Xếp hạng đại học quốc tế: Giải pháp nào để thu hẹp khoảng cách Việt Nam với các nước trong khu vực?

- Thứ Ba, 14/11/2023, 09:07 - Chia sẻ

Giáo dục đại học của Việt Nam còn có khoảng cách tương đối xa trên bảng tổng sắp quốc tế so với Giáo dục đại học của các nước trong khu vực. Về xếp hạng tổng thể, số cơ sở Giáo dục đại học được xếp trong top 1000 đại học tốt nhất thế giới và tốt nhất châu Á năm 2022, 2023 còn khá thấp.

Đó là nhận định của nhóm nghiên cứu trong bài viết “Một số chính sách đầu tư phát triển giáo dục đại học Việt Nam” của GS. TS Vũ Văn Yêm, ThS Nguyễn Yến Chi và PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Hình ảnh, thương hiệu của giáo dục đại học Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế chưa nổi bật

Các bảng xếp hạng uy tín quốc tế của tổ chức Times Higher Education (THE) và Quacquarelli Symonds (QS) thường dành từ 20%-50% trọng số cho các chỉ số nghiên cứu và liên quan đến nghiên cứu như: số công bố, số trích dẫn, H-index, kinh phí nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu, kinh phí chuyển giao công nghệ.

Chỉ số về danh tiếng học thuật, danh tiếng nhà tuyển dụng (chiếm khoảng 50% trọng số tùy bảng xếp hạng) muốn cải thiện vượt bậc cũng cần bắt nguồn từ kết quả nghiên cứu ấn tượng.

Theo nhóm nghiên cứu, Giáo dục đại học (GDĐH) của Việt Nam còn có khoảng cách tương đối xa trên bảng tổng sắp quốc tế so với GDĐH của các nước trong khu vực. Về xếp hạng tổng thể, số cơ sở GDĐH được xếp trong top 1000 đại học tốt nhất thế giới và tốt nhất châu Á năm 2022, 2023 còn khá thấp.

Số lượng trường được xếp hạng tổng thể như sau: 

Quốc gia

Số lượng trường được xếp hạng trong top 1000

bảng xếp hạng QS thế giới 2023

bảng xếp hạng THE thế giới 2023

bảng xếp hạng QS châu Á 2023

bảng xếp hạng THE châu Á 2022

Trung Quốc

59

65

125

97

Malaysia

18

11

36

18

Thái Lan

8

4

25

17

Việt Nam

3

2

11

5

(Nguồn: World University Rankings | Times Higher Education (THE), https://www.topuniversities.com/university-rankings)

Bên cạnh lý do về năng suất nghiên cứu chưa cao như phân tích tại kết quả nghiên cứu khoa học, còn có lý do về sự hiện diện, hình ảnh, thương hiệu của GDĐH Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế còn mới và chưa nổi bật, tỷ lệ sinh viên, giảng viên nước ngoài còn thấp.

Về xếp hạng theo nhóm ngành, tại bảng xếp hạng các cơ sở GDĐH theo nhóm ngành năm 2023 của tổ chức Quacquarelli Symonds (QS), có 11 ngành đào tạo tại 6 cơ sở GDĐH của Việt Nam được xếp hạng trong top 51-630 tốt nhất thế giới.

Trong đó, kết quả tập trung nhiều tại top 351-500, tại ngành Kỹ thuật với 5 nhóm ngành được xếp hạng và tại 4 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Các cơ sở giáo dục được xếp hạng theo nhóm ngành bởi tổ chức QS như sau:

TT

Lĩnh vực/Nhóm ngành

Cơ sở giáo dục Việt Nam được xếp hạng

(Xếp hạng cao nhất mỗi nhóm ngành được chú thích trong ngoặc đơn)

I/

Kỹ thuật (Engineering)

1

Khoa học máy tính và hệ thống thông tin

ĐHBK Hà Nội (401-450), ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Duy Tân

2

Điện-Điện tử

ĐHBK Hà Nội (301-350), ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng

3

Cơ khí

ĐHBK Hà Nội (301-350), ĐHQG Hà Nội

4

Hóa học

ĐHQG TP HCM (351-400)

5

Dầu mỏ

ĐHQG TP HCM (51-100)

II/

Khoa học tự nhiên (Natural Sciences)

1

Toán

ĐHBK Hà Nội (351-400), ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng

2

Hóa học

ĐHQG TP HCM (601-630)

3

Khoa học vật liệu

ĐHBK Hà Nội (401-410)

4

Vật lý và Thiên văn học

ĐHQG Hà Nội (451-500)

III/

Khoa học sự sống (Life Sciences)

1

Nông nghiệp và Lâm nghiệp

ĐH Cần Thơ (301-350)

IV/

Khoa học xã hội (Social Sciences)

1

Kinh doanh và Quản lý

ĐHQG Hà Nội (451-500), Trường ĐH Tôn Đức Thắng

(Nguồn: https://www.topuniversities.com/university-rankings)

Tuy số lượng cơ sở GDĐH được xếp hạng theo nhóm ngành chưa nhiều và chưa tăng nhanh qua các năm, đáng chú ý có một số nhân tố mới, được xếp hạng tại các lĩnh vực hiện đang chiếm số ít như Trường Đại học Cần Thơ trong top 301-350 các trường tốt nhất về nhóm ngành Nông nghiệp và Lâm Nghiệp.

Việt Nam đang xếp thứ 59 trên thế giới và thứ 13 khu vực Châu Á về chỉ số H-index

Hiện nay, Việt Nam đang xếp thứ 59 trên thế giới và thứ 13 khu vực Châu Á về chỉ số H-index với kết quả H-index = 269 trong giai đoạn 1996-2021, tiệm cận với Phillipines, Indonesia, đứng sau Thái Lan, Malaysia và bị bỏ lại ở khoảng cách khá xa so với Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Chỉ số H-Index tại một số quốc gia châu Á giai đoạn 1996-2021:

Xếp hạng quốc tế: Giáo dục đại học Việt Nam còn khoảng cách xa với các nước trong khu vực -0

(Nguồn: SJR - International Science Ranking (scimagojr.com)

Chỉ số H của một nhà khoa học là H công trình trong số N công trình của nhà khoa học đó được trích dẫn ít nhất là H lần, và (N-H) được trích dẫn dưới H lần. Chỉ số này đánh giá cả năng suất và chất lượng công bố của một tác giả và rộng hơn, chỉ số H của một quốc gia phản ánh số lượng và chất lượng công bố khoa học của quốc gia đó.

Xét riêng về số lượng công bố, số công bố trong danh mục Scopus của các cơ sở GDĐH tăng 44,5% trong giai đoạn 2019 - 2020 (từ 11,999 lên 17,334 bài), nhưng số công bố trên giảng viên nói chung còn thấp, tại mức khoảng 0,24 bài ISI/Scopus/giảng viên/năm, so với năng lực công bố trung bình trên thế giới (năm 2010) từ 1 đến 8 bài báo ISI/Scopus/năm tùy theo nhóm ngành.

Có 7 cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn kiểm định nước ngoài

Kiểm định là công cụ bảo đảm chất lượng giáo dục rất phổ biến và hữu ích trong GDĐH, giúp các trường có những khuyến nghị để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Đặc biệt, kiểm định quốc tế có mục đích cung cấp cho sinh viên, nhà tuyển dụng và xã hội mức độ tin tưởng nhất định rằng chương trình đó đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng về đào tạo, tạo thuận lợi cho việc công nhận và chuyển đổi tín chỉ giữa các cơ sở GDĐH.

Theo thống kê gần nhất của Bộ GDĐT đến ngày 30.11.2022, có 956 chương trình đào tạo đã được kiểm định (bao gồm 18 chương trình đào tạo đã hết hạn kiểm định), cụ thể: 582 chương trình đào tạo đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước, 374 chương trình đào tạo đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Theo nhóm nghiên cứu, kết quả này tương đương khoảng hơn 12% chương trình đào tạo được kiểm định trong nước, khoảng 5% được kiểm định theo chuẩn quốc tế; là con số còn rất hạn chế.

Thống kê tới ngày 30.11.2022 cho thấy có 176 cơ sở GDĐH, 11 trường cao đẳng sư phạm đạt chuẩn kiểm định trong nước và 7 cơ sở đạt chuẩn kiểm định nước ngoài, chủ yếu là các Trường đại học Khoa học - kỹ thuật - công nghệ có quy mô lớn. Như vậy, có tổng số 192 cơ sở GDĐH và trường cao đẳng sư phạm đạt chuẩn kiểm định đạt chuẩn kiểm định trong nước và nước ngoài. trên tổng số 243 cơ sở GDĐH, chiếm tỷ lệ 79%.

Trên cơ sở phân tích bộ chỉ số hệ thống GDĐH Việt Nam, nhóm nghiên cứu đề xuất chính sách để phát triển hệ thống bao gồm:

Một là, quy hoạch phát triển các cơ sở GDĐH theo các mục tiêu phân loại để đầu tư trọng tâm, trọng điểm.

Hai là, trong lộ trình tăng chi Ngân sách nhà nước (NSNN) cho GDĐH, cần đồng thời tái cơ cấu chi và thu hút đầu tư tư nhân vào GDĐH trên cơ sở cam kết đầu ra.

Ba là, nâng cao tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ và bồi dưỡng năng lực quản trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy hoạch không gian và đầu tư hạ tầng để tạo môi trường học thuật đáp ứng tốt nhu cầu học tập và nghiên cứu cho các cơ sở GDĐH.

Theo nhóm nghiên cứu, cần chọn ra một số cơ sở GDĐH trọng điểm quốc gia có nhiệm vụ dẫn dắt hệ thống về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, gắn đào tạo sau đại học với nghiên cứu; có sứ mạng tham gia hợp tác và cạnh tranh quốc tế, nâng tầm cơ sở vật chất và nguồn lực tương đương với các trường top đầu khu vực trong trung hạn.

"Để phát triển dài hạn, cần xây dựng lộ trình để tăng tỷ lệ đầu tư cho giáo dục nói chung hoặc ít nhất luôn phải đảm bảo thực chi ở mức 20% chi NSNN cho giáo dục. Chi cho GDĐH phải được coi là chi đầu tư cho phát triển. Tăng đầu tư cho GDĐH hoặc tái cơ cấu nguồn chi để có thể tăng chi cho GDĐH theo GDP lên ít nhất 1% vào năm 2030 để đạt mức khuyến nghị từ kinh nghiệm quốc tế (Ngân hàng Thế giới, 2020)" - nhóm nghiên cứu nhấn mạnh. 

Nhật Hồng
#