Giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường

- Chủ Nhật, 13/09/2020, 09:09 - Chia sẻ
“Được sống trong môi trường xanh, sạch, đẹp là niềm vui, là hạnh phúc của mọi người. Song mơ ước đó được thể hiện và hữu dụng nhiều nhất là dành cho trẻ em. Khi được sống trong bầu không khí trong lành, trẻ sẽ có cơ hội phát triển tốt nhất. Cho nên, cùng với việc tuyên truyền cho người lớn, thì cũng cần giáo dục cho trẻ ý thức bảo vệ môi trường”. Đó là lời khuyên của nhà văn Hoàng Anh Tú, tác giả cuốn sách “Giải cứu trái đất trong 365 ngày”.

Tạo giá trị cho cuộc đời

Chia sẻ tại tọa đàm sáng 12.9 nhân dịp ra mắt cuốn sách “Giải cứu trái đất trong 365 ngày”, tác giả Hoàng Anh Tú cho rằng, giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường là một công việc cần được sự ủng hộ từ các gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Khi trẻ được dạy dỗ, hướng dẫn, tạo thành thói quen, nề nếp tốt trong sinh hoạt, chúng sẽ hiểu được tác hại của các hành vi gây nguy hại đến môi trường, việc bảo vệ môi trường vì thế sẽ đạt hiệu quả rất cao.

Bảo vệ môi trường không phải là những công việc lớn lao như chữa cháy ở Australia, ngăn chặn băng tan tại Bắc cực, mà chúng ta có thể làm nhiều điều nhỏ cho chính cộng đồng mình, khu vực mình đang sống, trong lớp học hay ngôi nhà mình. “Tại khu chung cư tôi đang ở, cứ mỗi cuối tuần, tất cả trẻ em, người già, mọi lứa tuổi cùng xuống khuôn viên nhặt rác. Nếu công việc này được duy trì thường xuyên, tôi nghĩ đây sẽ là bài học bổ ích cho con cái chúng ta”, tác giả Hoàng Anh Tú nói.

Tọa đàm "Giải cứu trái đất trong 365 ngày" bàn giải pháp giáo dục trẻ bảo vệ môi trường
Tọa đàm "Giải cứu trái đất trong 365 ngày" bàn cách giáo dục trẻ bảo vệ môi trường

Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, khi chúng ta dạy con em mình lòng hiếu nghĩa, sự biết ơn, chúng sẽ hiếu thuận với cha mẹ. Nhưng nếu chỉ dạy trẻ biết ơn đấng sinh thành thì lòng biết ơn ấy vô nghĩa, bởi nó quá ích kỷ.

“Nếu chúng ta dạy trẻ quan tâm đến mọi người và môi trường xung quanh, dạy cách chăm sóc môi trường, bảo vệ môi trường, trẻ sẽ biết ơn cuộc sống nhiều hơn. Chỉ khi đó, đứa trẻ mới có thể tham gia bảo vệ môi trường, thêm yêu động vật, yêu cây cối, và chắc chắn đó không phải là đứa trẻ bạo hành cha mẹ”, nhà văn Hoàng Anh Tú khẳng định.

Đồng quan điểm, anh Hoàng Quý Bình, người sáng lập Dự án “Đổi giấy lấy cây” (Green Life) cho hay, khi một đứa trẻ biết yêu môi trường, yêu thiên nhiên, chúng sẽ hình thành tính cách tử tế. Yêu môi trường hiểu rộng ra không chỉ yêu những người trong gia đình mà là cả cộng đồng. Tình yêu này rất thiêng liêng, giúp trẻ có thêm niềm tin trong cuộc sống, từ đó trưởng thành, vượt qua khó khăn và thách thức, tạo giá trị cho cuộc đời.

Thay đổi nhận thức

Cũng theo anh Hoàng Quý Bình, có nhiều cách để dạy trẻ yêu môi trường, trong đó có việc thay đổi nhận thức, hình thành thói quen cho trẻ. Khi thói quen đã trở thành nếp sống, thì hành vi bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác thải, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa rác thải nhựa, theo cách Green Life vẫn làm, “sẽ là thước đo xác định nhân cách của trẻ, hình thành lối sống tiến bộ, có trách nhiệm với xã hội, yêu quý, trân trọng giá trị của thiên nhiên, ở một hành tinh xanh, trái đất tươi đẹp”.

Đưa ra lời khuyên cho việc hình thành lối sống tiến bộ, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, mỗi người hãy thay đổi từ nhận thức, sau đó là thói quen và cuối cùng là hành động để hình thành nên nhân cách. “Sự tử tế của mỗi đứa trẻ bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, như không xả rác bừa bãi. Hoặc ít nhất, biết cách biến không gian sinh hoạt của gia đình mình trở nên sạch sẽ hơn, trong lành, đáng sống, chính là góp phần “giải cứu trái đất” rồi. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen rất khó, không chỉ đối với các bạn nhỏ mà đối với cả người lớn”.

Cuốn sách giúp thay đổi thói quen trong việc bảo vệ môi trường sống
Cuốn sách giúp thay đổi thói quen trong việc bảo vệ môi trường sống

Với Hoàng Anh Tú, “không muốn làm sẽ thấy lý do, muốn làm sẽ thấy giải pháp. Nếu chúng ta muốn làm, hãy tự tạo dựng cho mình những thói quen. Có thể làm liên tục một công việc trong vòng 21 ngày, để biến nó thành thói quen, thành phản xạ tự nhiên. Như những câu thơ trong cuốn sách ‘Giải cứu trái đất trong 365 ngày’: Tắt điện khi không xem/ Rút điện khi không dùng… Thay đổi chính mình và những người xung quanh mình”.

“Những điều tưởng như rất nhỏ này sẽ dần tạo thành thói quen, không chỉ cho việc bảo vệ môi trường mà hình thành tính cách đẹp trong cuộc sống của mỗi đứa trẻ, đem đến nhiều điều bổ ích và có ý nghĩa”, Hoàng Anh Tú nói.

"Tiếp xúc với Đại sứ Môi trường của Thụy Điển trong một sự kiện văn hóa, tôi được biết, chính bà đã làm thay đổi suy nghĩ của các thành viên trong gia đình mình bằng các giải pháp tiết kiệm tiền. Sau đó, họ đã dùng số tiền từ các hoạt động bảo vệ môi trường để du lịch hoặc làm những công việc có ý nghĩa.

Đối với cộng đồng, ngay khi Green Life xây dựng dự án, chúng tôi đã hướng đến một bộ phận người không quan tâm đến môi trường. Khuyến khích họ bằng quà tặng, là cây xanh hay các sản phẩm nhỏ, thân thiện, gần gũi với môi trường. Khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường trong thời gian nhất định, mỗi người sẽ hình thành cho mình thói quen, cùng nhau chia sẻ thêm nhiều câu chuyện lý thú xung quanh công việc đầy ý nghĩa này”.

Người sáng lập Dự án Green Life Hoàng Quý Bình

Hương Sen