Đa số ĐBQH cho rằng, vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15.
Đặc biệt là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát trong điều kiện tăng lương tối thiểu ở mức cao; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã được Trung ương, Quốc hội cho phép.
Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), bài toán về giải ngân vốn đầu tư công mặc dù được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đạt kết quả tốt nhất.
Ước thanh toán giải ngân vốn kế hoạch năm 2024 đạt 37,01%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023; 31/41 bộ, cơ quan trung ương và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình chung của cả nước. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, đâu là do chính sách pháp luật, đâu là do tổ chức thực hiện? Giải pháp trong thời gian tới là gì?
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là trong lĩnh vực giáo dục. Theo một số đại biểu, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc in ấn, phát hành sách giáo khoa. Tình trạng thiếu trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chậm được khắc phục, đặc biệt ở nhiều địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều môn học, cấp học và ở nhiều địa phương…
Theo ĐBQH Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương), nói đổi mới, giảm tải chương trình giáo dục nhưng qua theo dõi thì chương trình của các em học sinh ngày càng nặng hơn ở các cấp, gây ra lãng phí cả về thời gian, cơ hội và quyền lợi của học sinh.
Bên cạnh đó là tình trạng nhiều bộ sách giáo khoa gây lãng phí hoặc tình trạng đóng các khoản học phí đầu năm học đặt gánh nặng lên vai những người lao động là công nhân, nông dân… Đây là các vấn đề cần phải được quan tâm.
ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, trong xã hội đầy biến động và thời đại công nghệ phát triển như vũ bão thì yêu cầu đặt ra đối với giáo dục là vô cùng quan trọng. Do đó, cần nhận diện đầy đủ để có giải pháp phù hợp và thực hiện quyết liệt nếu không sẽ bị tụt hậu so với thế giới.
Cùng chung quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) nêu ví dụ tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam sau khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân biệt mức độ phản ứng của người dùng gọi đến tổng đài thì ngay lập tức có 80 lao động đã bị mất việc làm. Từ đó, đặt ra cho các doanh nghiệp những yêu cầu rất lớn trong việc đào tạo, đào tạo lại cũng sắp xếp việc làm cho người lao động.
Các đại biểu đề nghị, cần tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường đào tạo nghề và nâng cao chất lượng giáo dục đại học; xây dựng chính sách thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Cùng với đó, cần hoàn thiện và triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học.