Tuyển sinh 2023: Nhiều trường đại học mở thêm ngành Trí tuệ nhân tạo

- Thứ Năm, 09/02/2023, 07:23 - Chia sẻ

Mùa tuyển sinh năm 2023, nhiều trường đại học công bố mở thêm các ngành đào tạo mới. Trong đó, thêm nhiều trường mở mới ngành học Trí tuệ nhân tạo để đón đầu xu hướng tương lai.

Mở ngành mới theo xu hướng chuyển đổi số

Đón đầu xu hướng tương lai về các ngành nghề Robot và Trí tuệ nhân tạo, mùa tuyển sinh năm 2023, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh tuyển sinh 5 chương trình mới gắn liền với kỷ nguyên số gồm: Công nghệ tài chính, Công nghệ Marketing, Kinh doanh số, Kỹ sư Robot và Trí tuệ nhân tạo, Kỹ sư Công nghệ Logistic.

Ngoài ra, trường cũng tuyển sinh 1 chương trình song bằng mới về Kinh tế chính trị - Luật và quản trị địa phương. Tổng chỉ tiêu năm 2023 của nhà trường là 7.650 chỉ tiêu tại cơ sở TP Hồ Chí Minh và 600 chỉ tiêu tại Phân hiệu Vĩnh Long.

Tương tự, trong kỳ tuyển sinh đại học chính quy năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) dự kiến tuyển sinh thêm 2 ngành mới mở là Công nghệ kỹ thuật hóa học, Robot và Trí tuệ nhân tạo.

Kỳ tuyển sinh năm 2023, trường sẽ chủ trương giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm 2022 với tổng chỉ tiêu dự kiến là 1.500 sinh viên. Trong đó, trường tổ chức 5 phương thức tuyển sinh.

Năm nay, Đại học Đà Nẵng dự kiến tuyển sinh hơn 15.000 chỉ tiêu và mở nhiều chuyên ngành mới chú trọng đáp ứng nhu cầu của xã hội, theo xu hướng chuyển đổi số như: Chuyên ngành Marketing số của trường Đại học Kinh tế; ngành Trí tuệ nhân tạo của trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn; chuyên ngành Công nghệ Nano của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh; ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học, ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật…

Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa) cũng vừa công bố đề án tuyển sinh. Theo đó, năm nay là năm đầu tiên nhà trường bắt đầu tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo. Mùa tuyển sinh năm nay, trường dự kiến tuyển sinh 14 ngành với tổng chỉ tiêu là 1.500, xét tuyển theo 4 phương thức.

Trường có 6 ngành mới so với năm 2022, gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), Kinh doanh quốc tế, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Marketing, Luật kinh tế, Quản trị khách sạn.

Nhiều trường đại học mở thêm ngành trí tuệ nhân tạo -0
Chương trình đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo và Robot tại Trường Đại học Phenikaa được thiết kế theo nhu cầu của thị trường

Thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh

Xu hướng đầu tư mở ngành học mới chứng tỏ rằng, các trường chuyển mình từ đào tạo những gì mình có sang đào tạo những gì thị trường cần. Nếu đảm bảo điều kiện chất lượng, đó là tín hiệu tốt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh.

Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương Vũ Thị Hiền cho biết, năm 2023, trường mở ngành mới là kinh tế chính trị cùng chương trình kinh tế chính trị quốc tế với chỉ tiêu 50 sinh viên/năm.

“Việc mở ngành kinh tế chính trị nói chung, chuyên ngành kinh tế chính trị quốc tế nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu rất cao của thị trường lao động Việt Nam về nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực quản lý, lãnh đạo và tư vấn”, PGS. TS Vũ Thị Hiền cho biết.

Trường ĐH Ngoại thương mùa tuyển sinh năm nay sẽ giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh ĐH chính quy như năm 2022. Tổng chỉ tiêu dự kiến tuyển sinh ĐH chính quy năm 2023 của Trường ĐH Ngoại thương là 4.100 sinh viên cho cả trụ sở chính Hà Nội và các cơ sở trực thuộc.

Bên cạnh đó, những ngành ngôn ngữ Hàn, Trung có sức hút mạnh với thí sinh ở các kỳ tuyển sinh trước với số điểm rất cao, thậm chí chạm ngưỡng tuyệt đối, vì vậy việc thêm trường mở ngành ngôn ngữ này sẽ tạo cơ hội cho nhiều thí sinh được học ngành mà mình yêu thích.

Nắm bắt xu hướng, mùa tuyển sinh năm nay, Trường đại học Thủy lợi sẽ mở 3 ngành học mới là Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc và Luật kinh tế với chỉ tiêu dự kiến là 40 sinh viên/ngành.

Dự kiến, thời gian tới sẽ có thêm nhiều trường đại học công bố phương án tuyển sinh và cũng có thêm nhiều ngành, khoa, chương trình đào tạo mới.

Cùng với việc rà soát điều kiện mở các ngành học mới, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ sẽ ban hành danh mục thống kê ngành thí điểm, lựa chọn chỉ đưa vào những ngành mới tuyển sinh tốt hoặc có dự báo tin cậy về nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai; hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát lại các ngành tuyển sinh, loại bỏ những ngành đào tạo không còn nhu cầu của xã hội và những ngành mới đào tạo thí điểm kém hiệu quả.

Đồng thời, giữ ổn định quy chế tuyển sinh, chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở đào tạo hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, tăng độ tin cậy của các hình thức đánh giá, xét tuyển và sự công bằng đối với thí sinh.

Minh Vân
#