Giáo dục đại học cần được định vị ở đỉnh cao của “kim tự tháp tri thức”
Theo PGS.TS Hoàng Đình Phi, giáo dục đại học trong bối cảnh toàn cầu, cần được định vị ở đỉnh cao của kim tự tháp tri thức, thay vì phổ cập hóa một cách đại trà. Không phải mọi tỉnh đều cần một trường đại học quy mô lớn, mà cần tập trung vào chất lượng khoa học và đào tạo.
Đây là nhấn mạnh của PGS.TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội (HSB) tại Tọa đàm “Tự chủ đại học - Cơ hội nào để phát triển?”, tổ chức chiều 11/7.
Tọa đàm nhằm nhận diện rõ hơn những vấn đề vẫn còn chậm chuyển động, những thuận lợi, khó khăn, những cơ hội trong quá trình thực hiện tự chủ đại học.
4 yếu tố cốt lõi thúc đẩy thành công trong hành trình đổi mới giáo dục đại học
Trường Quản trị và Kinh doanh là một trong những mô hình giáo dục đại học hiếm hoi tự chủ toàn diện suốt hơn 30 năm qua: không nhận ngân sách nhà nước, tự quyết tổ chức và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo.
Chia sẻ về những yếu tố quyết định nhất giúp trường duy trì được sự tự chủ bền vững trong suốt hành trình này, PGS.TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh nhấn mạnh, Nghị quyết 29 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là căn cứ, nền tảng để thầy và trò vượt qua nhiều khó khăn, rào cản, giữ được thương hiệu nhà trường, tránh bị giải thể, bị sáp nhập.
Lý do thứ hai tới từ sự sáng tạo tuyệt vời trong lãnh đạo, quản trị, điều hành đất nước của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng đầu tiên ký quyết định thành lập trường và cùng với cố GS.Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội, khi nói rằng "cho tất cả, trừ tiền". Theo đó, Nhà nước cho cơ chế, cho chính sách nhưng không cho giáo viên và sinh viên tiền mà phải tự tìm kiếm con đường để xây dựng nhà trường từ số 0, xây dựng cơ sở vật chất, tức là tự chủ hoàn toàn về đầu tư xây dựng, tự chủ hoàn toàn về nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó là xây dựng nền tảng học thuật từ số 0, nghĩa là tự chủ về học thuật. “Đây là lý do rất quan trọng. Phải có những người thầy vĩ đại sát cánh cùng với những người dám dũng cảm tự chủ từ khi trong tay chỉ là số 0”, PGS.TS Hoàng Đình Phi nói.
Ngoài ra, một số thầy cô ở trường đã chấp nhận đánh đổi, đôi khi phải đặt lên bàn cân đánh đổi tương lai của mình, có thể mất nghề nếu như mình không tự chủ được. Theo PGS.TS Hoàng Đình Phi, đây là bài toán rất khó khi đứng ra lãnh đạo một đơn vị tự chủ không có gì cả mà lại muốn theo chuẩn quốc tế; cũng là thách thức vai trò lãnh đạo của tập thể, của cá nhân trong một ngôi trường đi từ số 0.
PGS.TS Hoàng Đình Phi nhấn mạnh, hành trình tự chủ hoàn toàn của một trường đại học công lập tại Việt Nam đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng và “cái giá” phải trả không hề nhỏ.
Giáo dục đại học, trong bối cảnh toàn cầu, cần được định vị ở đỉnh cao của kim tự tháp tri thức, thay vì phổ cập hóa một cách đại trà. “Không phải mọi tỉnh đều cần một trường đại học quy mô lớn, mà cần tập trung vào chất lượng khoa học và đào tạo. Đối với những người không phù hợp với con đường học thuật, việc học nghề hoặc các ngành đào tạo khác là lựa chọn hợp lý, tránh lãng phí thời gian, nguồn lực của gia đình và xã hội”, ông nêu quan điểm.
Theo ông, sự thành công trong hành trình đổi mới giáo dục đại học tại Việt Nam, đặc biệt tại các trường công lập tự chủ, được thúc đẩy bởi 4 yếu tố cốt lõi.
Thứ nhất, đường lối đổi mới toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo nền tảng vững chắc cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo đại học, hướng tới hội nhập quốc tế.
Thứ hai, việc cải cách thủ tục hành chính của Bộ GD-ĐT đóng vai trò quan trọng. Thay vì can thiệp trực tiếp vào chuyên môn học thuật, Bộ tập trung vào giám sát và hỗ trợ hành chính, tạo điều kiện để các trường đại học tự chủ phát huy năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên và quản lý.
Thứ ba, sự sáng tạo và quyết tâm của tập thể giảng viên tại các trường công lập là yếu tố then chốt. Vượt qua những khó khăn về tài chính và nguồn lực, các giảng viên chấp nhận rủi ro, thi đua và hợp tác với các trường đại học hàng đầu thế giới, xây dựng các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Những chương trình này không chỉ đáp ứng nhu cầu của người học, xã hội và nền kinh tế quốc gia, mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho cá nhân và cộng đồng.
Thứ tư, sự tham gia tích cực của phụ huynh và sinh viên đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai giáo dục. Sinh viên, với sự hỗ trợ của gia đình, cần lựa chọn ngành học và chương trình đào tạo phù hợp, hướng tới việc phát triển kiến thức, kỹ năng, và các giá trị cốt lõi bao gồm sức khỏe, đạo đức, ý chí, tài năng, tình yêu và trách nhiệm. Những giá trị này giúp thế hệ trẻ tự quyết định vận mệnh, đóng góp bền vững cho gia đình và Tổ quốc.
“Sự kết hợp của các yếu tố trên - từ đường lối lãnh đạo, cải cách quản lý, đến sự sáng tạo của giảng viên và trách nhiệm của xã hội tạo nên động lực mạnh mẽ, giúp các trường công lập vượt qua thách thức trong hành trình tự chủ, hướng tới những thành tựu vinh quang trong giáo dục đại học”, PGS.TS Hoàng Đình Phi cho hay.
Các trường tự chủ cần bổ sung kỹ năng thực hành cho sinh viên
Dưới góc nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 15 năm qua, doanh nghiệp đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các trường đại học trong nước, đặc biệt là quá trình liên kết với trường quốc tế, viện nghiên cứu trên thế giới. Đây là quá trình các trường chủ động thực hiện tự chủ trong đào tạo, gắn bó hữu cơ với hệ thống doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ, tự động hóa trong ngành điện.
“Chúng tôi kỳ vọng các trường đại học tự chủ sẽ tham gia sâu hơn, nâng cấp bài giảng, phòng thí nghiệm, bổ sung các kỹ năng thực hành, đổi mới sáng tạo cho sinh viên. Nếu sinh viên không được trang bị đầy đủ kỹ năng tư duy đổi mới, sáng tạo, sẵn sàng giải quyết các bài toán lớn thì khó đáp ứng yêu cầu công việc trong môi trường doanh nghiệp hiện đại”, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay.

Để tăng cường quan hệ hợp tác nhà trường - doanh nghiệp ngày càng gắn bó, ông Võ Quang Lâm cho rằng cần đặt mục tiêu tuyển chọn, hỗ trợ, trao học bổng cho sinh viên tiêu biểu, xuất sắc theo học các ngành kỹ thuật điện, công nghệ thông tin…, đồng thời tạo điều kiện thực tập ngay tại doanh nghiệp để sinh viên hiểu hơn thực tế vận hành.
Ngược lại, doanh nghiệp thường xuyên "đặt hàng" cho giảng viên, nhà trường cùng phối hợp nhận diện bài toán trọng tâm của doanh nghiệp và cùng tìm giải pháp thực tế. Bên cạnh đó, chủ động tổ chức hội thảo, diễn đàn để cán bộ doanh nghiệp và giảng viên trường đại học trao đổi, cập nhật, tiếp cận kiến thức, thông tin mới nhất về ngành điện thế giới; phối hợp tổ chức các khóa đào tạo với sự tham gia của các trường đại học uy tín trong nước, quốc tế, bảo đảm trao đổi hai chiều, kịp thời cập nhật, lan tỏa đổi mới đổi mới sáng tạo trong ngành.
Đánh giá về chương trình đào tạo của các trường đại học, viện nghiên cứu hiện nay trong bối cảnh nhu cầu đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt là trong thời kỳ chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng, theo ông Võ Quang Lâm, các trường đã thay đổi nhanh chóng cả về phương pháp giảng dạy, tài liệu cũng như kỹ năng giảng dạy của giảng viên, tạo môi trường hợp tác rất hiệu quả. Do đó, hiện nay, các trường đang thực hiện rất tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.