm và cả người kinh doanh vận tải có liên quan.

Lưu Ngọc Hà, Tĩnh Gia, Thanh Hóa: Theo Ông, cần có giải pháp gì để siết chặt quản lý việc xe quá khổ quá tải lưu hành thường xuyên trên nhiều tuyến đường quan trọng gây mất ATGT, cũng như ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thời gian qua?

Phó cục trưởng Nguyễn Hữu Dánh: Công tác kiểm soát tải trọng xe là một trong những nội dung của công tác bảo đảm TTATGT. Vì vậy, muốn làm tốt công tác kiểm soát tải trọng xe cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm của công tác bảo đảm TTATGT đã được QH, Chính phủ và Bộ Công an, Bộ Giao thông - Vận tải đề ra. Đó là việc kiểm soát xử lý vi phạm quá tải tại nơi xuất phát để xử lý, ngăn chặn kịp thời xe ô tô chở hàng quá tải trước khi lưu thông trên nhiều tuyến đường. Đồng thời đình chỉ hoạt động của các xe tự ý cải tạo, cơi nới khung hàng để chở hàng quá quy định.

Đối với lực lượng cảnh sát giao thông, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng là người điểu khiển xe ô tô tải, xe ô tô kéo rơ- mooc vi phạm chở hàng quá tải trọng thiết kế của xe, chở quá tải trọng quá khổ giới hạn của cầu đường, xe vận tải hàng siêu trọng. Kiểm tra, lập biên bản đối với các chủ xe, giao hoặc để cho người làm công, lái xe thực hiện các hành vi vi phạm; kiểm tra các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác kinh doanh vận tải hàng hóa, khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không, nhà ga, khai thác mỏ, thi công xây dựng, kho bãi bốc xếp hàng hóa, bến xe ô tô để kiến nghị khắc phục những tồn tại trong khâu quản lý và cam kết.

Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục phối hợp với ngành giao thông vận tải thực hiện nghiêm túc kế hoạch 12593 của liên bộ Giao thông- Vận tải, Công an về kiểm soát tải trọng xe. Đồng thời, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát điều tra, tăng cường công tác nắm tình hình, xác lập chuyên án để đấu tranh, xử lý các hành vi bảo kê, mô giới, dẫn dắt tiếp tay cho hoạt động xe quá khổ, quá tải.

Lê Thị Vân, TP Đà Nẵng: Tình trạng “xe dù bến cóc” thực tế vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Việc xử lý tình trạng xe dù, bến cóc thời gian qua chưa thật sự quyết liệt là do thiếu chế tài xử lý hay do khâu tổ chức thực hiện chưa nghiêm, thưa Ông?

Chánh văn phòng Nguyễn Trọng Thái: Về hình thức, hoạt động xe dù được hiểu theo quy định của pháp luật là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có đăng ký, giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định. Tuy nhiên, thực tế xe dù không đơn thuần là xe hoạt động không có đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh vận tải mà thường biến tướng, đội lốt dưới danh nghĩa vận tải hành khách có đầy đủ chức năng như: xe vận chuyển khách du lịch, du lịch lữ hành. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách du lịch cũng "vịn" vào các phù hiệu vận tải hành khách theo hình thực hợp đồng du lịch lữ hành để đón, trả khách ở một điểm cố định.

Các "bến cóc" thường tập trung ở khu vực công cộng, như gần các bến xe khách liên tỉnh; các chợ trung tâm; bệnh viện lớn; các tuyến quốc lộ, các địa điểm gần nơi doanh nghiệp kinh doanh vận tải đồn trú.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng xe dù, bến cóc còn tồn tại ở một số địa phương mà chưa được xử lý dứt điểm là do thiếu các cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bảo đảm TTATGT; quản lý vận tải.Tới đây, để xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, trước mắt, các cơ quan chức năng cần tổ chức các điểm đón, trả khách phù hợp với hạ tầng giao thông, nhu cầu đi lại của người dân; thực hiện các cải cách về quy trình, thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động; sớm phê duyệt và công bố quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. Đồng thời, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định.

Trần Trung Hà (45 tuổi), Hải Phòng: Thưa Phó cục trưởng, tôi là người dân, tôi chỉ thấy nếu cảnh sát giao thông thực hiện nghiêm thì việc quản lý vào nền nếp, nếu buông lỏng thì xảy ra quá khổ, quá tải thường xuyên. Vậy vai trò của cảnh sát giao thông trong việc siết chặt quản lý là như thế nào?

Phó cục trưởng Nguyễn Hữu Dánh: Việc siết chặt quản lý về chở hàng quá tải trọng không chỉ riêng của lực lượng cảnh sát giao thông mà còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý về vận tải. Nếu ở đó các giám đốc vận tải ô tô, giám đốc các cảng biển, cảng thủy nội địa, các chủ doanh nghiệp vận tải ô tô mà thực hiện nghiêm túc không cho xếp hàng quá tải trọng lên xe trước khi lưu thông trên đường thì việc vi phạm quá tải trọng sẽ không xảy ra.

Lực lượng cảnh sát giao thông với chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi đã tăng cường tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hàng vi vi phạm về TTTATGT nói chung, trong đó có hành vi vi phạm chở quá tải trọng cho phép. Do vậy, tình hình TTATGT trong thời gian qua đã giảm cả ở 3 tiêu chí là số vụ tại nạn, số người chết và số người bị thương.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng một số lái xe, chủ xe vẫn cố tình lén lút hoạt động vào ban đêm, đi vào các tuyến đường liên xã, liên huyện để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi đã chỉ đạo công an các địa phương huy động các lực lượng cảnh sát khác phối hợp với cảnh sát giao thông để kiểm tra, xử lý ngay tại nơi xuất phát, nơi tập kết hàng và trên các tuyến đường liên xã, liên huyện. Phấn đấu đến hết năm 2015 tình trạng xe chở quá khổ, quá tải tham gia giao thông sẽ được giảm hẳn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyễn Nam, TP Vinh, Nghệ An: Thực tế cho thấy, một số phương tiện chở quá trọng tải nhiều lần nhưng bằng cách này, cách khác vẫn có thể “lọt” qua được các trạm cân. Ông lý giải việc này như thế nào?

Chánh văn phòng Nguyễn Trọng Thái: Trong thời gian qua, sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng với nhiều giải pháp đồng bộ, vấn đề xe quá tải từng bước được kiểm soát, tình trạng xe chở quá tải đã giảm hẳn, nhất là vận tải đường dài, vận chuyển container không còn ngang nhiên chạy như trước. Tuy nhiên, tại một số ít địa phương vẫn còn tình trạng xe chở quá tải trốn, né trạm cân, lén lút hoạt động, nhất là thời điểm ban đêm; một số chủ doanh nghiệp vận tải chạy theo lợi nhuận, buông lỏng quản lý, khoán trắng cho lái xe; công tác xử lý vi phạm về điều kiện kinh doanh, TTATGT còn chưa triệt để, thiếu nghiêm minh. Để khắc phục tình trạng này, cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp như tôi đã nêu ở trên. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trên những địa bàn phức tạp về xe quá tải.

Trấn Hà (38 tuổi), TP Hồ Chí Minh: Thưa Phó cục trưởng, đối tượng vi phạm trong kinh doanh vận tải là ai? Làm thế nào để xử lý nghiêm những vụ vi phạm?

Phó cục trưởng Nguyễn Hữu Dánh: Đối tượng vi phạm trong kinh doanh vận tải hàng hóa chủ yếu là lái xe, chủ xe, chủ hàng. Muốn xử lý nghiêm trước hết phải tăng cường tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đối với các vi phạm của cá nhân và tổ chức chở quá tải trọng trên từ 40% trở lên thì mức phạt hiện nay rất nặng so với nghị định 171 trước đây. Ví dụ trước đây, nghị định 171 quy định cá nhân chở quá tải trọng bị phạt 4 triệu đồng và tổ chức là 8 triệu. Nhưng hiện nay đối với cá nhân vi phạm chở quá trọng tải vượt trên 40% đến 60% phạt từ 12 - 14 triệu đồng và tổ chức phạt từ 24 - 28 triệu đồng. Nếu chở vượt trên 60% đến 100% thì cá nhân phạt từ 14 - 16 triệu đồng và tổ chức từ 28 - 32 triệu đồng. Nếu chở vượt trên 100% thì cá nhân phạt từ 16 - 18 triệu đồng, tổ chức phạt từ 32 - 36 triệu đồng.

Nguyễn Bá (35 tuổi), Đà Nẵng: Tôi là cử tri, tôi xin kiến nghị Phó chủ nhiệm Lê Việt Trường là QH nên tiến hành giám sát kết quả thực hiện pháp luật về giao thông, trong đó có vấn đề kinh doanh vận tải. Như vậy cử tri mới có thể nghe được tiếng nói từ đại biểu về vấn đề này?

Phó chủ nhiệm Lê Việt Trường: Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của cử tri là các cơ quan của QH cần tăng cường chức năng giám sát của mình. Thực tế, trong những năm gần đây, QH đã yêu cầu Chính phủ có báo cáo riêng về tình hình thực hiện Nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn đối với vấn đề bảo đảm TTATGT. Tại Kỳ họp này, QH cũng đã nhận được báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về vấn đề này.

Tuy nhiên, trước tình hình số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông trong Quý I có giảm nhưng số vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người có chiều hướng gia tăng, tôi sẽ chuyển ý kiến của cử tri đến QH để QH xem xét tiến hành giám sát tối cao về vấn đề này nhằm có những quyết định đủ mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt trong bảo đảm TTATGT.

Nguyễn Văn Huy, Đà Nẵng: Có ý kiến cho rằng, việc xử lý vi phạm hành chính là không đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe hoặc nhiều lần tái phạm hành vi chở hàng quá tải trọng trên 150% mà cần phải hình sự hóa các hành vi này. Ông bình luận gì về ý kiến này?

Chánh văn phòng Nguyễn Trọng Thái: Như tôi đã nói ở trên, hiện nay Bộ Giao thông- Vận tải đang chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 171 và Nghị định 107. Trong đó, đối với các hành vi tái phạm các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, chở hàng quá tải trọng trên 150% thì sẽ tăng mức xử phạt tiền. Vì đây là các hành vi vi phạm rất nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông và làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông. Vì vậy, việc tăng mức xử phạt cao, tăng thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe... sẽ là biện pháp đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe. Ngoài ra, còn áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với các chủ doanh nghiệp theo Thông tư số 10/201/TT-BGTVT của Bộ Giao thông- Vận tải.

Phó chủ nhiệm Lê Việt Trường: Tôi cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này cần nghiên cứu để có thể bổ sung một số hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân và pháp nhân đối với một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Ý kiến để xuất của cử tri là rất đáng được quan tâm. Bởi vì, vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, tái phạm hành vi chở hàng quá tải trọng trên 150% đều là những hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của con người.

Hoàng Tuấn Ngọc, Hà Nội: Thực hiện Nghị định 171, từ 10.4.2015, trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe gắn máy bắt buộc đội mũ bảo hiểm cài quai đúng quy cách. Xin ông cho biết quá trình triển khai quy định này trong thời gian qua như thế nào? Vì sao mà vẫn còn một số phụ huynh biết quy định phạt nhưng vẫn không chấp hành?

Chánh văn phòng Nguyễn Trọng Thái: Ngày 31.12.2014, Ủy ban ATGT quốc gia đã ban hành Kế hoạch 419/KH-UBATGTQG thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em năm 2015. Công tác chỉ đạo, kế hoạch được các Bộ, ngành và Ban An toàn giao thông địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn giao thông, nhất là đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện cho học sinh, vận động phụ huynh học sinh đội mũ bảo hiểm cho con. Một số Sở Giáo dục và Đào tạo làm tốt như Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...

Cùng với đó, Cục Cảnh sát giao thông chỉ đạo CSGT các địa phương tuyên truyền, nhắc nhở học sinh, phụ huynh học sinh đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Công tác tuyên truyền cũng được các báo, đài trung ương và địa phương tích cực tham gia.

Kết quả chung, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm trẻ em tăng lên từ 38% lên 68%, trong đó có nhiều địa phương đạt tỷ lệ 80%- 90%. Đồng thời, Ủy ban ATGT quốc gia đã phát động chương trình hỗ trợ mũ bảo hiểm cho trẻ em, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo. Theo thống kê các tổ chức, doanh nghiệp đã cam kết hỗ trợ 100.000 mũ bảo hiểm được trao; Ủy ban ATGT quốc gia đã phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức trao mũ bảo hiểm cho học sinh tiểu học và THCS tại một số địa phương như Ý Yên (Nam Định), Nam Đàn (Nghệ An), Phủ Lý (Hà Nam)...

Tuy nhiên, do việc tuyên truyền, giáo dục, xử phạt nhiều nơi còn hạn chế, cùng với ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, chưa nhận thức được nguy cơ hiểm họa xảy ra đối với trẻ em không đội mũ bảo hiểm nên vẫn còn tình trạng chưa chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em.

Thu Phương, Thuphuong.tran.vnc@gmail.com: Pháp luật đã có quy định về hành vi sử dụng rượu, bia tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền cả chủ xe và lái xe. bị tạm giữ phương tiện. Nhưng thực tế có lúc, có nơi thì vẫn xảy ra tình trạng người lái xe điều khiển phương tiện khi đang say xỉn và thường xuyên tái phạm. Theo ông, làm thế nào để hạn chế tối đa các trường hợp này?

Chánh văn phòng Nguyễn Trọng Thái: Hiện nay, tình trạng người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm về nồng độ cồn còn diễn ra khá phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông tại nước ta. Các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia thường bị hậu quả nặng hơn.

Để hạn chế tình trạng này, Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với lái xe; tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện; hậu quả của các vụ tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra. Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam tiếp tục nhân rộng mô hình "Điểm kinh doanh bia, rượu an toàn giao thông" tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động và tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trình lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia vào tháng 6 này.

Cục Cảnh sát giao thông tiếp tục chỉ đạo các lực lượng trong ngành huy động lực lượng phương tiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm TTATGT có dấu hiệu tội phạm, nhất là các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng để tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa chung.

Bộ Giáo dục- Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các nhà trường, tổ chức Đoàn các cấp tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về nồng độ cồn đối với cán bộ, giáo viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh sinh viên bằng nhiều hình thức.

Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế phối hợp thực hiện quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện. Đặc biệt là xét nghiệm các định nồng độ cồn trong máu của trường hợp bị tai nạn giao thông đưa vào bệnh viện cứu chữa.

Bộ Thông tin truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình tuyên truyền pháp luật về TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tuyên truyền vận động lái xe các doanh nghiệp vận tải chấp hành các quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Bùi Lê Nguyên (57 tuổi), Thanh Hóa: Thưa ông Thái, siết chặt quản lý là xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm cụ thể hàng ngày. Vậy theo ông đâu là yếu tố quyết định để Bộ siết chặt quản lý trong lĩnh vực quan trọng này?

Chánh văn phòng Nguyễn Trọng Thái: Để xử lý triệt để tình trạng xe chở quá tải trọng lưu thông cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Bao gồm: bố trí các điểm kiểm tra tải trọng xe lưu động hợp lý và hiệu quả, hoạt động 24/7, trong đó nòng cốt là lực lượng cảnh sát giao thông; tập trung xử lý ngay tại nơi xuất phát như kho, cảng, mỏ vật liệu... để ngăn chặn kịp thời các hành vi chở quá tải trước khi xe lưu thông; xử lý vi phạm về kích thước thùng xe; kiểm tra việc thực hiện tại các điểm kiểm tra trọng tải xe lưu động, tập trung tại các địa phương nơi xe quá tải diễn biến phức tạp; thực hiện các giải pháp tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải đường sắt, đường biển, đường hàng không... để giảm áp lực cho vận tải đường bộ; tăng phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền các quy định pháp luật về vận tải hàng hóa đường bộ;...

Đặng Thái Châu, Ba Đình, Hà Nội: Theo Phó chủ nhiệm, để thực hiện được các mục tiêu mà Nghị quyết của QH đề ra về giảm thiểu tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí, về kiểm soát chặt chẽ vấn đề tải trọng thì ngoài việc tuân thủ nghiêm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông, thời gian tới Chính phủ, QH cần phải có những định hướng, giải pháp cụ thể như thế nào?

Phó chủ nhiệm Lê Việt Trường: Theo tôi, để thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết QH đã đề ra, thời gian tới, Chính phủ cần tập trung vào một số giải pháp sau:

- Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, xây dựng văn hóa giao thông gắn với các hoạt động của đời sống xã hội.

- Tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm soát và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, trong đó có vi phạm về tải trọng xe.

- Nâng cao trách nhiệm và đạo đức công vụ của đội ngũ những người làm công tác chuyên trách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trước hết, trong lĩnh vực quản lý nhà nước, lực lượng thanh tra giao thông và lực lượng cảnh sát giao thông.

- Nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa Bộ Giao thông- Vận tải, Bộ Công an và chính quyền các địa phương trong việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về giao thông, nhất là trong trao đổi thông tin để xử lý các hành vi vi phạm.

ĐBND: Bạn đọc thân mến! Nhìn vào con số hơn 10.000 người chết và bị thương trong 4 tháng đầu năm 2015 cho thấy tai nạn giao thông đang rình rập, hàng ngày, hàng giờ, đe dọa tính mạng người tham gia giao thông. Với chủ đề “Thực hiện pháp luật an toàn giao thông - Quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, các khách mời cùng bạn đọc nhìn nhận về thực trạng công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; công tác thực thi pháp luật về an toàn giao thông, trong đó có vấn đề quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện… Qua đó, phân tích các nguyên nhân tồn tại, khuyến nghị các sáng kiến, giải pháp chấn chỉnh trong các lĩnh vực, vấn đề này.

Tại cuộc giao lưu này, Báo Đại biểu nhân dân đã nhận được rất nhiều câu hỏi tâm huyết của bạn đọc gửi tới 3 vị khách mời với mong muốn hoàn thiện các quy định của pháp luật; các sáng kiến, giải pháp đột phá để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo đảm hoạt động vận tải thông suốt, lành mạnh, đúng quy định, các giải pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông.

Thời gian dành cho giao lưu trực tuyến có giới hạn, Báo ĐBND xin trân trọng cám ơn bạn đọc đã quan tâm, gửi câu hỏi giao lưu. Xin hẹn bạn đọc vào lần giao lưu tiếp theo.

Phó chủ nhiệm Lê Việt Trường: Thay mặt các khách mời, chân thành cảm ơn bạn đọc của Báo ĐBND.

ĐBND