Nhận thức về tác hại của thuốc lá được nâng cao
Để theo dõi tình hình sử dụng thuốc lá và hiệu quả thực hiện các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá phối hợp với các cơ quan, tổ chức triển khai các nghiên cứu gồm: Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) qua các năm 2010, 2015 và 2020; Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá trong học sinh (13-15) tuổi các năm 2004, 2007, 2014, 2022 (GYTS); Điều tra tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 (PGATS).
Kết quả các điều tra cho thấy, từ năm 2013, với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, sự tham gia của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các tổ chức quốc tế, công tác phòng chống tác hại thuốc lá đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tại các trường học, cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng. Tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của các cơ quan công sở, việc hút thuốc hầu như không còn. Nhiều sự kiện trong cộng đồng như đám cưới, đám tang… tại nhiều địa phương đã bỏ hoặc giảm hẳn việc mời hút thuốc lá, hành vi hút thuốc nơi công cộng ngày càng không được cộng đồng chấp nhận như trước đây. Nhiều người không hút thuốc đã nhận thức được quyền được bảo vệ sức khoẻ, được sống trong môi trường không khói thuốc và lên tiếng nhắc nhở người hút thuốc không hút thuốc tại nơi có quy định cấm.
Các kết quả cho thấy, nhận thức về tác hại của thuốc lá được nâng cao với hơn 90% người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây những bệnh nghiêm trọng.
Tỷ lệ sử dụng thuốc ở người trưởng thành giảm, cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống 42,3% năm 2020, trong đó sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15-24 giảm từ 26% xuống còn 13%. Trong đó, giảm một nửa tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong lứa tuổi học sinh từ 13-17 tuổi trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2019. Ở lứa tuổi 13-15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm rõ rệt từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.
Việc hút thuốc lá thụ động giảm, tại nơi làm việc giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà giảm từ 59,9% xuống 56,0%; tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar/cà phê/trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%.
Tỷ lệ người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá tăng, trong 5 năm (từ 2015-2020) tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 2020.
Với các kết quả như trên, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lây bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015-2020 là 1.227 tỷ đồng/năm.
Đây là những kết quả đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá. Kết quả này cho thấy ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc trong cộng đồng đã có chuyển biến tích cực. Đây là một trong những kết quả bền vững trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại nước ta. Những thành công bước đầu này đã góp phần thực hiện hiệu quả Luật phòng chống tác hại thuốc lá và ý kiến chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 20/2017/NQ-TƯ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
Quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống thuốc lá; Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế cùng các bộ ban ngành vào cuộc, từ đó từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng hút thuốc lá tại Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên thế giới cũng như Việt Nam đang xuất hiện một xu hướng mới, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ.
Điều tra tình tình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh năm 2020 cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tại Việt Nam đang tăng nhanh từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi năm 2019 là 2,6%, năm 2022 là 3,5%. Sau 3 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng đáng kể.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh rằng, “chúng ta không hành động hôm nay, ngày mai sẽ phải đối mặt với trào lưu, đại dịch của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử. Một số giải pháp hiện nay chúng tôi đang đưa ra, đó là nghiên cứu và đưa vào những văn bản luật và dưới luật khái niệm và biện pháp với các hình thức thuốc lá mới.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ và cùng các cơ quan khác để cùng vào cuộc, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản gửi tất cả các Bộ ban ngành, cơ quan truyền thông, tất cả các tỉnh… quyết liệt để có những giải pháp hiệu quả. Mặt khác, nghiên cứu, đánh giá, đưa ra những bằng chứng tích cực hơn nữa và cùng với các cơ quan truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, các cơ quan chức năng… cần phối hợp với Bộ Y tế đưa ra những tài liệu, cùng với các bộ ngành khác đưa ra các chế tài để từng bước ngăn chặn và đẩy lùi xu hướng sử dụng thuốc lá mới trong giới trẻ, ông Lương Ngọc Khuê cho biết thêm.