Giáo dục giá trị văn hóa - bản sắc và hội nhập

- Thứ Tư, 06/10/2021, 06:13 - Chia sẻ
​​​​​​​Nhằm khắc phục những khiếm khuyết của giáo dục truyền thống, chuyển từ tạo ra con người công cụ sang con người phát triển toàn diện, việc giáo dục giá trị văn hóa hay dạy làm người cần phải trở thành mục tiêu cao nhất của giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Giáo dục giá trị cho học sinh phổ thông - Nguồn: tuoitrethudo.com.vn
Giáo dục giá trị cho học sinh phổ thông
Nguồn: tuoitrethudo.com.vn

Xu thế toàn cầu

Phát biểu tại hội thảo khoa học “Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông Việt Nam - Bản sắc và hội nhập” tổ chức ngày 5.10, PGS. TS. Trần Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, các giá trị văn hóa truyền thống và không truyền thống góp phần tạo ra đặc trưng, diện mạo của một quốc gia, vì thế, việc xây dựng giá trị văn hóa của con người có vai trò quan trọng. Và để có một con người như vậy thì việc giáo dục giá trị văn hóa ở nhà trường phổ thông có tầm quan trọng đặc biệt.

Theo TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục giá trị văn hóa trong trường phổ thông là một khái niệm mới trong giáo dục Việt Nam. Các khái niệm giá trị, giá trị văn hóa, giáo dục giá trị văn hóa chưa bao giờ được chính thức đặt ra trong văn bản của ngành giáo dục. Trong khi đó, đây là xu thế toàn cầu mấy chục năm nay, dưới tên gọi chung là giáo dục các giá trị.

Mặc dù giáo dục giá trị là khái niệm có nhiều tranh cãi, nhưng bản chất cần phải hiểu đó là dạy người, vì thế, nó luôn có từ xa xưa như chính giáo dục. Tuy nhiên, hầu như suốt thế kỷ XX, giáo dục giá trị bị coi nhẹ, bị lép vế trong dòng chảy giáo dục hướng tới con người công cụ, học để biết, để thi, có việc làm. Không chú trọng xây dựng giá trị con người là khiếm khuyết tích tụ, dẫn tới cuộc khủng hoảng giá trị toàn cầu cuối thế kỷ XX. Điều đó cũng có nghĩa là giáo dục trên toàn thế giới đã không thành công trong việc đem lại cho người học các giá trị cốt lõi cần có để đương đầu với bối cảnh thay đổi ngày càng nhanh, càng phức tạp.

Cuối thế kỷ XX, một loạt công trình nghiên cứu, lý luận cho thấy học để làm người vô cùng quan trọng, phải trở thành mục đích cao nhất của giáo dục. Bởi vậy, trong vài thập kỷ trở lại đây, giáo dục giá trị cùng với xây dựng văn hóa học đường đã trở thành xu thế toàn cầu.

Xác định hệ giá trị cho giai đoạn mới

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều ý kiến, trong đó hệ giá trị văn hóa cần đưa vào trường phổ thông trên cơ sở tiếp cận hai chiều: Chiều từ trên xuống, dựa trên các giá trị quy định trong Hiến pháp, quy định của Đảng, Nhà nước; và chiều từ dưới lên qua khảo sát thực tế, đóng góp của các chuyên gia. Cũng có ý kiến cho rằng cần xây dựng hệ giá trị dựa trên các giá trị của dân tộc và nhân loại, truyền thống và hiện đại...

TS. Vương Thị Phương Hạnh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam góp ý, xác định hệ giá trị văn hóa cần hình thành cho học sinh phổ thông trong giai đoạn mới phải có tính khả thi. Những giá trị được lựa chọn không mâu thuẫn và không có sự khác biệt lớn đối với phẩm chất, năng lực được đưa vào trong nhà trường và cùng góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Bên cạnh đó, các giá trị cần có tính đại diện, tính nhân văn, tính truyền thống, tính hiện đại, tính định hướng những giá trị đón đầu xu hướng quốc tế hoặc khơi dậy phát huy các giá trị đã có. Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất hệ giá trị văn hóa cần hình thành cho học sinh phổ thông Việt Nam gồm: Hòa bình, khoan dung, kỷ luật, tự tin, trách nhiệm, hợp tác, tự trọng, trung thực, sáng tạo, yêu nước.

Thực tế, trong quá trình phát triển, nhiều nhà trường đã chú ý tới giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh. TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho biết: Điều này trường đã làm từ lâu, bền bỉ, thể hiện truyền thống văn hóa, giá trị tốt đẹp bằng những gì riêng có, thể hiện qua slogan, logo, lễ dâng hương của trường, Trường ca; giáo dục giá trị văn hóa thông qua văn hóa ứng xử của giáo viên, nhân viên và học sinh; xây dựng giá trị văn hóa phát triển của thầy và trò; khuyến khích học sinh tự chủ, tự trọng, tự học, sáng tạo... nhằm hướng tới 4 mục đích mà UNESCO đặt ra: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình.

TS. Thạch Thị Lan Anh, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Thực nghiệm Khoa học Giáo dục cũng chia sẻ: Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh là mục tiêu được ưu tiên tại trường. Điều này được thể hiện qua tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu của trường. Cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục giá trị văn hóa qua xây dựng môi trường văn hóa nhà trường; các môn học và hoạt động trải nghiệm; các chủ đề tích hợp liên môn, hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường...

Không có hệ giá trị chung cho mọi nhà trường. Theo TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, cần có khung giáo dục giá trị quốc gia, từ đó, các nhà trường căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình để lựa chọn giá trị ưu tiên. Bên cạnh đó, giáo dục giá trị trong nhà trường phải nhất quán với giáo dục giá trị trong gia đình và thống nhất với giáo dục giá trị xã hội.

TS. Lê Thị Sông Hương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: Môi trường văn hóa học đường là yếu tố then chốt để giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông. Điều này cũng tạo bản sắc riêng của mỗi nhà trường, giúp phát huy nguồn lực nội sinh và dung nạp nguồn lực ngoại sinh, tạo nên sức mạnh tổng thể, nâng cao chất lượng giáo dục.

Thảo Nguyên