Giáo dục thật thà
Điều Bác Hồ đặc biệt quan tâm là đức tính thật thà. Bởi vì có thật thà thì mới có thể dạy tốt và học tốt. Hay nói cách khác, muốn dạy tốt và học tốt là phải dạy thật và học thật…
“Bản thân phải trung thực”
Một buổi sáng Chủ nhật, Bác Hồ đi dạo trong vườn Phủ Chủ tịch, tới gần Cổng đỏ, thấy có tiếng ồn ào phía ngoài cổng vọng vào. Hóa ra đang có tranh luận giữa đồng chí cảnh vệ với cô giáo mẫu giáo. Chuyện bắt đầu từ việc cô giáo đưa các cháu đi tham quan Quảng trường Ba Đình, đi qua cổng đỏ, cô giới thiệu: “Bác Hồ ở trong này”, vậy là các cháu nhao nhao đòi vào thăm Bác. Chiều các cháu, cô giáo đưa các cháu tới trình bày với đồng chí cảnh vệ. Tất nhiên, cảnh vệ không giải quyết cho vào, đúng lúc ấy thì Bác đi dạo tới. Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ: “Sáng nay Bác đang rảnh, chú ra nói chú cảnh vệ cho các cháu vào chơi với Bác”. Được đồng chí Vũ Kỳ thông báo, cả đồng chí cảnh vệ và cô giáo đều vui. Còn các cháu, khi thấy cánh cổng vừa mở ra đã chạy ào vào ôm lấy Bác đang tươi cười chào đón.
Trong lúc chạy, một bé bị bạn xô ngã, vừa bò dậy vừa thút thít khóc. Cô giáo vội chạy lại đỡ, vừa phủi quần áo cho cháu, cô vừa nựng: “Con mau nín đi, lát nữa vào nhà Bác, cô sẽ cho con xem thỏ”. Tình cờ nghe lời cô giáo dỗ cháu bé, Bác đi nhanh tới hàng cây hoa hồng trồng ven đường, lựa bẻ lấy một bông hoa nhỏ, Người cẩn thận bẻ hết mấy cái gai ở cành hoa, rồi ân cần đưa cháu bé: “Bác tặng cháu bông hồng này, nhà Bác không nuôi thỏ đâu”. Quay sang cô giáo đang đứng bên cạnh, Bác nhẹ nhàng: “Cô có biết nhà Bác nuôi thỏ hay không mà hứa với cháu bé. Tâm hồn các cháu như tờ giấy trắng, điều đầu tiên người lớn phải dậy các cháu là tính trung thực cháu ạ”.
Theo Bác Hồ, trung thực - thật thà là nét đạo đức vô cùng đáng quý, vốn được coi như một “tiêu chí” khi xem xét, đánh giá nhân cách của mỗi người. Tính trung thực được hình thành và nuôi dưỡng từ môi trường gia đình, trường học. Ở câu chuyện trên, Bác Hồ đã nhắc nhở cô giáo hai điều: Cần dạy học sinh trung thực và bản thân mình phải trung thực.
![]() |
Muốn dạy tốt, phải dạy thật
Tháng 4 năm 1952, trong thư gửi giáo sư và sinh viên Trường dự bị đại học ở Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc. Vậy giáo dục cần nhằm vào mục đích là thật thà phụng sự nhân dân.
Các cháu thì học tập cần gắn liền với thực hành để mai sau thực hiện mục đích cao quý: Thật thà phụng sự nhân dân.
Trong phong trào toàn dân thi đua, chắc rằng ở trường cũng thi đua. Thầy thi đua dạy, trò thi đua học. Thầy và trò thật thà đoàn kết và dùng cách dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình) để giúp nhau tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi”.
Từng là nhà báo, và tự nhận là nhà cách mạng chuyên nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cách nói, cách viết rất ngắn gọn, dễ hiểu. Nhưng ở bức thư này, chỉ với hơn 200 từ, Người đã 4 lần nhắc lại 2 từ thật thà khi nói về mục đích và cách dạy, cách học của thầy và trò. Rõ ràng là, những dòng thư trên cho thấy, điều Bác đặc biệt quan tâm là đức tính thật thà. Bởi vì có thật thà thì mới có thể dạy tốt và học tốt. Hay nói cách khác, muốn dạy tốt và học tốt là phải dạy thật và học thật.
“Thật thà yêu nghề mình”
Năm 1961, trong thư gửi thiếu niên nhi đồng toàn quốc, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong, Bác nêu cần thực hiện 5 điều: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh. Thật thà, dũng cảm”. Xem như thế, thấy rằng Bác Hồ cực kỳ quan tâm đến việc rèn luyện thực hành đức tính thật thà trong thầy và trò.
Ngày 21.10.1964, thăm và nói chuyện với giáo viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại một lần nữa nhắc lại yêu cầu thật thà: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình”.
|
Trở lại ngay từ những ngày kháng chiến chống Pháp gian khổ, tháng 3.1947, trong tác phẩm Đời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò của giáo dục đức tính trung thực, thật thà trong các trường học: “Từ tiểu học, trung học cho đến đại học, là nơi rèn luyện nhi đồng và thanh niên. Óc những người trẻ tuổi trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà”.
Cả cuộc đời mình, Bác Hồ luôn quan tâm nhắc nhở đối với việc xây dựng sự trung thực, thật thà trong dạy và học. Hơn lúc nào hết, để thực sự học tập và làm theo Bác, chúng ta hãy trở lại với việc thực hiện sự thật thà trong nhà trường, vượt qua nỗi ám ảnh chạy theo chỉ tiêu, thành tích… đang trở thành căn bệnh trầm kha hiện nay. Cần bắt đầu từ nhà trường, bởi nhà trường là “máy cái” của cả hệ thống dạy chữ, dạy người.