Có hàng tá lý do khiến trẻ bị bạo hành: Con làm bài bị điểm thấp cha mẹ cũng đánh, cãi lời cha mẹ cũng đánh, nói dối cha mẹ cũng đánh…
Điển hình như, sáng 21.10, Công an TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thành Luân (37 tuổi, ngụ chung cư Mẫu Tâm, phường 5, TP. Đà Lạt) để điều tra về hành vi hành hạ trẻ em.
Trước đó, vào tối 19.10, sau khi đi nhậu về, Luân nghe vợ nói con trai ruột là N.A.H (10 tuổi) có lấy 100.000 đồng nên Luân đã dùng tay đánh nhiều lần vào mặt, mông của cháu H, sau đó tháo dây thắt lưng bằng da gập lại rồi đánh vào lưng, mặt của cháu H. Theo camera an ninh ghi lại, Luân còn bắt cháu H cởi hết quần áo, quỳ xuống sàn nhà rồi tiếp tục đánh. Tàn bạo hơn, Luân còn bắt cháu H sủa tiếng chó, lấy dây lưng thắt vào cổ cháu H rồi kéo cháu bò từ căn hộ ra hành lang chung cư, kéo xuống tầng trệt, ra ngoài đường. Tại đây, Luân tiếp tục đánh đá vào người cháu H, sau đó bắt cháu bò từ đường lên lại căn hộ... trước sự chứng kiến của vợ Luân và một số người hàng xóm.
Chỉ vì lấy 100.000 đồng mà người cha đánh đập, hành hạ con như vậy có đáng hay không? Các cháu còn nhỏ, thích tò mò và cũng thích tham gia vào một số hoạt động vui chơi, giải trí với bạn bè và cũng phải cần tiền để trả cho các chi phí đó.
Theo các chuyên gia tâm lý, khi biết con lấy trộm tiền thì cha mẹ hãy nhẹ nhàng bằng cách như: hỏi con lấy tiền để làm gì? sử dụng vào mục đích gì? Sau đó hãy giải thích cho con hiểu và nói với con sau này cần tiền thì hỏi cha mẹ. Làm được việc này thì cha mẹ mới có thể kiểm soát được con cái, đây là cách mà rất nhiều cha mẹ áp dụng thành công. Thực tế, con lấy trộm tiền của cha mẹ, đôi khi nguyên nhân chính cũng là do cha mẹ giáo dục con chưa tốt, nhất là quá khắt khe trong việc chi tiêu của con.
Việc giáo dục con cái ở mỗi gia đình có sự khác nhau, có cha mẹ thích giáo dục con bằng tình yêu thương, sự nêu gương của mình, dùng những lời hay lẽ phải để giáo dục hoặc trừng phạt con cái bằng cách không cho tiền ăn quà vặt, bắt làm việc nhà, không cho chơi điện tử… Nhưng cũng có cha mẹ lại chọn giáo dục con cái bằng bạo lực, bằng nắm đấm, bắt nhịn ăn, nhịn uống…
Để giáo dục nên những đứa con ngoan, nhiều cha mẹ đừng bao giờ dùng đến nắm đấm, dùng đến những lời mắng chửi…; khi con vi phạm khuyết điểm, có khi chỉ là sự im lặng của cha mẹ nhưng đó lại là cách giáo dục hiệu quả nhất. Nếu việc giáo dục con mà sử dụng đòn roi, nắm đấm, sỉ nhục, xúc phạm… thì đó chính là bạo hành. Và khi giáo dục con theo phương pháp này, đồng nghĩa với việc gieo rắc, hình thành nên nhân cách bạo lực và chúng sẽ sử dụng cách này để giáo dục lại với con cái của chúng trong tương lai.
Cùng có nhiều cha mẹ khi đánh con xong thì khóc luôn cùng con, ôm con vào lòng và nói ra những điều mong muốn của cha mẹ. Tuy vậy, dù thế nào thì giáo dục con cái bằng bạo lực sẽ để lại những chấn thương tâm lý vô cùng nghiêm trọng và đôi khi biện pháp này gây phản tác dụng.
Đừng sử dụng bạo lực để dạy con, nó sẽ không tạo ra những đứa con ngoan theo mong muốn cha mẹ mà trái lại sẽ tạo nên những tính cách bạo lực, lệch lạc, bế tắc và luôn dùng bạo lực để xử lý các tình huống khó giải quyết phát sinh trong cuộc sống.