Giáo dục chứ không cách ly
Phản ánh của các địa phương trong quá trình thực hiện pháp luật về biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho thấy, vướng mắc lớn nhất chính là điều kiện áp dụng chưa thống nhất giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn; trình tự thủ tục rườm rà, phức tạp, gây áp lực cho địa phương.
Khó chồng khó
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, sau 7 năm thi hành Nghị định số 111/2013/NĐ-CP về Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Nghị định số 56/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP, tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là 153.138 đối tượng, tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là 137.906 đối tượng (chiếm khoảng 90% tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị).

Số lượng người bị áp dụng biện pháp này tăng dần theo các năm, chẳng hạn năm 2019 là 22.569 đối tượng; năm 2020 là 32.423 đối tượng. Đây là áp lực không nhỏ đối với cấp xã, phường - nơi mà lực lượng cán bộ chuyên trách, công an chính quy chưa được bố trí đủ. Càng khó hơn khi quy định của pháp luật còn trùng lặp, chưa rõ ràng, nặng về thủ tục hành chính.
Đơn cử, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định “Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã” có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành đều không có quy định về giao quyền áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho cấp phó. Đại diện UBND TP Hải Phòng cho biết, hiện có trường hợp xã, phường, thị trấn chưa kịp bổ sung chức danh Chủ tịch UBND với các lý do: nghỉ hưu, thôi việc, được điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức hoặc tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật; chết; bị Tòa tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích; bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử. Chính vì thế, quy định này bị treo lại, không có hướng xử lý cho các đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Đại diện UBND tỉnh Sóc Trăng cũng nêu vướng mắc, Đoạn 3, Khoản 1, Điều 13 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định: “Không có nơi cư trú ổn định là trường hợp không xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người vi phạm và người đó thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định hoặc trường hợp xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người vi phạm nhưng người đó thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định”. Như vậy, ở trường hợp đầu tiên, ngoài không xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú thì phải có thêm yếu tố “thường xuyên đi lang thang” thì mới được xác định là “không có nơi cư trú ổn định”. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp không đăng ký thường trú hoặc tạm trú ở bất kỳ nơi nào, không phải là đối tượng thường xuyên đi lang thang, ví dụ: thợ xây, thợ theo công trình, lái xe đường dài… thường không có nơi ở cố định. Do đó, rất khó để xác định những đối tượng này trên thực tế có phải là đối tượng không có nơi cư trú ổn định hay không
Giao cho ai quản lý?
Đại diện UBND tỉnh Quảng Bình nêu thực tế, rất khó xác định người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng dân cư, có năng lực và kinh nghiệm giúp đỡ, giáo dục, nên Chủ tịch UBND cấp xã thường giao cho tổ trưởng dân phố, thôn hoặc bí thư chi bộ là người trực tiếp quản lý, giáo dục. Hơn nữa, các đối tượng được giáo dục đều vi phạm pháp luật nhiều lần, không hợp tác.
Góp ý dự thảo Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, cho rằng: việc tổ chức quản lý người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định nên theo hướng tạo điều kiện để giúp đỡ tốt nhất cho người vi phạm.
Hiện, dự thảo Nghị định đề xuất giao cho công an xã thực hiện quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục. Đề xuất này chưa hẳn đã thuyết phục khi gặp phải tâm lý e ngại của đối tượng đang chịu áp dụng các biện pháp. Hơn nữa, nội dung hình thức các biện pháp giáo dục có nhiều vấn đề liên quan đến kỹ năng sống, học văn hóa, hướng nghiệp dạy nghề. Hơn nữa, lực lượng công an xã từng bước chính quy nhưng khá mỏng ở cơ sở, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Tuy vậy, nếu lại giao cho UBND cấp xã thực hiện thì lại rất áp lực cho công chức tư pháp - hộ tịch; vì hiện nay công chức này đảm nhiệm rất nhiều việc; hơn nữa họ lại không có kiến thức về cắt cơn, giải độc.
Băn khoăn về đề xuất: sau khi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính, người có thẩm quyền hoặc người đề nghị xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với người vi phạm gửi ngay kết quả đến Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng Công an cấp xã nơi người đó cư trú hoặc Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng Công an cấp xã nơi người đó thực hiện hành vi vi phạm tại Điều 14, dự thảo Nghị định, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng không nên quy định cứng nhắc như thế, mà nên chuyển cho người thiết lập hồ sơ đó...
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, cần cân nhắc để đưa ra những biện pháp phù hợp, tháo gỡ khó khăn khi xác định nơi cư trú; đồng thời linh hoạt hơn trong quản lý người không nơi cư trú, giao cho công an là lực lượng nòng cốt nhưng có thể mở rộng giao cho các tổ chức, cá nhân khác, bởi mục đích là giáo dục người vi phạm chứ không phải cách ly họ khỏi cộng đồng.