Giáo dục qua trải nghiệm di sản

- Thứ Năm, 03/10/2013, 08:06 - Chia sẻ
Năm học 2012 - 2013, ngành giáo dục đã thực hiện thí điểm sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông tại 7 tỉnh, thành phố, đem lại những tác động tích cực. Tuy nhiên, để hoạt động này có thể triển khai đại trà và đạt hiệu quả cao hơn, trước hết cần hiểu đúng và tiếp cận đầy đủ khái niệm giáo dục (bằng) di sản.

Khái niệm giáo dục truyền thống xưa nay vẫn được hiểu là quá trình giáo dục lịch sử, giáo dục chính trị. Các dự án mới đã cho thấy, khái niệm giáo dục truyền thống có thể mở rộng thêm nội hàm là giáo dục qua di sản. Nói cách khác, khái niệm giáo dục thông qua di sản có nghĩa rộng hơn, gồm giáo dục di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể), di sản thiên nhiên; giáo dục di sản văn hóa trong đó bao hàm cả giáo dục truyền thống. Theo PGs, Ts Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, giáo dục di sản văn hóa chính là giáo dục về những di sản xung quanh chúng ta, các di sản xung quanh trường học. Nơi đâu có làng bản, cộng đồng dân cư, ở đó có di sản và những tri thức về di sản, ký ức về di sản, về lịch sử: đó là ngôi làng, miếu thờ hay ngôi nhà của mình; là những thửa ruộng bậc thang hay ruộng thổ canh hốc đá; là các tri thức dân gian về thời tiết, ẩm thực, sản xuất, nghề thủ công, phong tục tập quán... “Di sản quanh ta có nghĩa là di sản của từng địa phương. Với những di sản nhỏ nhất, tưởng như chỉ liên quan đến một nhóm cộng đồng thôi nhưng đó chính là cuộc sống của họ. Những người sống trên mảnh đất ấy phải hiểu di sản của chính mình, phải biết khai thác di sản của mình cho các mục tiêu khác nhau, trong đó có mục tiêu dạy học” - PGs, Ts Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.


Nguồn: pgdlanggiang
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (CCH), Ts Lê Thị Minh Lý, vấn đề giáo dục trải nghiệm di sản tại Việt Nam đã được triển khai thực hiện từ lâu, nhưng bây giờ mới đặt ra phương pháp để dạy lâu dài, thường xuyên. Không phải mọi di sản đều có thể sử dụng dạy học trong bất kỳ tình huống nào, điều căn bản là phải tìm cách thức giúp giáo viên nhận biết di sản gần nhà trường để dạy học một cách thường xuyên, linh hoạt với sự tham gia của toàn xã hội. “Có nhiều cách tiếp cận giáo dục trải nghiệm di sản và chúng được áp dụng rất linh hoạt vào các chương trình hoạt động trong nhà trường. Tùy theo hoàn cảnh và đối tượng mà khuyến khích các hình thức giáo dục di sản khác nhau. Ở thành phố, giáo dục ở các bảo tàng, các di tích lịch sử văn hóa là quan trọng. Ở vùng núi, vùng xa xôi hẻo lánh không có bảo tàng, xa các di tích thì các di sản vật thể và phi vật thể (những con người nắm giữ các tri thức và nghệ thuật dân gian), di sản thiên nhiên (rừng, núi, sông suối, thác nước...) ở xung quanh trường trở thành nguồn khai thác vô tận và sinh động với nhà trường và học sinh. Mỗi đối tượng có hình thức khai thác riêng nhưng đều có điểm chung là giáo viên tạo ra những hoạt động trải nghiệm cho học sinh, giúp học sinh chủ động khám phá hình thức, nội dung ẩn chứa bên trong các di sản ấy”. Ts Lê Thị Minh Lý lưu ý thêm, sử dụng di sản để dạy học không có nghĩa là học di sản. Ví dụ, chúng ta không bắt học sinh học hát xoan, ca trù..., mà trước hết phải dạy các em biết thế nào là hát xoan, thế nào là ca trù. Và trên mỗi loại hình di sản ấy có gì hay và tại sao lại hay, nó được lưu truyền như thế nào...

Thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động đưa di sản vào trường học khá thành công, như: Bắc Ninh, Nghệ An có phong trào đưa dân ca vào trường học; Phú Thọ tổ chức cho học sinh tìm hiểu hát xoan; tại Lạng Sơn, học sinh được làm quen với đàn tính, hát then... Nhiều trường phổ thông tại Hà Nội đưa học sinh tới tham gia Câu lạc bộ Em yêu lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để học lịch sử qua hệ thống bảo tàng... Năm học 2012 - 2013, ngành giáo dục đã thực hiện thí điểm sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông tại 7 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Hà Nội, Thừâa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên đã tích cực sử dụng di sản trong dạy học trong các bài học cụ thể, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tổ chức học sinh dạy học trải nghiệm tại di sản.

Tuy nhiên, theo Ts Lê Thị Minh Lý, phần lớn các hoạt động giáo dục thông qua di sản và bảo tàng chưa mang tính đại trà, chưa trở thành hoạt động thực sự của nhà trường. Các địa phương, trường học còn loay hoay khi lựa chọn di sản đưa vào chương trình giáo dục trải nghiệm cho học sinh, trong khi di sản xung quanh ta. “Chúng tôi đã thử nghiệm giáo dục trải nghiệm di sản tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Thái Nguyên và Trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc, quận Cầu Giấy, Hà Nội, bằng việc gợi mở vấn đề, đặt câu hỏi, tạo cho các em cơ hội tự khám phá, tự trải nghiệm. Ở đây, vai trò của bảo tàng và những người làm công tác quản lý di tích rất quan trọng. Họ cũng phải nghiên cứu di sản để tìm ra khía cạnh di sản nào phù hợp cho trải nghiệm của học sinh. Bởi chúng ta không thể dạy học sinh tất cả mọi thứ, mà phải xem học sinh ở lứa tuổi nào cần gì và có thể dạy được gì. Giáo viên là người phát hiện trước, có tính chất gợi mở để học sinh tự tìm tòi, khám phá. Từ hoạt động đó, giáo viên, nhà quản lý di sản gián tiếp dạy học sinh biết cách tự tìm hiểu, trải nghiệm các di sản vật thể và phi vật thể khác xung quanh nhà trường, trong cộng đồng. Những bài học mà các em tự thu nhận được từ trải nghiệm thực tế chắc chắn sẽ đọng lâu trong trái tim các em. Giáo dục trải nghiệm di sản cũng là một cách tiếp cận mới để các em tự lĩnh hội kiến thức, đồng thời phát triển toàn diện nhân cách”.

Hương Sen