Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo Thông tư quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, Thông tư chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn, cụ thể: 1.Tiêu chuẩn về Tổ chức và quản trị; 2. giảng viên, 3. Điều kiện học tập; 4. Tài chính; 5. Tuyển sinh và đào tạo; 6. Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn liên quan đến nội dung Dự thảo Thông tư này.
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học khác với chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục
- Thưa Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, ông có thể cho biết sự khác nhau giữa chuẩn cơ sở giáo dục đại học và chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Chuẩn cơ sở giáo dục đại học và chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục là khác nhau. Chúng ta có thể so sánh một cách rất đơn giản để hiểu. Chuẩn cơ sở giáo dục đại học giống như “chụp lại” các chỉ số hoạt động, điều kiện hoạt động và đang hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.
Điều này cũng giống như chúng ta đi chụp chiếu, xét nghiệm sức khoẻ của một con người. Khi đã có những bước xét nghiệm rồi, nếu các chỉ số không bình thường, chuyên gia sẽ khám rất kỹ để kết luận xem nguyên nhân thế nào, đưa ra cách điều trị, đó là “đánh giá, kiểm định”.
Chúng ta có thể so sánh nôm na như vậy để thấy rằng chuẩn cơ sở giáo dục đại học là những thông số hoạt động thường xuyên, điều kiện hoạt động thường xuyên của các trường, nếu có bất thường chúng ta sẽ nhìn ra ngay. Còn đánh giá kiểm định là bước cần các chuyên gia đánh giá rất chi tiết, đi về những nguyên lý, đi vào mục tiêu của từng cơ sở giáo dục đại học.
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là yêu cầu tối thiểu, bất cứ cơ sở giáo dục đại học nào cũng phải đạt. Còn chuẩn kiểm định là để các cơ sở giáo dục đại học tự đánh giá và cải tiến chất lượng, mục tiêu đã công bố để các tổ chức kiểm định đánh giá, xem xét công nhận chất lượng của cơ sở giáo dục đại học.
Do đó, nếu chúng ta đối sánh 2 cơ sở giáo dục đại học cùng đạt kiểm định thì không nói rằng trường này chất lượng tốt hơn trường kia, mà đây là cách đảm bảo cho chất lượng của cơ sở giáo dục đại học. Còn chuẩn cơ sở giáo dục đại học cũng không xếp hạng chi tiết từng trường mà chỉ là trường này đạt, trường kia chưa đạt.
Như vậy, cả chuẩn cơ sở giáo dục đại học và chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục không phải mục đích đầu tiên là để xếp hạng.
Điểm khác là chuẩn cơ sở giáo dục đại học là quá trình liên tục và bằng định lượng là chính để cơ sở giáo dục đại học, người học và xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước đều có thể theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động này và có hành động ngay lập tức. Chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ báo cáo số liệu hàng năm, theo dõi thường xuyên.
Với kiểm định thì chu kỳ 5 năm/lần và đánh giá rất kỹ để chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu, từ đó mới có cải tiến. Kiểm định chủ yếu là để cải thiện chất lượng sau nhiều năm.
Việc xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí đã phải tham khảo nhiều nguồn
- Với số liệu các trường đại học cung cấp, làm thế nào có thể đảm bảo những số liệu đó là đáng tin cậy, thưa ông?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã cơ bản hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS), các trường sẽ cung cấp lên hệ thống dữ liệu gốc.
Ví dụ, dữ liệu về tuyển sinh, tình hình sinh viên trúng tuyển và nhập học, cập nhật kết quả từng học kỳ, sinh viên nào đã thôi học, sinh viên nào còn đang theo học,… Những dữ liệu gốc này cũng có thể có sai sót, tuy nhiên sẽ không nhiều.
Các dữ liệu về giảng viên bao gồm cả số liệu, thông tin từng người (xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư), ai là giảng viên thỉnh giảng, ai là giảng viên cơ hữu. Bên cạnh đó là các dữ liệu phản ánh điều kiện về cơ sở vật chất như diện tích xây dựng, sàn xây dựng,… Những thông tin này cũng có thể dễ dàng kiểm chứng.
Chẳng hạn, dữ liệu số lượng tuyển sinh bao nhiêu thì Bộ GD-ĐT biết rất rõ. Số lượng sinh viên của từng ngành, từng lĩnh vực, các giảng viên tên họ thế nào, ngành gì,… cũng đã thể hiện rất rõ. Đương nhiên, còn một số thông tin, trước mắt các trường phải tự chủ thực hiện kê khai như khảo sát tình hình việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên hay khảo sát sinh viên về sự hài lòng trong quá trình học tập.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng sẽ có những giải pháp để thẩm định nếu cần. Riêng với dữ liệu về việc làm, tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với bảo hiểm xã hội, kết nối dữ liệu sinh viên với bảo hiểm xã hội. Từ đó, thống kê được sinh viên có việc làm khi nào, đạt bao nhiêu phần trăm, ở lĩnh vực ngành nghề nào.
Có rất nhiều nguồn để kiểm chứng dữ liệu. Bộ tiêu chuẩn để xây dựng cũng phải dựa trên những dữ liệu đáng tin cậy mà Bộ GD-ĐT cũng như xã hội có thể giám sát được. Đồng thời, bản thân lãnh đạo các trường đại học cũng dễ dàng giám sát, thay vì chỉ để một đơn vị trong trường báo cáo lên.
- Như Thứ trưởng đã chia sẻ, chuẩn cơ sở giáo dục đại học là những điều kiện tối thiểu các trường phải đạt được. Vậy căn cứ nào để chúng ta đưa ra những tiêu chí, chỉ số trong bộ chuẩn này?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Thông tư chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn, với 24 tiêu chí và 29 chỉ số chính. Trong 6 tiêu chuẩn đã đề cập, việc lựa chọn tiêu chí nào là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ. Quan điểm trong lựa chọn các tiêu chí là đơn giản nhưng lại phản ánh được tương đối toàn diện và đầy đủ những yêu cầu thiết yếu của mỗi cơ sở giáo dục đại học để dễ dàng lượng hóa được.
Việc xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí này đã phải tham khảo nhiều nguồn. Thứ nhất, từ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với giáo dục và đào tạo nhiều năm của Bộ GD-ĐT, cũng như thực tế quản trị các trường để xác định thông số nào, chỉ số nào là quan trọng.
Thứ hai, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, từ rất nhiều tiêu chuẩn của các hiệp hội, các tổ chức quốc tế và các trường đại học trên thế giới. Ví dụ, những tiêu chuẩn, tiêu chí như kết quả tuyển sinh, tiến bộ học tập của người học, tỷ lệ có việc làm hay tỷ lệ thôi học, tỷ lệ tốt nghiệp,… đều đã rất phổ biến. Nhưng có những tiêu chí trước đây chúng ta ít để ý, đã có những hiệp hội quốc tế đưa ra rất hay và rất hợp lý, như: đánh giá mức độ rủi ro với người học thế nào, dự báo nhà đầu tư thế nào, tình trạng tài chính thế nào,… Đây là những chỉ số chúng ta có thể tham khảo.
Thứ ba, từ số liệu của các trường, khảo sát các trường qua hai kênh: dữ liệu trên HEMIS và bản file excel mà Bộ GD-ĐT gửi cho các trường để tự điền vào khi khảo sát được. Từ những dữ liệu này đối sánh với quốc tế để đưa ra các tiêu chí từng bước hội nhập quốc tế nhưng cũng đảm bảo khả thi.
Về vấn đề xác định ngưỡng trong từng tiêu chí cũng được thực hiện thông qua việc tham khảo từ quốc tế, cùng với thực tiễn ở Việt Nam và trên số liệu thống kê, khảo sát các trường; sau đó thảo luận để có được một bộ chỉ số cùng với ngưỡng khả thi.
Chế tài nào cho trường đại học không đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học?
- Làm thế nào để những chỉ số, tiêu chuẩn này đưa ra thực sự phục vụ được cho người học, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Có thể nói, người học là những người đầu tư quan trọng nhất, đầu tư tiền, thời gian, tuổi trẻ vào việc học. Do đó, không giống như những dịch vụ khác, đây là “dịch vụ” rất đặc biệt, Nhà nước phải có những cơ chế để bảo đảm.
Một trong những cơ chế đó là bảo đảm minh bạch các chỉ số quan trọng để người học biết được trường này có cơ sở vật chất thế nào, học liệu thế nào, có đủ sách vở để học không, đội ngũ giảng viên trình độ thế nào, nhiều quá hay ít quá,….
Chúng ta phải nói rằng, chuẩn cơ sở giáo dục đại học không thể là điều kiện đủ, hay đi sâu sát đến từng sinh viên. Bởi chúng ta sẽ còn chuẩn từng chương trình đào tạo. Ở đây, chúng ta chỉ đưa ra những yếu tố cốt lõi nhất, còn nhiều vấn đề trách nhiệm sẽ thuộc về cơ sở đại học thực hiện tự chủ.
Đây là chuẩn chung, chuẩn tối thiểu, là nền tảng trụ cột cho nhiều ngành, lĩnh vực. Sau đó, giả sử trong đào tạo ngành y sẽ lại có những yêu cầu cao hơn, hoặc đào tạo nghệ thuật sẽ có những yêu cầu khác.
- Thứ trưởng có thể cho biết, những trường đại học không đạt được chuẩn cơ sở giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT sẽ có giải pháp, chế tài như thế nào?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Chúng ta phải phân tích theo từng khía cạnh, xem nguyên nhân cơ sở giáo dục này không đạt là gì. Đương nhiên, Bộ GD-ĐT phải có chế tài. Tuy nhiên, chế tài này không quy định ngay ở Thông tư quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Ví dụ, trong vấn đề quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, Nghị quyết 19 đã nêu rất rõ: “Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả”. Vậy thế nào là không hiệu quả?
Chúng ta phải xem hiệu quả đạt được của từng trường, xem tuyển sinh như thế nào, tình hình tài chính thế nào, hay tỷ lệ sinh viên ra trường ra sao. Dựa trên chuẩn cơ sở giáo dục đại học để xem xét trường này ở địa phương này hay ở Vụ này hoạt động không hiệu quả, từ đó mới có những chủ trương. Trường không đạt chuẩn sẽ phải sắp xếp theo quy định. Còn trường hợp trường này chỉ tuyển sinh vượt quá số lượng quy định thì giải pháp là năm sau phải giảm chỉ tiêu, không thì đình chỉ tuyển sinh.
Như vậy, ở đây chúng ta đưa ra chuẩn đã, còn chế tài nếu không đạt sẽ nằm ở một số văn bản khác nhau, tùy theo mức độ, tùy theo khía cạnh.
- Khi chuẩn cơ sở giáo dục đại học chính thức triển khai, Thứ trưởng đánh giá sẽ tác động thế nào tới các trường đại học?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ có tác động rất lớn tới các trường đại học. Theo đó, chúng ta không thể đưa ra bộ chuẩn mà “quá nhiều trường không đạt được” hoặc “trường nào cũng đạt được”.
Bởi vậy, những trường chưa đáp ứng buộc phải có hành động quy hoạch, sắp xếp hoặc tăng đầu tư, phải cải tiến để đạt được các tiêu chuẩn.
Những trường đã đạt được thì bộ chuẩn này cũng có thể hỗ trợ việc xây dựng chiến lược để nâng chuẩn cao lên hơn nữa, thay vì chỉ đạt mức tối thiểu.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng đã chia sẻ!