Giáo dục hoà nhập cho trẻ em khuyết tật: Cái gì cũng thiếu
Đó có lẽ là cụm từ hoàn toàn chính xác khi nói về hoạt động giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật trong nền giáo dục chung ở nước ta hiện nay. Giáo dục hoà nhập đã và đang thiếu từ cơ chế, đến giáo viên, giáo trình và đồ dùng, trang thiết bị dạy học, thậm chí cả học sinh khuyết tật vì các em ngại đến lớp bởi cảm thấy mình vẫn bị phân biệt...
Ông Đào Soát - Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết, do hậu quả của chiến tranh kéo dài và nhiều nguyên nhân khác nhau, Việt Nam hiện có đến 5,2 triệu người khuyết tật, chiếm 1,25% dân số. Mặc dù chương trình hoà nhập cho trẻ khiếm thị đã được Bộ GD-ĐT triển khai từ nhiều năm nay nhưng hiện vẫn gặp không ít khó khăn do cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa có trang thiết bị như sách giáo khoa chữ nổi, đồ dùng dạy học đặc thù, giáo viên phần lớn không biết chữ nổi và chưa được đào tạo... Việc giáo dục hoà nhập cho trẻ bị khiếm thị nói riêng, trẻ bị khuyết tật nói chung phụ thuộc rất nhiều vào Bộ GD-ĐT. Hiện nay, tại một số địa phương và trong một số trường, học sinh khuyết tật tuy được học hoà nhập nhưng nhà trường không đánh giá kết quả, không tổ chức thi, kiểm tra học tập mang tính chất dự thính. Điều này dẫn đến tình trạng trẻ khuyết tật cảm thấy bị phân biệt đối xử và có xu thế bỏ học.
Để khắc phục tình trạng này, Thạc sĩ Hoàng Thị Nho - Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, một trong những yếu tố làm nên thành công của gíao dục hoà nhập đó là việc đào tạo nhân lực. Cần phải có chiến lược đào tạo đội ngũ giáo viên cho công tác giáo dục trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, hiện nay việc đào tạo giáo viên chuyên ngành này sau khi ra trường sẽ làm việc trong trường chuyên biệt hay trường hoà nhập vẫn chưa rõ ràng. Tại các trường hoà nhập vẫn chưa có quy định biên chế dành cho giáo viên hỗ trợ có trình độ chuyên sâu về giáo dục trẻ khuyết tật, vì vậy số học viên đăng ký học tại Khoa Giáo dục đặc biệt của trường ĐHSP vẫn rất ít ỏi. Từ năm 1999-2006, mới có 83 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục cho trẻ khiếm thị, trong đó chỉ có 23 em được đào tạo hệ chính quy. Hoặc có nơi có giáo viên có trình độ chuyên môn dạy trẻ khuyết tật thì lại không có cơ sở vật chất phù hợp, thiếu tài liệu và phương tiện giảng dạy, nhất là các phương tiện đồ dùng dạy học đặc thù chuyên ngành. Đa số các giáo viên dạy tại các trường hoà nhập đều cho rằng cần có giáo viên dạy chuyên biệt và cần có một quy định biên chế hay chế độ cho những giáo viên này. Cô Đào Thị Minh Hằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Châu - Hưng Yên cho biết, tại trường cô có 7 học sinh khuyết tật học hoà nhập, giáo viên trong trường gặp không ít khó khăn như việc học tập của học sinh khiếm thị học chữ nổi nhưng đa phần giáo viên chưa được học chữ nổi, do vậy việc kiểm tra bài của học sinh phải thực hiện theo hình thức thi vấn đáp, song trong chương trình lại không có hình thức kiểm tra này nên không có thời gian để thực hiện tốt. Hay như với các em học sinh câm, điếc giáo viên cũng gặp không ít khó khăn trong việc ra hiệu cho các em hiểu bài. Nếu cứ chạy theo chương trình thì các em khuyết tật không tiếp cận được bài học dẫn đến bỏ học, chán học...
Trước những khó khăn trong việc dạy và học hoà nhập cho trẻ khuyết tật, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai cho biết, hiện tại Bộ GD-ĐT đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để có thể sớm trình Chính phủ Chiến lược giáo dục cho trẻ khuyết tật trong đó có quy chế về giáo dục khuyết tật, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh khuyết tật học hoà nhập. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang chỉ đạo Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục nghiên cứu và điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông sao cho phù hợp với đặc điểm, khả năng và nhu cầu của trẻ khuyết tật, đảm bảo cho các em có đủ kiến thức cơ bản để học lên cao hoặc học nghề, đồng thời trang bị thêm cho các em những kỹ năng sống đảm bảo các em hoà nhập cộng đồng và có khả năng sống độc lập. Trong định hướng phát triển đội ngũ giáo viên đến 2020, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra con số 100% sinh viên các trường sư phạm sẽ được đào tạo về giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật.
Mỗi năm chúng ta có một ngày dành cho người khuyết tật - ngày 18.4, tuy nhiên không phải chỉ có mỗi ngày này mà Nhà nước ta đã và đang dành nhiều điều kiện để người khuyết tật hoà nhập với cộng đồng. Vì thế, đã đến lúc Ngành Giáo dục cần sớm hoàn thiện cơ chế cho chương trình giáo dục hoà nhập của trẻ khuyết tật. Bởi, đưa được một trẻ em khuyết tật đến trường, học tập ổn định thì sẽ bớt đi một hoàn cảnh khó khăn, vì chỉ có tiếp cận cái chữ, để từ đó tiếp cận với kiến thức mới là điều kiện tốt nhất cho trẻ em khuyết tật vượt lên số phận, hoà nhập với cộng đồng...
Hoàng Nguyễn