Trong Ngày hội “Lựa chọn nguyện vọng” năm 2023, ngày 22.7 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, đến thời điểm này, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT (Hệ thống) ghi nhận gần 390.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, đạt tỷ lệ khoảng 37%. Trong số gần 390.000 thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống, có khoảng 72.000 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất.
Ông Lê Anh Đức, Phó phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, số lượng 72.000 thí sinh đăng ký 1 nguyện vọng, khả năng cao là những thí sinh đã đăng ký nguyện vọng duy nhất vào ngành đã đủ điều kiện trúng tuyển (trúng tuyển sớm). Nếu thí sinh đã “ưng” ngành đủ điều kiện trúng tuyển sớm thì đây là cách đăng ký đúng quy chế, tối ưu.
Theo ông Đức, đây là tín hiệu cho thấy, thí sinh đã thích nghi và hiểu về cách đặt nguyện vọng với quy chế/quy trình xét tuyển- lọc ảo mới áp dụng từ năm 2022 của Bộ, tiết kiệm chi phí/lệ phí trong đăng ký nguyện vọng của thí sinh.
Tuy nhiên, để tránh rủi ro, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, thí sinh không nên chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất. Thay vào đó, các em nên đăng ký một số nguyện vọng. Vì nếu có rủi ro cho thí sinh thì Hệ thống còn xét tuyển tiếp để thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào các nguyện vọng khác. Thí sinh cần lưu ý sắp xếp nguyện vọng mình yêu thích nhất, thấy phù hợp nhất lên đầu.
Để tránh tình trạng thí sinh ảo, Bộ GD&ĐT đã có giải pháp cho việc giảm tình trạng ảo bằng cách yêu cầu thí sinh đăng ký tất cả các nguyện vọng lên Hệ thống. Theo đó, dù thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng thì vẫn chỉ được xác định trúng tuyển một nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh mục nguyện vọng của thí sinh.
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành/chương trình đào tạo mà không cần đăng ký phương thức, hay tổ hợp xét tuyển.
Với điểm ưu tiên về đối tượng và khu vực, xét trên điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm học bạ (quy trên thang điểm 30), nếu tổng điểm của thí sinh đạt từ 22,5 trở lên thì điểm cộng ưu tiên của các em sẽ giảm dần theo tuyến tính.
Như vậy, nếu các em đã đạt 30 điểm rồi thì không cần cộng điểm ưu tiên. Đây điểm mới mà thí sinh cần lưu ý để lựa chọn nguyện vọng phù hợp nhất.
Theo hướng dẫn của Bộ GD- ĐT, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học trên Hệ thống (không giới hạn số lần) trong thời gian quy định (từ ngày 10.7 đến 17 giờ ngày 30.7).
Từ 31.7 - 6.8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến. Các trường thông báo thí sinh trúng tuyển (đợt 1) muộn nhất là 17 giờ ngày 22.8.
Thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến (đợt 1) trên Hệ thống trước 17 giờ ngày 6.9. Sau 6.9, các trường có thể bắt đầu khai giảng năm học mới.
Các trường xét tuyển các đợt bổ sung (nếu có) cho tới hết năm 2023.