Trường mới thành lập cũng có tỉ lệ "chọi" cao
Số liệu do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố cho thấy, bên cạnh một số trường tốp đầu luôn có tỉ lệ chọi cao đã xuất hiện một số trường THPT mới thành lập tại Hà Nội gồm: THPT Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Chương Mỹ), TH, THCS và THPT Khương Hạ (quận Thanh Xuân) và THPT Minh Hà (huyện Thạch Thất); Trường THPT Minh Hà bắt đầu đi vào hoạt động từ năm học 2022- 2023, 3 trường còn lại, năm nay bước vào mùa tuyển sinh thứ 2 cũng có tỉ lệ "chọi" khá cao.
Theo đó, trong 117 trường THPT công lập, Trường Tiểu học, THCS và THPT Khương Hạ có tỉ lệ 'chọi" cao nhất - 1/3,55, tức cứ 4 thí sinh mới có một em trúng tuyển. Năm nay, trường nhận 280 học sinh lớp 10 nhưng có tới 995 hồ sơ nguyện vọng 1.
Trường THPT Mỹ Đình cũng xếp thứ 6 trong tốp 15 trường có tỉ lệ "chọi" cao nhất với tỷ lệ chọi là 1/2,49 (gần 2,5 thí sinh dự thi thì có 1 thí sinh trúng tuyển). Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi tuyển sinh 675 chỉ tiêu, trường có 680 học sinh đăng ký nguyện vọng 1, 2.476 học sinh đăng ký nguyện vọng 2 và 1.817 học sinh đăng ký nguyện vọng 3. Còn với trường THPT Minh Hà, dù năm đầu tuyển sinh nhưng số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 khá đông (373 chỉ tiêu), gần tương đương với chỉ tiêu của trường (450 chỉ tiêu).
Việc một số trường có tỉ lệ "chọi" tăng đột biến khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng. Một phụ huynh học sinh ở quận Thanh Xuân cho biết, việc gia đình quyết định cho con đăng ký vào Trường Tiểu học, THCS và THPT Khương Hạ vì điểm chuẩn của trường 2 năm trước thấp hơn so với các trường trong khu vực.
Dựa vào điểm chuẩn năm trước nên phụ huynh này cũng mong muốn điểm chuẩn năm nay sẽ "nhẹ nhàng" như năm trước để con có thể trúng tuyển. Khi nghe tin đây là trường có tỉ lệ "chọi" cao nhất thành phố, cả gia đình đều rất lo lắng.
Thực tế, để lựa chọn trường cấp 3 cho con, phụ huynh thường cân nhắc nhiều yếu tố như cơ sở vật chất, vị trí địa lý, chất lượng giáo viên, hoạt động ngoại khóa, kết quả năm học…
Nhiều thầy cô giáo cho rằng, năm nay, việc học sinh đổ xô đăng ký dự tuyển vào các trường mới thành lập này, ngoài lý do trường đóng ở khu vực tuyển sinh có mật độ dân số cao, còn có thể do phụ huynh và học sinh chọn nguyện vọng an toàn, vì năm nay Hà Nội tiếp tục áp dụng quy định không cho học sinh đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi biết tỉ lệ "chọi" của từng trường.
Học như thế nào khi "tỉ lệ chọi" quá cao?
Mặc dù tỉ lệ "chọi" nhiều trường tăng cao, nhưng ở giai đoạn nước rút này, các chuyên gia cho rằng, thí sinh cần giữ vững tâm lý. Cùng với đó, nên hệ thống hóa kiến thức để kịp thời phát hiện và lấp đầy những lỗ hổng đồng thời có chiến lược thông minh trong luyện đề.
Ở môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Phi Hùng, Hệ thống giáo dục Học Mãi cho hay đến thời điểm này, về cơ bản, các thầy cô đã ôn xong vòng một, cung cấp kiến thức cơ bản và kỹ năng làm bài cần thiết cho học sinh. Nhiều học sinh đã biết mình hổng những phần kiến thức nào để ôn bổ sung phần đó.
Vì thế, theo thầy Hùng, giai đoạn này, học sinh nên tự hệ thống hóa lại kiến thức nhằm kịp thời phát hiện các lỗ hổng và lập tức lấp đầy. Để hệ thống hóa kiến thức, học sinh nên chia theo các dạng bài, các gói chuyên đề. Với các tác phẩm văn học, các em có thể hệ thống theo thể loại, theo giai đoạn, theo vấn đề…
Với phần tiếng Việt, học sinh có thể lập bảng các khái niệm, định nghĩa, ví dụ kèm theo. Với phần nghị luận, học sinh có thể vạch các chủ đề cơ bản và hệ thống luận điểm, luận cứ, dẫn chứng có thể sử dụng tương ứng cho từng chủ đề…
“Một cách được nhiều học sinh sử dụng hiệu quả là dùng các tờ giấy A4 để hệ thống hóa từng tác phẩm, gạch chân các từ khóa, gạch các ý chính, vạch các dạng câu hỏi có thể gặp. Các em cũng có thể vẽ sơ đồ tư duy. Cách làm này giúp các em dễ nhớ, nhớ lâu hơn và lại có tư liệu để có thể xem nhanh khi cần,” thầy Hùng chia sẻ.
Theo thầy Nguyễn Mạnh Cường, Ths Toán học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, ở môn Toán, với những phần kiến thức chưa chắc chắn, các em nên đọc lại sách giáo khoa, làm thêm các chuyên đề để tích lũy và củng cố kiến thức nhằm nâng cao điểm số.
Tuy nhiên, ngay cả với những phần kiến thức đã nắm vững, thầy Cường cũng nhắc nhở học sinh không nên chủ quan. “Trong môn Toán, chỉ cần không cẩn thận cũng sẽ dễ dẫn đến mất điểm rất đáng tiếc do lỗi trình bày hay làm tắt. Vì thế, học sinh phải nhớ kỹ việc làm bài chỉn chu, ăn chắc trong từng bước”, thầy Cường chia sẻ.
Với môn Ngoại ngữ, thầy Nguyễn Danh Chiến, Trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội) cho rằng việc tập trung luyện đề theo sát cấu trúc đề thi của sở giáo dục và đào tạo trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có ý ngĩa quan trọng để giúp học sinh tự đánh giá kết quả ôn tập, tìm ra lỗi sai khi làm bài luyện để tránh lặp lại. Việc luyện đề cũng giúp các em rèn thêm phương pháp làm đề thi, chiến lược làm bài thi, kiểm soát cảm xúc và tâm lý bình tĩnh và tự tin.
“Cần giữ được sự thong dong, thông thái, sáng suốt là cách để tránh sai sót,” thầy Nguyễn Danh Chiến chia sẻ.
Theo công bố của Sở GD-ĐT Hà Nội, trong kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT công lập diễn ra trong 2 ngày 10,11.6, toàn thành phố có 104.917 thí sinh.
Chỉ tiêu tuyển sinh toàn thành phố ở nhóm trường công lập không chuyên là 69.805, tăng 785 chỉ tiêu so với năm học 2022-2023. Như vậy, tỷ lệ chọi (tỷ lệ cạnh tranh suất vào lớp 10) của năm nay ở các trường công lập là 1/1,5. Trong khi đó, tỷ này năm ngoái là 1/1,54.