Tính đếnnăm 2020, cả nước có 240 trường đại học, học viện bao gồm 175 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài.
Quy mô đào tạo được cải thiện đáng kể cùng với cơ cấu ngành nghề ngày càng đa dạng, tiệm cận với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. Quy mô và trình độ đội ngũ giảng viên ngày càng được nâng cao.
Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại các cơ sở GDĐH tăng khá, từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021. Tỉ lệ trợ giảng có trình độ đại học giảm trên 50% trong giai đoạn từ 2016 đến 2021, điều này cho thấy các trường đã ý thức được việc nâng cao chất lượng giảng viên và thực hiện chuẩn hóa trình độ đội ngũ giảng viên theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.
Chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) được nâng cao một phần nhờ sự gắn kết hơn giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học (NCKH). Giai đoạn 2016 – 2020 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ về công bố quốc tế của các cơ sở GDĐH Việt Nam.
Số lượng các công trình công bố quốc tế liên tục tăng trong cơ sở dữ liệu Scopus. Trong năm 2015, số công bố khoa học của các cơ sở GDĐH trên hệ thống Scopus là 4.056, nhưng đến năm 2020 số lượng bài đã đạt 17.334, tăng gấp hơn 4 lần so với 2015.
Tuy nhiên, sự phát triển của hệ thống GDĐH vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng cũng như chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Hệ thống GDĐH vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của xã hội và nhân dân.
Nguyên nhân sâu xa là mối quan hệ hữu cơ giữa ba yếu tố nguồn lực, tính hệ thống và cơ chế chính sách cho GDĐH chưa được giải quyết triệt để, thậm chí do sự không đồng bộ nên còn là rào cản cho sự phát triển, chưa thực sự giải phóng từng cá nhân, từng cơ sở GDĐH và cả hệ thống.
Tỉ lệ sinh viên/1 vạn dân của Việt Nam còn rất thấp
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, về quy mô đào tạo, năm học 2020 – 2021 cả nước có 1.997.839 sinh viên, trong đó sinh viên cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên và sinh viên đại học là 1.884.565, với tỉ lệ sinh viên đại học/1 vạn dân là 195,4. Sinh viên đại học công lập chiếm 81,26%.
Trong số 409.507 sinh viên tuyển mới năm 2020, có 103.181 sinh viên là người dân tộc thiểu số (tăng 15,8% so với năm 2019); năm 2019 có 11.777 sinh viên thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, 6.128 sinh viên thuộc địa bàn các tỉnh Tây Nguyên cho thấy nỗ lực của Nhà nước trong việc nâng cao khả năng tiếp cận GDĐH đối với người dân tại vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Công bằng xã hội được thực hiện tốt hơn. Số con em diện chính sách, miền núi, dân tộc, vùng sâu, vùng xa được thu hút ngày càng đông vào các trường đại học.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉ lệ nữ sinh viên đại học ở Việt Nam trội hơn so với nam sinh viên. Điều này cho thấy tác động của các chính sách bảo đảm bình đẳng, công bằng đối với tiếp cận giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.
Mặc dù giáo dục đại học đã có những tiến bộ đáng kể về quy mô đào tạo, tuy nhiên, so với các nước, thì tỉ lệ sinh viên/1 vạn dân của Việt Nam còn rất thấp: năm 2005 Thái Lan có 374 sinh viên/1vạn dân; Nhật Bản có 316 sinh viên/1 vạn dân và Hàn quốc có 674 sinh viên/1 vạn dân. Có thể thấy nếu nhìn vào số liệu này thì Việt Nam đang chậm so với các quốc gia trên khoảng 14 năm.
Đồng thời, số lượng sinh viên tại các trường đại học ngoài công lập và trường quốc tế tăng so với những năm trước đây nhưng số lượng này vẫn thấp hơn rất nhiều số sinh viên trong các trường đại học công lập. Điều này cũng phản ánh năng lực của hệ thống phần nào vẫn chưa đáp ứng nhu cầu học tập, mặc dù quy mô đào tạo (chỉ tiêu) tăng nhưng vẫn luôn thấp hơn nhu cầu khá nhiều (đáp ứng khoảng 70% nhu cầu).
Trong bối cảnh tự chủ đại học ngày càng tăng cường, các cơ sở GDĐH đã chủ động, tích cực mở các ngành mới theo nhu cầu xã hội. Cơ cấu trình độ cũng có sự cải thiện đáng kể, tuy nhiên, xét về tổng thể tỉ lệ theo học sau đại học ở Việt Nam vẫn ở mức thấp, đặc biệt là số lượng nghiên cứu sinh.
Tỉ trọng lao động có việc làm được đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm 23,1%. Trong số lao động có việc làm có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 45,9% lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật trình độ từ đại học trở lên.
Sau 10 năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng mạnh nhưng vẫn còn 76,9% người tham gia lực lượng lao động (LLLĐ) chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt, tỉ lệ LLLĐ có trình độ sau đại học rất thấp, chiếm dưới 5,9% tổng dân số.
Mặc dù vậy, toàn quốc có 80,8% dân số từ 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Điều này được lý giải bởi cơ hội tiếp cận giáo dục sau trung học của nước ta vẫn thuộc hàng thấp nhất trong số các quốc gia Đông Á.
Năm 2019 tỉ lệ nhập học chung ở Việt Nam (Gross Enrolment Rate, GER) là 28,3%; khi so với các nước trong khu vực thì GER của Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với Brunei (31%), Malaysia (45%), Thái Lan (49%), Singapore (85%) và Hàn Quốc (94,4%).
Con số này đặt ra thách thức lớn cho những cố gắng nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực, tăng năng suất lao động và tạo động lực phát triển kinh tế.
Đầu tư chưa tương xứng với tốc độ tăng quy mô
Đổi mới quản trị đại học, đặc biệt là thí điểm triển khai tự chủ đại học theo tinh thần Nghị quyết 77/2014/NQ-CP và sau đó đã được quy định trong Luật giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung năm 2018).
Mặc dù trong quá trình triển khai tự chủ đại học còn gặp nhiều khó khăn, từ nhận thức cho tới hành lang pháp lý liên quan nhưng phải khẳng định tự chủ đại học đã tạo cú hích quan trọng trong lịch sử phát triển GDĐH ở Việt Nam.
Tuy nhiên, quy mô và chất lượng GDĐH chưa đáp ứng được tốt yêu cầu phát triển KT-XH và nhu cầu học tập của người dân (tỉ lệ sinh viên/1 vạn dân vẫn ở mức thấp trong khu vực).
Giai đoạn từ 2010 – 2015 quy mô sinh viên tăng nhưng chủ yếu do tăng số lượng cơ sở GDĐH; phát triển nóng, tăng 43%. Việc tăng nóng quy mô sinh viên giai đoạn 2010 – 2016 cũng đặt áp lực nặng lên ngân sách nhà nước trong triển khai chính sách hỗ trợ tài chính cho người học, đối tượng thiệt thòi, hộ nghèo rất khó có cơ hội tiếp cận GDĐH.
So sánh tỉ trọng chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho GDĐH của Việt Nam/GDP giai đoạn 2018-2020 cho thấy tỉ trọng chi NSNN cho GDĐH tính trên tổng GDP của Việt Nam tăng từ 0,25% lên 0,27% (tương ứng từ 13.634 tỉ đồng lên 16.703 tỉ đồng theo dự toán), thấp hơn nhiều các nước trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên kinh phí từ NSNN thực chi năm 2020 chỉ đạt xấp xỉ 11.327 tỉ đồng, chiếm 0,18% GDP, trong khi đó tỉ trọng đó ở Thái Lan là 0,64%; Trung Quốc 0,87%, Hàn Quốc và Singapore 1%, Maylaysia 1,13%, Pháp 1,25%, Anh 1,29%, Australia 1,54%, Newzealand 1,63%, Phần Lan 1,89%.
Như vậy, đầu tư chưa tương xứng với tốc độ tăng quy mô. Điều này là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và kỳ vọng của người dân.
Khi chưa khẳng định được chất lượng thì “sức hút” của GDĐH không cao, dẫn tới tỉ lệ sinh viên/1 vạn dân, tỉ lệ nhập học (GER) thấp. Giai đoạn này, Việt Nam không có trường đại học nào nằm trong bảng xếp hạng 1000 cơ sở GDĐH trên thế giới; số lượng công bố khoa học quốc tế và chỉ số H (H-Index) thấp.
Giai đoạn sau (2016 – 2020) bên cạnh nguyên nhân ban hành nhiều chính sách để nâng cao chất lượng GDĐH, cũng phải nhìn nhận quy mô sinh viên không tăng do chất lượng chưa đáp ứng được mong muốn của người học, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội.
Mặc dù vậy, giai đoạn này đã bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ từ các chính sách vĩ mô như lần đầu tiên Việt Nam có các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 1000 trường đại học tốt nhất thế giới; tỉ lệ công bố bài báo khoa học trên ISI tăng hơn 3 lần, trên hệ thống SCOPUS tăng hơn 4 lần; chỉ số H-Index bước đầu được cải thiện.
Nguyên nhân, hệ thống cơ sở GDĐH phát triển và hoạt động với chất lượng và hiệu quả chưa đồng đều (Quy mô tuyển sinh của các cơ sở GDĐH và tương ứng là quy mô đào tạo rất khác nhau; chất lượng thể hiện ở xếp hạng quốc tế cũng rất khác nhau); mô hình quản lý của cơ quan nhà nước thiếu thống nhất và phân mảnh (số lượng trường nhiều nhưng trực thuộc nhiều bộ, ngành, địa phương); các viện nghiên cứu khoa học còn đang vận hành và hoạt động độc lập với hệ thống cơ sở GDĐH; năng lực quản trị các cơ sở GDĐH còn yếu và không đồng đều (một số cơ sở tự chủ tốt, một số còn lại còn yếu, chưa theo kịp yêu cầu của bối cảnh tình hình mới).
Sự bất bình đẳng, thiếu minh bạch trong cơ chế chính sách, phân bổ nguồn lực nhà nước (giữa trường đại học công lập và trường đại học tư thục; giữa các trường đại học công lập; giữa các trường đại học thuộc các bộ ngành khác nhau; trường đại học tự chủ với trường chưa tự chủ…) tồn tại; không có hoặc động lực cạnh tranh trong hệ thống GDĐH còn yếu.
Số lượng công bố NCKH chưa đồng đều; chất lượng công bố còn hạn chế; công trình n/c đóng góp trực tiếp cho phát triển đất nước còn hạn chế do nguồn lực; việc tổ chức quản lý nghiên cứu trong các trường đại học còn tách rời, chưa gắn chặt với hệ thống quản lý GDĐT, đặc biệt là đào tạo SĐH (ở tầm quốc gia viện NC tách riêng các trường ĐH).
Sự quan tâm đầu tư cho sau đại học còn thấp hơn nữa, chưa gắn với NCKH. Sự gắn kết giữa đào tạo với NCKH, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp còn rất lỏng lẻo, các cơ sở GDĐH hầu như chỉ chú trọng công tác đào tạo, và đào tạo chỉ tập trung cho người học để có việc làm.
Theo Bộ GD-ĐT thống kê cho thấy, lực lượng nòng cốt nghiên cứu khoa học đang tập trung tại các cơ sở GDĐH. Trong tổng số công bố quốc tế của toàn quốc trên hệ thống Scopus, số công bố của các nhà khoa học thuộc các cơ sở giáo dục đại học chiếm trên 90%. Tuy nhiên, tổng kinh phí đầu tư cho NCKH tại các cơ sở GDĐH lại chiếm tỉ trọng rất thấp trong tổng kinh phí chi cho KHCN của cả nước, chưa tương xứng với sứ mạng và vai trò của GDĐH là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với NCKH, đổi mới sáng tạo…
Có thể nhận định, GDĐH Việt Nam còn tương đối chậm thay đổi về nhận thức, đặc biệt nhận thức của giảng viên, cán bộ viên chức, sinh viên; cán bộ quản lý; QLNN trước những cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại.
Nhìn chung, hệ thống GDĐH Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được giải quyết để nâng cao năng lực toàn hệ thống; cần phải tiếp tục phát triển GDĐH đại chúng, có trọng tâm, trọng điểm và phát triển tinh hoa; đào tạo tập trung vào đầu ra với mục tiêu hình thành thế hệ nhân lực có khả năng, kĩ năng khởi nghiệp với khát vọng phát triển đất nước; phát triển GDĐH gắn liền với chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội, thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0 và xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa GDĐH.
Có như vậy, GDĐH Việt Nam trong giai đoạn mới có thể hoàn thành sứ mạng của mình.
(Nguồn: Viện KHGD, Bộ GD-ĐT)