Một trong những hoạt động trọng tâm trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 tại Thành phố học tập toàn cầu Sơn La là hội thảo “Vai trò của giáo dục mầm non trong học tập suốt đời”, diễn ra sáng 7.10. Hơn 230 cán bộ quản lý giáo dục, hiệu trưởng, hiệu phó chuyên môn và giáo viên mầm non đến từ 20 trường mầm non trên địa bàn thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, đã tham dự hội thảo, cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với chủ đề này.
Giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực và phát triển con người. Giáo dục mầm non không chỉ là bước khởi đầu của quá trình học tập suốt đời mà còn là nền tảng vững chắc cho tương lai của mỗi công dân. Đây là giai đoạn trẻ phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và tình cảm. Những năm đầu đời là thời kỳ nhạy cảm nhất trong quá trình hình thành nhân cách, tư duy và thái độ sống. Vì thế, đầu tư vào giáo dục mầm non chính là đầu tư cho tương lai của xã hội.
Nhận thức được điều này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La Trần Công Chính khẳng định: “Với tầm nhìn của thành phố về một hệ thống giáo dục hiện đại, tiên tiến, đặc biệt trong bối cảnh Sơn La vừa gia nhập Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục mầm non, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học; đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để các cháu được phát triển toàn diện. Chính quyền thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, gia đình và nhà trường để xây dựng một môi trường giáo dục tốt nhất, giúp các cháu có một nền tảng vững chắc cho tương lai”.
Chia sẻ về vai trò của giáo dục mầm non trong học tập suốt đời, chuyên gia về giáo dục người lớn và học tập suốt đời Tống Liên Anh cho biết, các quốc gia tiên tiến đều coi trọng và đầu tư cho bậc học giáo dục mầm non. Chẳng hạn như Phần Lan - quốc gia được đánh giá là hạnh phúc nhất và có nền giáo dục tốt nhất thế giới, luôn dành sự ưu tiên để đem đến niềm vui trong học tập từ giai đoạn đầu đời của trẻ.
“Giáo dục mầm non Phần Lan lấy trẻ em làm trung tâm, mang đến cho trẻ một môi trường học tập hạnh phúc và tràn đầy cảm hứng. Bởi họ quan niệm, một đứa trẻ sẽ học tốt nhất khi chúng cảm thấy vui vẻ, hứng khởi. Học thông qua vui chơi và sáng tạo”, chuyên gia Tống Liên Anh nói.
Không chỉ đặt nền móng cho tương lai của mỗi công dân, giáo dục mầm non còn là khởi đầu cho học tập suốt đời. Bởi chính từ bậc học này sẽ hình thành cho trẻ thói quen, sự yêu thích việc học hỏi, khám phá thế giới xung quanh và không ngừng làm giàu tri thức cho bản thân.
Cũng chính bởi tầm quan trọng của giáo dục mầm non, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, chuyên gia Tống Liên Anh mong muốn mỗi thầy cô giáo ở bậc học này phải tự nhận thức được vai trò, sứ mệnh của mình, tìm ra phương pháp tốt nhất dẫn dắt học trò bước những bước đầu tiên trên hành trình phát triển bản thân và học tập suốt đời.
“Các cô giáo mầm non phải đóng rất nhiều vai, vừa là cô giáo, vừa là cô nuôi, vừa là bác sĩ, đồng thời lại phải là người bạn đồng hành với trẻ trong mọi hoạt động. Chỉ có yêu nghề, yêu trẻ, các cô mới có thể vượt qua được những khó khăn thường nhật, sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp trồng người”.
Cũng tại hội thảo, diễn giả cùng các thầy cô giáo đã chia sẻ, thảo luận về các phương pháp giáo dục mầm non phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, điều kiện kinh tế - xã hội địa phương; tìm hiểu về các mô hình giáo dục mầm non tiên tiến trên thế giới, như Laulau Learning - giáo dục thông qua hoạt động nghệ thuật của Phần Lan…