Giáo dục Hàn Quốc trước bài toán cải cách
Dù đạt nhiều thành tựu giáo dục nổi bật, Hàn Quốc lại đang đứng trước yêu cầu phải cải cách sâu rộng lĩnh vực này, vì áp lực học tập và thi cử gây ra nhiều hệ luỵ xã hội.

Từ một quốc gia có 3/4 dân số không biết chữ vào năm 1945, Hàn Quốc đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành hình mẫu về đầu tư cho giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, tỷ lệ biết chữ hiện đạt 98,8%. Tuy nhiên, đằng sau con số ấn tượng này là những thách thức nghiêm trọng liên quan đến áp lực thi cử, bất bình đẳng và đòi hỏi cải cách để hướng đến một nền giáo dục bền vững, nhân văn hơn.
Hệ thống giáo dục tập trung
Hàn Quốc vận hành hệ thống giáo dục theo mô hình 6-3-3-4, gồm: 6 năm tiểu học bắt buộc, 3 năm trung học cơ sở, 3 năm trung học phổ thông và 4 năm đại học. Ngoài ra, trẻ em có thể theo học mẫu giáo trong 1–3 năm và cao đẳng nghề trong 2–3 năm. Giáo dục tiểu học và trung học cơ sở được nhà nước tài trợ toàn phần, còn bậc phổ thông và đại học yêu cầu đóng học phí.
Chịu sự điều hành trực tiếp của Bộ Giáo dục, chương trình học quốc gia được thiết kế theo hướng tập trung, song đang từng bước điều chỉnh để tăng cường sáng tạo, năng lực ngoại ngữ và tính hội nhập toàn cầu. Năm học được chia thành hai kỳ: từ tháng 3 đến tháng 7 và từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Đáng chú ý, việc học tập không dừng lại ở trường lớp chính quy. Học sinh Hàn Quốc thường học thêm ngoài giờ tại các trung tâm tư nhân (hagwon), kéo dài đến tối muộn.

Nền tảng cho kỳ tích kinh tế
Từ những năm 1960, giáo dục đã được Hàn Quốc xác định là động lực trọng yếu trong chiến lược phát triển quốc gia. Chi tiêu cho giáo dục thường xuyên chiếm khoảng 4% GDP, góp phần đào tạo một lực lượng lao động trình độ cao, phục vụ tiến trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Hàn Quốc hiện là một trong số ít quốc gia đạt thứ hạng cao trong các kỳ thi PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế ” do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện) về đọc hiểu, toán học và khoa học.
Một biểu hiện rõ nét của thành công giáo dục là tỷ lệ người trẻ có trình độ đại học thuộc nhóm cao nhất thế giới: gần 70% ở nhóm tuổi 24–35. Các trường đại học hàng đầu như Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Korea, Đại học Yonsei (gọi chung là nhóm SKY) là đích đến mơ ước, đóng vai trò then chốt trong việc định hình tương lai nghề nghiệp và vị thế xã hội của sinh viên.

Văn hóa học tập và áp lực thi cử
Trong bối cảnh văn hóa chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Nho giáo, việc học ở Hàn Quốc được xem là con đường quan trọng nhất để tiến thân. Niềm tin ấy đã nuôi dưỡng một xã hội chạy theo giáo dục, nơi mà chi tiêu cho học thêm chiếm từ 21–33% thu nhập hộ gia đình, với ngành công nghiệp hagwon trị giá 20 tỷ USD mỗi năm.
Kỳ thi đại học quốc gia (Suneung) không chỉ là cuộc thi tuyển sinh mà còn là sự kiện cấp quốc gia. Vào ngày thi, các chuyến bay được tạm dừng trong phần thi nghe để đảm bảo không ảnh hưởng đến thí sinh. Tuy nhiên, áp lực quá lớn từ kỳ thi này khiến nhiều học sinh phải học tới 16 tiếng mỗi ngày, dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần và thể chất.

Nhiều học sinh được ghi nhận đã tự tử vì căng thẳng học tập. Cạnh tranh gay gắt cũng làm gia tăng khoảng cách giữa các nhóm xã hội, khi con em gia đình khá giả có nhiều cơ hội tiếp cận với giáo dục chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó, chỉ khoảng 36,8% sinh viên sau đại học làm việc đúng chuyên ngành, cho thấy dấu hiệu bất cân xứng giữa đào tạo và nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Cải cách để tiến xa hơn
Trước những áp lực và bất cập trong hệ thống, chính phủ Hàn Quốc những năm gần đây đã bắt đầu triển khai nhiều biện pháp cải cách. Chính sách Giáo dục Quốc gia đang tập trung vào giảm bớt sự phụ thuộc vào các trung tâm luyện thi thông qua việc loại bỏ các “câu hỏi đánh đố” trong kỳ thi Suneung, đồng thời khuyến khích phát triển giáo dục toàn diện. Việc cải tiến chương trình học hướng tới tăng cường năng lực sáng tạo, sử dụng tiếng Anh và đào tạo nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tri thức.
Một trong những hướng đi mới đáng chú ý là chuyển đổi từ hình thức đánh giá trắc nghiệm sang các bài luận ở bậc tiểu học, nhằm thúc đẩy tư duy phản biện và khả năng lập luận của học sinh. Ngoài ra, chính phủ cũng khuyến khích mở rộng giáo dục đa văn hóa, tăng cường bình đẳng giới, đặc biệt trong các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), nhằm xây dựng một xã hội học tập toàn diện và công bằng hơn.
Kinh nghiệm cho các quốc gia

Mô hình giáo dục Hàn Quốc cho thấy sức mạnh của sự cam kết quốc gia trong đầu tư vào con người. Nhờ coi trọng giáo dục, Hàn Quốc đã chuyển mình ngoạn mục từ một nước nghèo thành cường quốc kinh tế, công nghệ. Tuy nhiên, mô hình này cũng đặt ra bài học về hệ lụy của việc quá chú trọng thành tích và thi cử, bỏ quên sự phát triển toàn diện và hạnh phúc của người học.
Để duy trì vị thế trong bối cảnh mới, theo các chuyên gia, Hàn Quốc cần tiếp tục cải cách theo hướng giảm áp lực, thu hẹp bất bình đẳng và thúc đẩy tư duy sáng tạo. Một nền giáo dục nhân văn, cân bằng giữa thành tích và hạnh phúc người học sẽ là chìa khóa để Hàn Quốc phát triển bền vững và truyền cảm hứng cho thế giới.