Ngành Kỹ thuật máy tính là gì?
Kỹ thuật máy tính (Computer Engineering) là ngành thuộc nhóm công nghệ thông tin. Đây là một ngành có sự kết hợp đặc biệt giữa kiến thức của cả lĩnh vực Điện tử và Công nghệ thông tin.
Trong ngành Kỹ thuật máy tính, sinh viên sẽ được tiếp cận các nguyên tắc và phương pháp để xây dựng, phát triển hệ thống phần cứng cũng như phần mềm, nhằm phục vụ cho hoạt động của các thiết bị phần cứng.
Ngành Kỹ thuật máy tính gồm nhiều lĩnh vực như mạch điện tử, vi mạch xử lý, máy tính cá nhân, siêu máy tính.
Đặc biệt, việc tạo ra các hệ thống nhúng dành cho phần lớn các thiết bị điện tử như điện thoại di động, các bộ điều khiển trong máy móc, ô tô và robot công nghiệp là một phần không thể thiếu trong lĩnh vực này.
Được trang bị kiến thức chuyên sâu về máy tính
Chương trình học của ngành Kỹ thuật máy tính cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về nhiều mảng như toán học, vật lý, cơ sở dữ liệu và thuật toán, điện tử số, hệ thống thông tin và các kiến thức chuyên ngành về cơ chế kết nối, điều khiển, vận hành hệ thống máy tính, mạng truyền dữ liệu.
Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức chuyên sâu về Công nghệ thông tin, đặc biệt là Kỹ thuật máy tính. Bên cạnh đó là kỹ năng thiết kế và lên kế hoạch để xây dựng hệ thống phần cứng, phần mềm trong nhiều lĩnh vực như điện tử, hệ thống nhúng, thiết kế vi mạch, robot, tự động hóa,... Đồng thời kỹ năng lập trình trên nhiều thiết bị như điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính và các hệ thống nhúng.
Với các kiến thức được học, người học có khả năng trở thành chuyên gia về mạng máy tính, an toàn bảo mật hệ thống, cũng như chuyên gia thiết kế, chế tạo các hệ thống thiết bị thông minh, như: smart phone, các hệ thống IoT thông minh, các thiết bị “smart home”, và các giải pháp “smart city”…
Học Kỹ thuật máy tính ra trường làm gì?
Hiện nay, Kỹ thuật máy tính đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành Khoa học kỹ thuật. Ngành Kỹ thuật máy tính đang được xác định là một trong những ngành ưu tiên phát triển hàng đầu của nước ta, điều này được thể hiện qua việc áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và việc triển khai dự án sản xuất chip tại Việt Nam.
Thị trường lao động càng trở nên sôi động hơn khi các tập đoàn lớn trong ngành đang tìm đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
Vậy nên khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật máy tính, sinh viên có thể trở thành:
Nhóm 1: Kỹ sư kỹ thuật, thiết kế, quản lý nhóm, dự án: Có năng lực làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, thiết kế, các tổ chức, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: Điện, Điện tử- Truyền thông, Công nghệ thông tin, Điều khiển và Tự động hóa; có thể làm việc trong các tập đoàn, nhà máy và các cơ sở sản xuất liên quan đến thiết kế, chế tạo các thiết bị phần cứng, phần mềm, các hệ thống nhúng, các bộ vi xử lý.
Nhóm 2: Chuyên viên phân tích, tư vấn và kinh doanh: Có khả năng làm việc tại các công ty và tổ chức tư vấn, doanh nghiệp, các bộ và sở, ban, ngành liên quan; có thể đảm nhận các công việc: phụ trách dịch vụ sau bán hàng; tư vấn sản phẩm công nghệ, thiết kế phát triển các sản phẩm mẫu…, có thể trở thành các chuyên gia phân tích, tư vấn, lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức.
Nhóm 3: Nghiên cứu viên và giảng viên: Có khả năng nghiên cứu và giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu; tham gia nghiên cứu các vấn đề có liên quan Kỹ thuật Máy tính; trợ lý giảng dạy, giảng viên dạy các học phần thuộc ngành đào tạo; phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới; có thể trở thành nghiên cứu viên, giảng viên, nhà quản lý.
Mức thu nhập ban đầu của kỹ sư ngành Kỹ thuật máy tính được đánh giá là khá cao, dao động trong khoảng từ 6 - 8 triệu đồng mỗi tháng. Đối với những kỹ sư có kinh nghiệm, mức lương có thể dao động từ 15 - 30 triệu đồng mỗi tháng, tuy nhiên mức lương này còn phụ thuộc vào năng lực của từng cá nhân.
Những trường đại học nào đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính
Hiện nay, ngành Kỹ thuật máy tính thực hiện xét tuyển theo nhiều ngành khác nhau như: Khối A00, A01, B00, Khối D01, Khối D90, Khối D07.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành Kỹ thuật máy tính được đào tạo tại Khoa Công nghệ thông tin, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông. Năm 2024, trường tuyển 200 chỉ tiêu.
Nhà trường cam kết 100% sinh viên có việc làm, đặc biệt các việc liên quan đến thiết kế chế tạo tại các tập đoàn lớn như: Samsung, VNPT, Vingroup (sản xuất điện thoại), BKAV… với mức lương khởi điểm trung bình: 15-20 triệu/tháng.
Năm 2023, điểm trúng tuyển vào ngành Kỹ thuật máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội là 28,29 điểm với khối A00, A01 và 79,22 với điểm thi đánh giá tư duy.
Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN cũng đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính, thời gian đào tạo 4,5 năm. Trường xét tuyển 2 tổ hợp A00, A01. Năm 2023, điểm chuẩn vào ngành Kỹ thuật máy tính của Trường Đại học Công nghệ là 27,25 điểm.