Vượt qua thách thức, hướng tới năm học mới tốt hơn

Ngày 5.9, học sinh cả nước hân hoan dự lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025. Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo NGUYỄN KIM SƠN khẳng định, 2024 - 2025 sẽ là năm học với nhiều yêu cầu, nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành. Toàn ngành quyết tâm vượt qua thách thức, hướng tới một năm học có kết quả tốt hơn nữa.

Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

- Thưa Bộ trưởng, năm học mới đã bắt đầu. Bộ trưởng có thể cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học này?

- Năm học 2024 - 2025, cùng với cả nước, ngành giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm được giao tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Năm học mới với tinh thần đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, toàn ngành giáo dục sẽ ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt hơn và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra. Trong đó, tập trung triển khai ngay nội dung Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Hoàn thành chu trình đầu tiên tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện thời gian qua; Chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; Tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế, thực chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong đó ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật cao, bao gồm ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây như Công điện ngày 23.8 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tham mưu ngay và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở đó ban hành Kế hoạch hành động của ngành giáo dục nhằm triển khai chương trình hành động của Chính phủ một cách bài bản, khoa học, phù hợp tinh thần thực tiễn, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả.

Năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo. Đặc biệt sẽ dành ưu tiên nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo - dự án Luật sẽ giải quyết được một trong những vấn đề mấu chốt nhất của giáo dục, đó là phát triển đội ngũ nhà giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Bên cạnh đó xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế, cố gắng vượt qua những thách thức, hướng tới một năm học có kết quả tốt hơn nữa.

Triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới

- Sau4 năm học triển khai theo từng lớp, từng cấp học, năm học 2024 - 2025, quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hoàn tất chu trình với các lớp cuối cùng của các cấp học. Ngành giáo dục đã có những chuẩn bị và định hướng triển khai như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Chặng đường đổi mới giáo dục phổ thông vừa qua mặc dù có nhiều khó khăn, song cũng cho thấy quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và toàn ngành giáo dục để từng bước hình thành tư duy đổi mới trong chính những người thực hiện, thụ hưởng đổi mới và thuyết phục xã hội về kết quả tích cực của đổi mới.

Ngành giáo dục và đào tạo quyết tâm vượt qua thách thức, hướng tới một năm học có kết quả tốt hơn nữa
Ngành giáo dục và đào tạo quyết tâm vượt qua thách thức, hướng tới một năm học có kết quả tốt hơn nữa

Năm nay, kế hoạch thời gian năm học và các hướng dẫn năm học mới của từng cấp học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ rất sớm, trong đó đề cập cụ thể tới từng nhiệm vụ, công việc cần làm và phải làm; bao gồm 2 nhiệm vụ quan trọng là chỉ đạo triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp cuối cùng của các cấp học, chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.  

Xác định đây là năm học quan trọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chuẩn bị từ các năm học trước. Ví dụ, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận rất cao từ xã hội. Ngay sau khi phương án được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bắt tay vào chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Dự kiến Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được ban hành vào tháng 11.2024, tính ổn định lâu dài của Quy chế thi cũng đã được tính đến trong quá trình dự thảo để thuận lợi cho học sinh, giáo viên, nhà trường và địa phương trong thực hiện.

Ngoài ra, quá trình chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cần triển khai thử trên phạm vi rộng để đánh giá, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã sẵn sàng phương án cho công tác này, đồng thời tập dượt, tránh những rủi ro khi triển khai kỳ thi chính thức.

Cùng với chỉ đạo, hướng dẫn, các đơn vị chuyên môn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã và đang sát sao nắm bắt, có kế hoạch hỗ trợ, đồng hành với địa phương trong triển khai từng nhiệm vụ, công việc quan trọng của năm học mới 2024 - 2025.

Bảo đảm đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, chất lượng, cơ cấu

- Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 vừa được tổ chức, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê, cả nước còn thiếu hơn 110 nghìn giáo viên. Vậy năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

- Cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu nhà giáo. Năm học 2023 - 2024, toàn ngành đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên, tuy nhiên số học sinh không ngừng tăng dẫn đến số lớp tăng. Năm học 2023 - 2024 số lớp của cấp THCS tăng 7.198 lớp (tương đương số giáo viên tăng 13.676), số lớp cấp THPT tăng 1.213 lớp (tương đương số giáo viên tăng 2.729) so với năm học 2022 - 2023, dẫn đến số giáo viên còn thiếu vẫn còn nhiều và ở hầu hết các địa phương.

Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, năm học 2024 - 2025 số giáo viên còn thiếu so với năm học 2023 - 2024 tăng 19.856 giáo viên (giáo viên mầm non còn thiếu tăng 6.000 người, giáo viên phổ thông còn thiếu tăng 13.856 người). Nguyên nhân chính do số học sinh tiếp tục tăng dẫn đến số lớp tăng. Ví dụ, mầm non tăng 2.327 nhóm lớp, phổ thông tăng 7.150 lớp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương tuyển hết số chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo giáo viên; các trường đại học tích cực tổ chức đào tạo gắn với các môn học mới, giáo viên dạy tiếng dân tộc…

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nâng cao vị thế của nhà giáo; trong đó có Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... và trao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ số chỉ tiêu biên chế còn lại theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18.7.2022 của Bộ Chính trị; quyết liệt đôn đốc các địa phương tuyển hết số biên chế được giao từ các năm trước và giao bổ sung. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Giáo dục

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3
Giáo dục

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão số 3

Ngày 16.9, Chi bộ, Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. 

Đồng Nai: Trường THPT Văn Lang tổ chức giảng dạy ở cơ sở chưa được cấp phép
Giáo dục

Đồng Nai: Trường THPT Văn Lang tổ chức giảng dạy ở cơ sở chưa được cấp phép

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai xác định, Trường THPT Văn Lang chưa chuyển đổi từ loại hình dân lập sang tư thục, thiếu nhiều phòng chuyên môn, tổ chức giảng dạy ở cơ sở chưa được cấp phép, trường không được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 nhưng vẫn thu nhận hồ sơ là sai quy định.

Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ vì sạt lở đất
Giáo dục

Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ vì sạt lở đất

Thương cảm với hoàn cảnh em nhỏ trong vụ sạt lở đất ở Cuối Hạ - Kim Bôi (Hoà Bình) khi mất cả cha lẫn mẹ, hai anh em ruột Nguyễn Gia An - lớp 4A2 và Nguyễn Minh Tuấn - lớp 1A1, Trường Tiểu Học Trần Hưng Đạo, TP. Hoà Bình đã đập lợn tiết kiệm để góp tiền ủng hộ 15 triệu đồng.

Cao Bằng: 9 giáo viên, học sinh thiệt mạng do mưa lũ
Giáo dục

Cao Bằng: 9 giáo viên, học sinh thiệt mạng do mưa lũ

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng Nguyễn Ngọc Thư cho biết, sau đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 2 giáo viên và 7 học sinh thiệt mạng, 1 học sinh bị thương. Bên cạnh đó, 40 cơ sở giáo dục bị hư hỏng, ảnh hưởng do ngập nước, sạt lở.

Sẽ mở rộng di dời các cơ sở đại học tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
Giáo dục

Sẽ mở rộng di dời các cơ sở đại học tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng theo quan điểm quy hoạch, sắp xếp, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu của người học. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, quan điểm là "mở rộng, di dời" chứ không chỉ "di dời".