Theo Bộ GD-ĐT, từ ngày 18.7 đến 17h ngày 30.7 tới đây sẽ là thời gian để thí sinh xét tuyển đại học năm 2024 đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.
Trước đó, từ 8h ngày 6.7 đến 17h ngày 10.7, thí sinh đăng nhập vào Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT để thực hành đăng ký nguyện vọng (đăng ký thử). Việc thực hành, tập dượt trước sẽ giúp thí sinh tránh bỡ ngỡ, làm sai, bỏ sót quy trình khi đăng ký chính thức.
Nên dàn trải “danh mục đầu tư nguyện vọng” để giảm thiểu rủi ro
Đưa ra lời khuyên cho thí sinh về cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học để tăng tối đa cơ hội trúng tuyển, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được đăng ký số lượng nguyện vọng không giới hạn. Do đó, thí sinh không nên chỉ đăng ký một vài nguyện vọng ít ỏi, dẫn đến làm giảm cơ hội trúng tuyển.
“Tất nhiên, nếu đã trúng tuyển ở nguyện vọng xét tuyển sớm, đương nhiên các em sẽ đỗ. Nhưng khi chúng ta vẫn còn mong mỏi ở những ngành học, trường học khác yêu thích hơn, các em nên có chiến lược, chiến thuật đăng ký nguyện vọng một cách phù hợp”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nói.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, thí sinh không nên đặt tất cả nguyện vọng của mình chỉ vào một top những ngành, những trường có mức độ cạnh tranh quá cao. Bởi khi đó, nếu không đỗ các nguyện vọng đầu thì hầu hết những nguyện vọng còn lại ở nhóm trường cùng mức cạnh tranh cao cũng khó để trúng tuyển.
Bên cạnh đó, thí sinh cũng không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng. “Chúng tôi từng gặp những trường hợp đăng ký tới hơn 100 nguyện vọng, rất lãng phí, không cần thiết. Thay vào đó, các em nên chia nguyện vọng của chúng ta thành các nhóm: trường top đầu, top trung - phù hợp với năng lực của mình hơn thì cơ hội trúng tuyển của chúng ta sẽ cao hơn rất nhiều”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.
Các mùa tuyển sinh trước, Bộ GD-ĐT cũng ghi nhận một số trường hợp thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT rất cao nhưng chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng vào một trường top đầu và tự tin rằng mình sẽ trúng tuyển. Tuy nhiên, các em lại vô tình không đọc kỹ Đề án tuyển sinh của trường - yêu cầu những tiêu chí phụ hoặc thí sinh phải trải qua sơ tuyển. Sau này, vì chưa đáp ứng được những điều kiện sơ tuyển hay tiêu chí phụ, các em không những không đỗ được trường yêu thích, cũng mất luôn cơ hội vào các trường đại học khác.
“Do đó, chúng ta không nên “bỏ trứng vào một giỏ” mà nên dàn trải “danh mục đầu tư nguyện vọng” của mình để giảm thiểu rủi ro”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý thí sinh.
Các nguyện vọng đầu trượt thì nguyện vọng sau có được tính hay không?
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng khi đặt nguyện vọng xét tuyển, thí sinh trước hết cần phân tích phổ điểm những năm gần đây của các trường và chia nguyện vọng thành 3 nhóm: nhóm cao hơn điểm của mình, nhóm ngang bằng và nhóm điểm thấp hơn, để đảm bảo an toàn.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh khuyên thí sinh nên mạnh dạn đặt nguyện vọng yêu thích nhất lên vị trí trên cùng. Nếu nguyện vọng đó là nguyện vọng trúng tuyển sớm thì các em chắc chắn trúng tuyển.
Với câu hỏi nhiều thí sinh băn khoăn: “Nếu đã trúng tuyển sớm, đặt nguyện vọng trúng tuyển sớm đó ở vị trí thứ 10, trong khi 9 nguyện vọng đầu đều trượt thì nguyện vọng 10 có được tính hay không?”, PGS Nguyễn Phú Khánh khẳng định, thí sinh chắc chắn vẫn đỗ, dù em có đặt nguyện vọng trúng tuyển sớm ở vị trí thứ 100 và trượt tất cả 99 nguyện vọng đầu.
“Đó là quy định của Bộ GD-ĐT nên các em có thể hoàn toàn yên tâm. Thí sinh chỉ không trúng tuyển nguyện vọng trúng tuyển sớm khi em đã trúng tuyển một nguyện vọng phía trên, về nguyên tắc hệ thống của Bộ sẽ dừng lại, không xét tới các nguyện vọng phía dưới”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh nói.
PGS.TS Chu Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cũng lưu ý thí sinh cần một chiến thuật rất hợp lý để có thể tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học. Theo đó, thí sinh không nên lựa chọn quá ít hay quá nhiều nguyện vọng, thay vào đó nên đặt số nguyện vọng vừa phải.
“Theo quan điểm cá nhân của tôi, thí sinh có thể chọn từ 1 đến 3 trường đại học và trong mỗi trường có thể chọn khoảng 3 nguyện vọng. Sau đó, chia các nguyện vọng thành 3 nhóm.
Nhóm nguyện vọng thứ nhất là những ngành, trường mình yêu thích, nhưng điểm đầu vào các năm trước cao hơn điểm thi của mình. Nhóm nguyện vọng thứ hai là ngành, trường mình yêu thích và có điểm chuẩn năm trước bằng điểm thi của mình. Nhóm nguyện vọng thứ ba là những ngành, trường yêu thích và có điểm trúng tuyển năm trước thấp hơn điểm thi của mình”, PGS.TS Chu Văn Tuấn cho hay.
Đối với những thí sinh đã nhận thông báo trúng tuyển có điều kiện ở các phương thức xét tuyển sớm như xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực... ở các trường, theo PGS.TS Chu Văn Tuấn, nếu các em yêu thích những nguyện vọng này, có thể đặt thứ tự nguyện vọng 1 để đảm bảo chắc chắn trúng tuyển.